Nam Định công bố hết dịch tả lợn châu Phi

Nam Định công bố hết dịch tả lợn châu Phi

Ngày 27-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, hiện tất cả các xã, phường, thị trấn có hộ, trang trại chăn nuôi lợn trong tỉnh đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Địa phương đang từng bước tiến hành tái đàn sau dịch.

Kiểm tra chuồng trại, chuẩn bị thực hiện tái đàn ở huyện Xuân Trường (Nam Định).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga thông tin: Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định từ ngày 8-3-2019 tại một hộ chăn nuôi ở xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh, sau đó lan rộng trên 37.700 hộ chăn nuôi ở 214 xã, phường, thị trấn của 10/10 huyện, thành phố. Tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy gần 266 nghìn con, trọng lượng hơn 14.500 tấn. Tổng thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Nam Định hơn 557 tỷ đồng. Tổng các nguồn ngân sách của Trung ương, tỉnh, huyện, xã đã xét duyệt, cấp hỗ trợ về cho hộ chăn nuôi lợn của tỉnh là hơn 473 tỷ đồng.

Theo bà Hoàng Thị Tố Nga, sau khi các địa phương công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn cụ thể việc thực hiện tái đàn theo quy định nhằm khôi phục chăn nuôi, bảo đảm nguồn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay do nguồn giống khan hiếm, giá lợn giống quá cao; đồng thời, số cơ sở chăn nuôi có đủ các tiêu chí cơ bản để thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học không nhiều nên tỷ lệ tái đàn trên địa bàn tỉnh thấp, mới đạt khoảng 70 nghìn con.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và phát triển chăn nuôi hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan yêu cầu, đối với các xã đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi, cơ sở chăn nuôi có thể tái đàn song phải chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh; đăng ký với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để được tư vấn, kiểm tra chuồng trại, cơ sở vật chất trước khi tái đàn. Lợn giống nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nếu nhập lợn từ tỉnh khác về phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định tại Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30-6-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.

Các cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm. Nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu trong năm 2020, tổng đàn lợn của tỉnh đạt 680 nghìn con.

TRẦN KHÁNH

https://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43413102-nam-dinh-cong-bo-het-dich-ta-lon-chau-phi.html

Tags:

TOP