Nam Định: Chất vấn ‘căng’ chuyện mất mùa, ngập lụt

Nam Định: Chất vấn ‘căng’ chuyện mất mùa, ngập lụt

Đô thị ngập lụt, nông thôn mất mùa, kinh tế nông nghiệp năm 2017 của tỉnh tăng trưởng âm là hai trong số nhiều vấn đề kinh tế-xã hội nổi cộm được đại biểu HĐND tỉnh Nam Định chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành chức năng trong ngày 7/12, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Nam Định khóa 18…

Vụ mùa năm 2017,sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nam Định bị thiệt hại nặng nề.

“Thiên vũ, lũ giáng, triều dâng”

 

Theo đó, tại phiên chất vấn, chủ đề tam nông được đại biểu Trịnh Minh Đức (huyện Ý Yên) mang ra chất vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phụ trách lĩnh vực Nguyễn Phùng Hoan. Theo đại biểu Đức, năm 2017, lần đầu tiên kinh tế nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng âm, có nguyên nhân do thiên tai, dịch bệnh, đền ghị ông Hoan cho biết công tác lãnh đạo chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc khắc phục hậu quả?

Trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: 6 tháng cuối năm 2017, địa bàn tỉnh Nam Định liên tục gặp cảnh “thiên vũ, lũ giáng, triều dâng”, gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp. Theo ông Hoan, thiên tai đã làm sản lượng lúa của tỉnh thiệt hại khoảng 90.000 tấn.

Cùng với đó, vụ mùa năm 2017, 23.000 ha lúa của tỉnh mắc bệnh lùn sọc đen, trong đó 9.400 ha bị thiệt hại trên 70%, sản lượng lúa thiệt hại vì bệnh lùn sọc đen của toàn tỉnh ước tính 69.000 tấn…

“Bệnh này mới xuất hiện từ năm 2009, từ đó đến nay không phát triển thành dịch theo quy luật, do vậy hiểu biết của chúng ta về bệnh này còn hạn chế. Hiện thế giới cũng chưa có thuốc đặc trị bệnh lùn sọc đen trên lúa”, ông Hoan thông tin.

Theo ông Hoan, tổng cộng thiên tai và dịch bệnh đã làm cho sản lượng lúa của tỉnh Nam Định năm 2017 giảm 14%, tác động mạnh vào cơ cấu của ngành, khiến năm 2017 ngành nông nghiệp của Nam Định bị tăng trưởng âm…

Nêu giải pháp cho vấn đề phòng chống thiên tai, ông Hoan cho biết một mặt UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tăng cường việc bảo vệ các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương, mặt khác sẽ đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ nâng cấp một số công trình thủy lợi trọng điểm…

Đối vợi bệnh lùn sọc đen, tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh cấp tỉnh và cấp huyện; tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện kiểm soát truyền bệnh, môi giới truyền bệnh. “Trước mắt, từ nay đến khi cấy vụ Xuân 2018, các huyện, bà con nông dân cần làm tốt việc vệ sinh đồng ruộng”, ông Hoan khuyến cáo.

Giám đốc Sở Xây dựng Nam Định Hoàng Nguyên Dự trả lời chất vấn liên quan đến ngập lụt ở khu đô thị Hòa Vượng.

Hơn 10 năm, đô thị hiện đại vẫn chưa kết nối thoát nước 

Tại phiên chất vấn, đại biểu Vũ Văn Nghĩa (huyện Vụ Bản) chất vấn ông Hoàng Nguyên Dự, Giám đốc Sở Xây dựng Nam Định: “Khu đô thị mới Hòa Vượng, được quy hoạch xây dựng đồng bộ nhưng thường xuyên xảy ra ngập lụt, trong đó vào các ngày 9, 10/10 vừa qua, khu đô thị này bị ngập sâu, kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh. Trên tuyến đường chính Đông A có Bệnh viện Sài Gòn, trong những ngày ngập lụt, bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh cho biết nguyên nhân, giải pháp khắc phục?”.

Đăng đàn trả lời, ông Hoàng Nguyên Dự, Giám đốc Sở Xây dựng Nam Định cho biết, khu đô thị Hòa Vượng do Công ty CP tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư, được phê duyệt quy hoạch từ năm 2003, theo hướng đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo yêu cầu kết nối, trong đó có hệ thống thoát nước.

Cụ thể, khu đô thị này được quy hoạch thoát nước theo hai hướng, một là kết nối với hệ thống thoát nước chung của thành phố, hai là kết nối với vào quốc lộ 10 và sông Vĩnh Giang (sông tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp).

Tuy nhiên, theo ông Dự, quy hoạch, thiết kế là vậy nhưng đến nay hệ thống cống thoát nước kết nối với hệ thống thoát nước chung của thành phố chưa được hoàn thiện, cụ thể mới chỉ được làm trong phạm vi khu đô thị, phần ngoài phạm vi chưa được làm.

Trong trận mưa lụt vừa qua, việc thoát nước của khu đô thị Hòa Vượng dựa chính vào hệ thống kết nối với quốc lộ 10 và sông Vĩnh Giang nên năng lực rất yếu.

Cảnh ngập lụt tại khu đô thị Hòa Vượng.

“Sông Vĩnh Giang là sông tưới tiêu nông nghiệp, khi đó cũng bị đầy, nước chảy ngược vào đô thị do vậy nước trong khu đô thị càng không thoát được”, ông Dự làm rõ thêm.

Ngoài ra, ông Dự cũng cho biết nguyên nhân ngập lụt kéo dài ở khu đô thị được cho là hiện đại nhất tỉnh Nam Định còn do ở đây đang có nhiều công trình xây dựng, tập kết nhiều vật liệu xây dựng, theo dòng nước đất cát, rác thải chảy làm lấp, vít hệ thống nắp cống. “Từ năm 2004 đến nay, hệ thống cống thoát ở đây cũng chưa được nạo vét”, Giám đốc Sở Xây dựng thông tin thêm.

Theo ông Dự, giải pháp cho vấn đề này là TP Nam Định phải triển khai xây dựng hệ thống cống thoát nước từ điểm giao Nguyễn Viết Xuân và vòng xuyến đường Đông A. Cùng với đó thành phố cần triển khai việc duy tu, nạo vét hệ thống cống thoát…

Liên quan đến nội dung này, đồng chủ trì kỳ họp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Hưng tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở xây dựng: “Bây giờ trách nhiệm xây dựng công trình kết nối này thuộc về ai? Công ty Nam Cường-chủ đầu tư xây dựng khu đô thị Hòa Vượng hay TP Nam Định?”.

Trả lời câu hỏi này, ông Dự cho biết ở đây TP Nam Định có trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Đến nay thành phố chưa làm xong việc này. Khi thành phố giải phóng xong, chủ đầu tư Nam Cường có trách nhiệm xây dựng.

Trong phần chất vấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng phải xem xét lại quy hoạch thoát nước của khu đô thị Hòa Vượng. Theo ông Nguyễn Viết Hưng, sau dự án nâng cấp đô thị TP.

Nam Định (do ngân hàng thế giới tài trợ), thoát nước của thành phố đã được quy hoạch và chỉ dẫn đến hai địa chỉ là trạm bơm kênh Gia và trạm bơm Quán Chuột.

“Không thể thoát nước đô thị ra hệ thống thoát nước nông nghiệp (sông Vĩnh Giang). Nếu đưa ra, chắc chắn sẽ gây ngập lụt…”, ông Hưng nhấn mạnh.

Theo TRần Duy Hưng( đại đoàn kết)


TOP