Nam Định: Đảm bảo an toàn hoạt động tại các di tích, danh thắɴɢ

Nam Định: Đảm bảo an toàn hoạt động tại các di tích, danh thắɴɢ

Theo truyền thống, tỉnh ta có hơn 100 lễ hội Xuân; trong đó có hàng chục lễ hội lớn quy mô vùng diễn ra từ đầu tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch ở cả 10 huyện, thành phố. Tại các huyện: Nam Trực, Vụ Bản, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định, các lễ hội như: Hội chợ Viềng, lễ hội Khai ấn Đền Trần, Đền Bảo Lộc… thường thu hút đông đảo du khách thập phương về dự ngay từ dịp Tết Nguyên đán. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo tạm dừng tổ chức các lễ hội Xuân; hạn chế việc đón tiếp khách du lịch tại các điểm du lịch tâm linh; đồng thời chỉ đạo ngành VH, TT và DL, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Di tích lịch sử – Văn hóa Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).

Từ đầu tháng 2, Sở VH, TT và DL đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở VH, TT và DL, Công an tỉnh và các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động lễ hội, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh từ ngày 17-2 đến 8-3 (tức từ mồng 6 tháng Giêng đến 25 tháng Giêng). Đoàn đã kiểm tra tại các di tích: Chùa Đại Bi, Đền Giáp Ba, Đền Giáp Tư (Nam Trực); Quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản); Khu di tích Đền Trần – Chùa Tháp (thành phố Nam Định), Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố, Đền Cây Quế (Mỹ Lộc). Nội dung kiểm tra việc thực hiện các công văn của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Công điện của Bộ VH, TT và DL về tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong lễ hội Xuân Tân Sửu 2021. Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở VH, TT và DL cho biết: Lễ hội Khai ấn Đền Trần (tổ chức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng) thường niên là lễ hội lớn thu hút rất đông người tham dự; đặc biệt vào chính hội giờ Tý đêm 14 sang ngày 15 tháng Giêng diễn ra lễ rước kiệu ấn và lễ Khai ấn, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng tổ chức phát lộc ấn (tờ ấn) cho người dân có nhu cầu. Năm nay để phòng chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an toàn cho cộng đồng, lễ hội Khai ấn Đền Trần dừng tổ chức. Vào đêm ngày 25-2-2021 (tức đêm ngày 14 tháng Giêng), chỉ tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống dâng hương, cúng tế các Vua Trần trong quy mô phạm vi hẹp. Đối với nhu cầu nhận lộc tờ ấn đầu xuân, nhà đền đã chuẩn bị đầy đủ số lượng cho người dân có nhu cầu đăng ký và chuyển phát ấn qua đường bưu điện; không tổ chức phát tập trung tại đền như những năm trước. Công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh COVD-19 qua hệ thống loa phát thanh, pa nô, áp phích cũng được triển khai tích cực. Đồng chí Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nam Định cho biết: Từ những kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các điểm di tích lễ hội năm 2020, năm nay, Ban quản lý di tích Đền Trần – Chùa Tháp tiếp tục phối hợp đồng bộ với các ngành chức năng liên quan chuẩn bị các phương án nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế, vệ sinh môi trường… để phòng tình huống nhiều người dân và du khách tới đền xin lộc ấn như mọi năm. Thực tế, do ý thức phòng dịch của người dân được nâng cao nên trong các ngày 14, 15 tháng Giêng, lượng người về Đền Trần lễ bái, xin ấn không nhiều. Người dân khi vào đền đều đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách, hạn chế tụ tập đông người… Dọc con đường Trần Thừa dẫn vào khu trung tâm Đền Trần, hàng quán vẫn xuất hiện nhưng thưa thớt. Các khu trông giữ xe vẫn hoạt động nhưng không có nhiều người gửi. Tại huyện Mỹ Lộc, các địa phương có di tích gắn với các lễ hội Xuân đã cập nhật kịp thời các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 triển khai nhiều biện pháp cụ thể, hiệu quả tại các di tích như: Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố, Đền Cây Quế. Ban quản lý các di tích đã nghiêm túc dừng mọi hoạt động tại di tích để tránh tập trung đông người. Các nhà đền tổ chức phát miễn phí khẩu trang, chuẩn bị nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn cho du khách đến di tích; đồng thời, bố trí người trực, kiểm soát chặt chẽ người vào đền, yêu cầu khai báo y tế đầy đủ… UBND các xã: Mỹ Tân, Mỹ Phúc yêu cầu các hộ kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích ký cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh… Đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu Ban quản lý các di tích, các thủ từ thực hiện nghiêm các quy định tại Văn bản số 136 của Sở VH, TT và DL về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào mồng 7, mồng 8 tháng Giêng, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở VH, TT và DL chủ trì cũng đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các huyện Vụ Bản, Nam Trực, ở các di tích: Chùa Đại Bi, Đền Giáp Ba, Đền Giáp Tư (thị trấn Nam Giang), Quần thể di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái). Qua kiểm tra, các địa phương đã chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Các sản phẩm truyền thống như: nông cụ, mây tre đan, đồ đồng, đồ gỗ mỹ nghệ, sản phẩm cây cảnh, cây thế, thịt bò… vẫn được bày bán nhưng không tập trung đông như những năm trước mà chỉ bày bán nhỏ lẻ tại các gia đình, cơ sở kinh doanh. Đồng chí Nguyễn Thế Lưu, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nam Trực cho biết: Khi UBND tỉnh chỉ đạo dừng tổ chức các lễ hội chợ Viềng Xuân 2021, UBND huyện Nam Trực đã khẩn trương triển khai kế hoạch đồng bộ, quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các điểm di tích trên địa bàn theo từng cấp độ, chủ động ứng phó và xử lý kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh. Ở thị trấn Nam Giang, công tác tuyên truyền trên loa về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế được phát thường xuyên; Ban quản lý các di tích lắp đặt nhiều cụm panô tuyên truyền trực quan về phòng, chống dịch bệnh ở trước cổng các di tích và các tuyến đường dẫn vào khu vực chợ Viềng. Ở các xã Kim Thái, Trung Thành, thị trấn Gôi, bên cạnh việc phát loa tuyên truyền hàng ngày, tại các con đường dẫn vào Quần thể di tích Phủ Dầy còn có hàng chục panô hướng dẫn trực quan các phương pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho người dân khi về chơi chợ kết hợp lễ Mẫu. Tại các đền, phủ hạn chế tối đa việc tổ chức hầu đồng, giới hạn số lượng người tham gia nghi lễ chầu văn. Việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng được làm sớm và liên tục nên năm nay số lượng du khách đến các điểm du lịch chợ Viềng Xuân ở Nam Trực và Vụ Bản đã giảm hẳn; người đi lễ đều chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch.

Từ nay đến hết tháng 3 âm lịch, Sở VH, TT và DL tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương; nâng cao nhận thức của người dân khi đi lễ, tham quan tại các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh. Các địa phương, di tích tiếp tục làm tốt công tác vệ sinh, khử khuẩn các cơ sở thờ tự, cập nhật thông tin diễn biến dịch bệnh để chủ động có các phương án phòng, chống, đảm bảo tuyệt đối an toàn sức khỏe cho khách du lịch tại địa bàn. Sở VH, TT và DL đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn, Ban quản lý các di tích tăng cường kiểm tra việc chấp hành chỉ đạo tạm dừng các lễ hội Xuân; không tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh trong các khuôn viên, nội tự tại di tích có sự tham gia của nhiều người. Đối với người dân khi đến di tích yêu cầu thực hiện thông điệp 5K, phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan chức năng, cung cấp các thông tin phục vụ giám sát dịch./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

Tags:

TOP