Nam Định: Hiện thực hóa mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Nam Định: Hiện thực hóa mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Về xã Nghĩa Sơn (huyện Nghĩa Hưng) vào một sáng mùa thu, chúng tôi cảm nhận rõ nét những đổi thay ở nơi đây. Không còn những con đường đất sỏi gồ ghề, đường liên thôn, liên xã ở Nghĩa Sơn được bê tông hóa, trải nhựa kiên cố sạch đẹp.

Hai bên đường là hàng cây xanh mướt, những luống hoa nhiều màu sắc, người dân trong xã đang tích cực dọn vệ sinh môi trường.

Vừa phạt những lùm cây rậm rạp vừa trò chuyện cùng chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hương cho biết: “Chúng tôi thường xuyên quét dọn đường sá, phát quang bụi rậm, xới cỏ, trồng cây xanh hoặc khơi thông cống rãnh để bảo đảm môi trường luôn xanh, sạch, đẹp”.

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng NTM, nhưng xã Nghĩa Sơn hiện vẫn gặp không ít khó khăn. Là xã đầu tiên thực hiện thí điểm xây dựng NTM của huyện Nghĩa Hưng nên Nghĩa Sơn chưa có nhiều kinh nghiệm, trong khi nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn hạn hẹp.

Người dân chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất theo mùa vụ nên bấp bênh, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đó không chỉ là khó khăn riêng của Nghĩa Sơn mà còn là tình trạng chung của nhiều xã trong huyện Nghĩa Hưng.

Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng chia sẻ: “Bên cạnh vấn đề sản xuất thì huyện Nghĩa Hưng còn gặp khó khăn trong xây dựng hệ thống giao thông và khu xử lý rác thải tập trung, do thiếu diện tích quy hoạch và việc giải phóng mặt bằng để xây dựng còn nhiều vướng mắc”.

Trường THCS xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng được xây dựng khang trang. Ảnh: Trần Dương.

Nhìn nhận rõ những khó khăn, thách thức, huyện Nghĩa Hưng đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển sản xuất, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế.

Huyện chú trọng công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Một số vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung được huyện quy hoạch với quy mô 30-100ha/vùng, sản xuất 2 vụ lúa/năm; xây dựng cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 3.400ha, hình thành mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Trang ở xã Nghĩa Sơn chia sẻ: “Nhờ được quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu nên việc sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều. Mùa khô vẫn có đủ nước cung cấp cho đồng ruộng, mùa mưa đã có hệ thống thoát nước, không lo ngập úng như trước kia”.

Khi chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, bộ mặt địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều người dân địa phương trước đi làm ăn xa nay đã quay về phát triển sản xuất gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Cũng như huyện Nghĩa Hưng, các địa phương trong tỉnh Nam Định đã có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng NTM và đạt những thành tựu đáng kể. Theo đại diện Văn phòng điều phối NTM tỉnh Nam Định: Đến nay, toàn tỉnh có 169 xã (chiếm 81% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn NTM.

Ngoài 2 huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện Trực Ninh đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị các bộ, ngành thẩm định. Tỉnh Nam Định đã hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng huyện cho 4 huyện là: Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường và Giao Thủy.

Dự kiến, trong tháng 12 này sẽ hoàn thành ở các huyện còn lại; đồng thời, tỉnh đẩy mạnh quy hoạch nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm tính thống nhất giữa các quy hoạch và đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

Xã Nghĩa Sơn, một trong những xã điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ảnh: Trần Dương

Được biết, các địa phương trong tỉnh đang tích cực thực hiện Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” giai đoạn 2016-2020 để phấn đấu đưa Nam Định thành tỉnh NTM vào năm 2020.

Theo đó, các địa phương tích cực đổi mới nội dung, hình thức để tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền vận động xây dựng NTM; tập trung đẩy mạnh nhân rộng điển hình, những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng NTM.

Những kết quả tích cực tỉnh Nam Định đã đạt được trong phong trào xây dựng NTM xuất phát từ việc phát huy và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Khi các cơ chế, chính sách xây dựng NTM đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, cùng góp sức, đã tạo ra động lực to lớn, giúp tỉnh Nam Định hướng đến những mục tiêu xa hơn trong tương lai.

Theo THÙY DUNG( quân đội nhân dân)


TOP