Huyện Hải Hậu: Dấu ấn 30 năm đổi mới

Huyện Hải Hậu: Dấu ấn 30 năm đổi mới

Huyện Hải Hậu được thành lập năm 1888. Đảng bộ huyện có gần 13 vạn đảng viên với 98 tổ chức cơ sở Đảng. Trải qua 128 năm xây dựng và phát triển, phát huy truyền thống cách mạng, đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Hải Hậu đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, xây dựng huyện giàu mạnh.

Hải Hậu đang ngày càng đổi thay. (Ảnh: Kiều Khải).

Hải Hậu đang ngày càng đổi thay. (Ảnh: Kiều Khải).

Tạo nên hạ tầng giao thông nông thôn hiện đại
Huyện Hải Hậu có 32 xã, 3 thị trấn, dân số trên 29 vạn người, trong đó có trên 40% đồng bào theo đạo Công giáo. Từ trước năm 1990, đường giao thông của huyện lạc hậu, mới chỉ có đường tỉnh lộ 21, đường 56 là đường nhựa với mặt đường rộng 3,5 mét; đường liên xã là đường đá dăm cấp phối, mặt đường rộng 2,5-3m; đường dong xóm là đường đất cát, mặt đường rộng 1,5-2m. Việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn, nhất là lúc trời mưa phùn, mưa bão.

Nhận thức được phát triển giao thông, thủy lợi là động lực phát triển kinh tế – xã hội, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung nâng cấp hệ thống giao thông, tập trung quy hoạch, cắm mốc lộ giới giao thông. Từ năm 1994, Hải Hậu đã tạo phong trào đồng khởi huy động nhân lực, vận động nhân dân tháo dỡ công trình, hiến đất để mở rộng nâng cấp đường giao thông.

Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước nâng cấp cải tạo đường Quốc lộ 21, tỉnh lộ, các cấp, các ngành đã vận động nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực để nâng cấp đường liên xã, đường trục xã. Đặc biệt, nhân dân đồng thuận cao trong việc mở rộng và bê tông hóa tất cả đường dong xóm có mặt đường rộng từ 3 – 5 mét, đường trục xã từ 5 – 7m. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã làm mới, cải tạo, nâng cấp 1.740,3 km đường giao thông, tăng từ 22,8% lên 100% đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: 222/222 km đường trục xã, liên xã; 450/450 km đường trục xóm; 398,3/398,3 km đường trục chính nội đồng đạt chuẩn Quốc gia.

Có thể nói, hệ thống giao thông của huyện đã phát triển vượt bậc so với trước đây, ô tô có thể đến hầu hết các gia đình trên địa bàn huyện. Ghi nhận thành tích của huyện, Chính phủ đã tặng cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc giao thông nông thôn, miền núi” năm 2014 cho huyện Hải Hậu.

Xây dựng và giữ vững điển hình văn hóa cấp huyện của cả nước
Văn hóa huyện Hải Hậu mang đặc trưng văn hóa dân gian Bắc Bộ, Nam đồng bằng châu thổ Sông Hồng, có đời sống văn hóa đa dạng, phong phú đậm nét vùng biển. Phát huy truyền thống của ông cha, cán bộ và nhân dân trong huyện luôn quan tâm duy trì và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Năm 1978, huyện Hải Hậu được công nhận là “điển hình văn hóa của cả nước”. Năm 1998, huyện được công nhận 20 năm điển hình Văn hóa cấp huyện, từ năm 1978 đến nay liên tục 38 năm huyện được Bộ Văn hóa tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc. Phong trào xây dựng thiết chế văn hóa được đặc biệt quan tâm. Huyện có cơ chế hỗ trợ trong xây dựng nhà văn hóa xóm, cổng làng… Đến nay, huyện có 35 nhà văn hóa xã có 300 – 800 chỗ ngồi; có 546/546 nhà văn hóa xóm (TDP) khang trang, sạch đẹp, nhiều nhà văn hóa xóm trị giá trên 5 tỷ đồng.

