Hết lòng với sự nghiệp trồng người

Hết lòng với sự nghiệp trồng người

Năm 2003, khi còn là Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng huyện Nam Trực, trong những lần đi chấm thi tuyển sinh vào lớp 10, tôi thấy mỗi năm có đến hàng trăm học sinh không vào được cấp 3. Tương lai các em sẽ như thế nào nếu không được đến trường?

Phải có một ngôi trường để tạo điều kiện cho các em được đến lớp, đi học, tiếp tục dưỡng nuôi những ước mơ. Nung nấu ý định đó, năm 2006, sau nhiều năm nỗ lực chuẩn bị, tôi đã đứng ra thành lập Trường THPT tư thục Quang Trung, nay là Trường THPT Quang Trung với một mong ước, học sinh nào cũng được đến trường”, thầy giáo Đoàn Văn Thoại, Bí thư chi bộ, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Nam Trực) chia sẻ.

Thầy Đoàn Văn Thoại, Bí thư chi bộ, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung hướng dẫn học sinh tham quan Nhà truyền thống của trường.

Chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng thầy Thoại vào một buổi sáng mùa đông đầy nắng. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Nam Định năm 1962, năm 1967, thầy Thoại được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường cấp 2 Nam Hồng khi mới 25 tuổi.

Với thâm niên đứng lớp vài chục năm, trong đó thầy Đoàn Văn Thoại có nhiều năm giữ chức vụ quản lý như hiệu phó rồi hiệu trưởng ở nhiều ngôi trường khác nhau thuộc huyện Nam Trực nên thầy có những thuận lợi khi quyết định mở trường tư thục vì được rất nhiều phụ huynh, học sinh ở các trường trong huyện biết và tin tưởng.

“Tuy nhiên khi lên kế hoạch rồi bắt tay vào xây trường vẫn gặp muôn vàn khó khăn”, thầy Thoại chia sẻ. Khó khăn cơ bản nhất, theo thầy chính là nhiều người chưa hiểu về hoạt động của trường tư thục. Do đó họ vẫn còn e ngại, “lấn cấn” khi cho con em theo học.

Khó khăn thứ hai là vốn đầu tư để xây trường. Để giải quyết bài toán hóc búa về tài chính, thầy Thoại đã phải vay mượn nhiều nguồn từ người thân, anh em bạn bè, vay vốn ngân hàng… Cùng với những nỗ lực cố gắng của thầy Thoại, sau một thời gian ngắn xây dựng, hình hài của một ngôi trường mới đã được hình thành.

Niềm vui nhân lên, gánh nặng trong lòng thầy giáo già vơi đi ít nhiều. Trường THPT tư thục Quang Trung đóng tại địa bàn xã Nam Hồng (Nam Trực) ban đầu được xây dựng với 6 phòng cho 5 lớp học, trong đó có 2 lớp 10, 2 lớp 11 và 1 lớp 12 với trên 200 học sinh.

Đến năm học 2007-2008, trường có 9 lớp học với 460 học sinh. Đến nay Trường THPT Quang Trung có 625 học sinh theo học với 5 lớp 10, 4 lớp 11, 4 lớp 12. Cùng với sự cố gắng của thầy Thoại, cơ sở vật chất của nhà trường cũng từng bước được hoàn thiện.

Trên diện tích 6.800m2, trường có 20 phòng học cao tầng thoáng mát, 4 phòng học chức năng, sân thể dục rộng 4.100m2… Nhằm mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy, thầy Thoại trực tiếp mời nhiều giáo viên khá, giỏi ở các trường: Lý Tự Trọng, Trần Văn Bảo về thỉnh giảng tại trường.

Quan tâm đến chất lượng dạy và học, bên cạnh việc động viên khuyến khích tinh thần tự học tập của các em, thầy Thoại cũng như các thầy cô luôn sâu sát với từng học sinh, phân loại những học sinh yếu kém bị hổng kiến thức để tổ chức phụ đạo nâng dần kiến thức, tổ chức các kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ, giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp thường xuyên tổ chức kiểm tra sách vở của học sinh vào tiết sinh hoạt cuối tuần…

Với những biện pháp trên, chất lượng giáo dục của Trường THPT Quang Trung ngày càng được nâng cao. Hằng năm tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp đạt từ 99-100%, tỷ lệ đỗ cao đẳng, đại học đạt trên 86%. Điểm tuyển sinh vào lớp 10 của trường hằng năm đều cao nhất so với các trường ngoài công lập.

7 năm liền, đội tuyển học sinh giỏi đạt loại xuất sắc, được Sở GD và ĐT khen thưởng. Năm học 2015-2016, Trường THPT Quang Trung vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ GD và ĐT là đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”; Bằng khen của UBND tỉnh là đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác GD và ĐT các năm học từ 2013 đến 2015…

Không chỉ chú trọng đến chất lượng giáo dục về mặt kiến thức, thầy Thoại còn rất quan tâm đến vấn đề giáo dục truyền thống cho học sinh. Chính vì vậy, cũng từ năm 2010, thầy quyết định xây thêm mô hình khu Nhà Cổ và nhà Giáo dục truyền thống 8 gian rộng 94m2 trưng bày nhiều hiện vật cổ về quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, cuộc sống sinh hoạt, lao động bình dị của ông cha ta qua các thời kỳ.

Tại Nhà giáo dục truyền thống, thầy thiết kế theo từng chủ đề, đồng thời sưu tầm thêm những hình ảnh, phục dựng các vật dụng sinh hoạt như cối giã gạo, cày, bừa, gàu tát nước, mâm gỗ, ấm, nồi đồng… cho học sinh quan sát, thực hành trong những tiết học ngoại khóa.

Xuất phát từ ý tưởng xây thêm 1 ngôi trường để mọi học sinh đều có thể đi học, đến nay thầy Thoại đã hoàn thành được ước mơ lớn nhất trong cuộc đời.

Đến nay dù tuổi đã cao song hằng ngày, thầy vẫn cần mẫn với sự nghiệp trồng người, đưa con thuyền tri thức cập bến tương lai. Với những đóng góp trong sự nghiệp GD và ĐT, năm 1998 thầy Thoại được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2001 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân( báo nam định)


TOP