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Trong những năm gần đây, Ngày hội văn hóa thể thao truyền thống được tổ chức vào dịp Quốc khánh 02/9 với nhiều bộ môn thi đấu như: Bơi chải, bóng chuyền, kéo co… văn hóa dân gian: cà kheo, múa sư tử, múa lân, kèn đồng… với hàng nghìn vận động viên, diễn viên tham gia. Đặc biệt, nhân dân trong huyện và các vùng lân cận, con em đi xa về tham dự lên tới hàng vạn người. Đây là đặc điểm riêng có ở huyện Hải Hậu, là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân Hải Hậu.

Đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn hiện đại
Trước năm 1986, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội của huyện chưa được quan tâm đầu tư, hệ thống điện quốc gia chỉ mới có ở trung tâm huyện. Trụ sở của các cấp chính quyền, trường học, trạm y tế là công trình cấp 4, còn nhiều phòng học tranh tre, nứa lá. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện đã động viên nhân dân, huy động mọi nguồn lực tập trung thực hiện kiên cố hóa trường học, trạm y tế và các công trình phúc lợi khác. Đến nay, huyện Hải Hậu đã có 112/114 trường học, 35/35 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, trụ sở làm việc, nhà văn hóa cấp xã đều khang trang, sạch đẹp.

Xây dựng cảnh quan nông thôn mới “sáng, xanh, sạch đẹp”
Những năm 1990, các xã, thị trấn đã tích lũy, tiết kiệm và đẩy mạnh phong trào đưa điện về nông thôn; xã đầu tư máy biến thế, đường dây hạ thế các trục chính; nhân dân đóng góp đường dây đến từng nhà, 100% hộ dân được sử dụng điện. Từ năm 2000, Hải Hậu đã phát động phong trào sáng hóa đường nông thôn, nhân dân tự nguyện đóng góp dựng cột, thiết bị, quản lý và thắp sáng trên tất cả các đường giao thông thôn, xóm để phục vụ đời sống sinh hoạt, góp phần giữ gìn thôn, xóm bình yên, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trong những năm gần đây, huyện đã phát động phong trào phủ xanh trục đường giao thông, trụ sở, trường học và khu công cộng, đã tạo được màu xanh bên những công trình xây dựng hiện đại. Các trụ sở, nơi công cộng từ huyện đến cơ sở đều có cây bóng mát, trang trí cây cảnh, chậu hoa đẹp; đã phát động trồng được 163 km đường hoa trên các tuyến đường giao thông.

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, rác thải sản xuất, sinh hoạt ngày càng nhiều, nhiều dòng sông bị ô nhiễm. Huyện đã tích cực tuyên truyền, có cơ chế khuyến khích hỗ trợ trong công tác vệ sinh môi trường. Đến nay, 35 xã, thị trấn có bãi chôn lấp rác thải; 26 xã, thị trấn có lò đốt rác bằng khí tự nhiên đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ, đội thu gom rác thải, vệ sinh môi trường; vận động nhân dân chỉnh trang khuôn viên gia đình, đường làng ngõ xóm, đảm bảo “nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác”.

Tháng 11 năm 2014, trong dịp thẩm định, công nhận huyện nông thôn mới: Hải Hậu được Ban Chỉ đạo Quốc gia xây dựng nông thôn mới đánh giá: Là huyện điển hình về xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”.

Tạo bước đột phá tái cơ cấu kinh tế trên địa bàn
Mức tăng trưởng kinh tế hàng năm tăng 6%-6,5%, năm 2016 đạt 7,2%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 34,48 triệu đồng/người/năm, tăng 25,28 triệu đồng/người/năm so với năm2010. Năm 2016, giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha canh tác đạt 115 triệu đồng, tăng 47 triệu đồng so với năm 2005, là huyện có bình quân thu nhập trên diện tích canh tác cao nhất tỉnh.

Huyện Hải Hậu luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh và khu vực Nam đồng bằng sông Hồng về năng suất, tổng sản lượng lương thực và giá trị thu nhập/ha canh tác. Từ năm 2010 đã tập trung đầy mạnh sản xuất hàng hóa, tạo được thương hiệu gạo Tám xoan, Tám thơm trên thị trường các tỉnh, thành phố… Hình thành được các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu, trồng màu, sản xuất lúa chất lượng cao, vùng trồng hoa, cây cảnh. Viện dược liệu Việt Nam đã quy hoạch, trực tiếp tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho: 640 ha đinh lăng và 15 ha dây thìa canh, giá trị sản xuất đạt từ 300 – 400 triệu đồng/1 ha; vùng trồng hoa, cây cảnh 541ha thu nhập 350 – 450 triệu đồng/ha/năm; đã chuyển đổi 2.300 ha đất làm muối, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trong đó có 150 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương pháp công nghiệp, năng suất từ 7 – 10 tấn/ha, doanh thu từ 1,0 – 1,5 tỷ đồng/ha.

Tập trung phát triển khu công nghiệp trên địa bàn huyện, thu hút được 08 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư có quy mô lớn, tạo việc làm ổn định cho trên 10.000 lao động. Khuyến khích duy trì, phát triển làng nghề truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động (hiện đã công nhận 44 làng nghề, thu hút 7.000 lao đồng nông thôn).

Là huyện điển hình nông thôn mới
Được Trung ương chọn là 1 trong 5 huyện điểm của cả nước xây dựng nông thôn mới từ năm 2011, Hải Hậu đã nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới với phương châm phát huy nội lực là chính. Tổng vốn huy động 4 năm: 3.254 tỷ đồng, trong đó: Nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện và xã là 18,5%, vốn lồng ghép các chương trình dự án 23,1%, vốn tín dụng 35,1%, vốn từ doanh nghiệp 3,7%, vốn huy động đóng góp từ công đồng dân cư 19,6%. Ngoài ra, nhân dân đóng góp trên 345 ha đất nông nghiệp, 25 ha đất ở để làm đường giao thông, góp trên 150 nghìn ngày công lao động.

Ngày 23/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 921/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015; là huyện thứ 5 trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện đầu tiên có 100% số xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Qua 30 năm đổi mới và phát triển, mặc dù có rất nhiều khó khăn, song Đảng bộ, quân và dân toàn huyện đã nỗ lực phấn đấu, vươn lên đạt được những kết quả quan trọng.

Tiếp tục ổn định, giữ vững đơn vị điển hình về phong trào thâm canh lúa, giữ vững đơn vị 38 năm liên tục điển hình về văn hoá thông tin cấp huyện của cả nước, Đồng thời, có nhiều thành tựu mang tính đột phá: Dồn điền đổi thửa thành công sớm; hệ thống đường giao thông thủy lợi được cải tạo, nâng cấp; đường nội đồng, thôn xóm, trục xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống điện cũ được thay thế bằng trạm điện, đường dây cao thế, hạ thế mới đạt chuẩn Quốc gia. Công nghiệp có bước phát triển mở đường cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Hoàn thành vượt kế hoạch về Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, các xã, thị trấn và huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trước 5 năm. Tiếp tục phát động phong trào xây dựng Nông thôn mới bền vững và phát triển; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm Y tế đạt trên 79%. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò của công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội được nâng cao. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được duy trì, phát triển với nhiều mô hình mới. Giữ vững Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, chính quyền vững mạnh, các cơ quan, đoàn thể là đơn vị tiên tiến xuất sắc của tỉnh, giữ vững đơn vị điển hình văn hóa thông tin cấp huyện của cả nước.

Vinh dự và tự hào, Hải Hậu đã nhiều lần được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm và làm việc như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2012), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (năm 2016), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (năm 2014)…

Để ghi nhận những đóng góp của nhân dân và cán bộ huyện Hải Hậu, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: 03 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng vào các năm: 1978, 1999, 2003 (trong đó 02 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới). 19 xã, thị trấn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. 04 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; vinh dự dược Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động các hạng: Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2002, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2008, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2012. Nhiều lần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc…

Theo: Toquoc.vn


TOP