Nam Định: Nam Trực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Nam Định: Nam Trực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định”, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Nam Trực đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể và nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa công sở, đời sống văn hóa cộng đồng; tăng cường quản lý Nhà nước, tiếp tục xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá; huy động các nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá; xã hội hóa các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao.

Khu dân cư văn hóa nông thôn mới – thôn Vị Khê, xã Điền Xá

Hàng năm, các ngành, đoàn thể của huyện đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các nội dung của Nghị quyết 07 đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”, Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 6-2-2016 của Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nam Định”. Các xã, thị trấn trong huyện phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, với mục tiêu “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”, huyện Nam Trực tăng cường tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới để xây dựng, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được đưa vào quy ước, hương ước làng, thôn, xóm, tổ dân phố (TDP), trở thành tiêu chí trong bình xét, công nhận danh hiệu “Văn hóa – nông thôn mới (NTM)”. Năm 2019, toàn huyện có 53.776/60.594 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 88,75%); 372/397 làng, thôn, xóm, TDP được công nhận danh hiệu “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa” (đạt tỷ lệ 93,7%); cả 20 xã, thị trấn đạt chuẩn “Văn hóa – NTM”; 32 khu dân cư (49 thôn, xóm) đạt chuẩn “Văn hóa – NTM”, tiêu biểu như: thôn Chiền Nguấn (xã Hồng Quang); thôn Nội (xã Nam Thanh); thôn Nam Trực (xã Nam Tiến); thôn May – Đông – Nam (xã Nam Hùng); thôn Đông Tân (xã Nam Hoa); thôn Hồng Tiến (xã Nam Hồng); thôn Thượng Đồng (xã Đồng Sơn); thôn Vị Khê (xã Điền Xá); thôn Xứ Trưởng (xã Bình Minh)… Việc xây dựng nếp sống văn hóa nơi công sở, ứng xử văn minh nơi công cộng ở Nam Trực có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 9-9-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về “Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp của tỉnh Nam Định”. Tác phong, lề lối làm việc, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị trong huyện có nhiều thay đổi tích cực, đảm bảo kỷ cương, dân chủ, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy hành chính Nhà nước. Đến nay, toàn huyện có 113/185 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt chuẩn “Nếp sống văn hóa”. Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, biểu diễn nghệ thuật được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Phát huy thành tích đã đạt được trong quá trình xây dựng NTM, triển khai thực hiện phong trào xây dựng NTM nâng cao, hướng tới NTM kiểu mẫu, từ năm 2016 đến nay, bằng nguồn lực xã hội hóa, huyện Nam Trực đã huy động được hơn 47,2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Hiện, cả 20 xã, thị trấn đều có NVH, hội trường sinh hoạt văn hóa; 279/397 làng, thôn, xóm, TDP có NVH; 17 khu thể thao xã, thị trấn; 149 sân thể thao làng, thôn, xóm, TDP. Với thiết chế văn hóa được đầu tư khang trang hiện đại, phong trào và đời sống văn hóa tinh thần của người dân các địa phương trong huyện được nâng cao.

Huyện Nam Trực có 390 di tích nằm trong danh mục kiểm kê; trong đó có 70 di tích lịch sử – văn hóa được Nhà nước xếp hạng gồm: 14 di tích cấp quốc gia, 56 di tích cấp tỉnh. Thực hiện quy định của UBND tỉnh về phân cấp quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, UBND huyện tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Trong 3 năm qua, toàn huyện đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị và được Bộ VH, TT và DL, UBND tỉnh công nhận nhiều di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia như: Đình Vân Chàng, Đền Đông (thị trấn Nam Giang), Đình Tây Lạc (xã Đồng Sơn), Đền – Chùa – Phủ Ngọc Tỉnh (xã Nam Lợi), Đình Cả (xã Nam Thắng), Từ đường họ Lê (xã Nam Hoa), Đền – Chùa Ba Xã (xã Nam Hồng), Chùa Linh Quang, Từ đường họ Phạm (xã Nam Hùng), Đền Đông (xã Điền Xá). Nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo di tích với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh các di sản văn hoá vật thể, huyện Nam Trực còn có hệ thống di sản văn hoá phi vật thể phong phú với nhiều lễ hội diễn ra vào mùa xuân và mùa thu, các loại hình nghệ thuật dân gian. Hàng năm, có tới hàng vạn lượt du khách về với Nam Trực vào các dịp lễ hội, đặc biệt như: hội chợ Viềng xuân, lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê, lễ hội Chùa Đại Bi… Nam Trực là huyện duy nhất của tỉnh có 4 phường múa rối, đó là rối nước làng Bàn Thạch (xã Hồng Quang), thôn Nhất (thị trấn Nam Giang) và rối đầu gỗ chầu Thánh Chùa Đại Bi (thị trấn Nam Giang), Chùa Cổ Tung (xã Nam Hùng). Đây là những môn nghệ thuật dân gian đặc sắc, có sức sống trong lòng nhân dân, do nhân dân sáng tạo, gìn giữ, kế thừa. Lễ hội chùa Đại Bi là một trong 6 lễ hội của tỉnh được Bộ VH, TT và DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội hàng năm mở từ ngày 20 đến 23 tháng Giêng, thu hút đông đảo khách thập phương. Trong các ngày diễn ra lễ hội, ngoài phần lễ, du khách còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như: Lễ rước, kéo chữ, đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm, múa rồng… Cùng với đó, vào dịp lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử – văn hóa ở các địa phương trong huyện như: Đền Xám (xã Hồng Quang), Đền Giao Cù (xã Đồng Sơn), Đền Trần (xã Nam Dương)… đều tổ chức hội thi hát chèo, ca trù, hát văn. Không chỉ là những làn điệu cổ, các bài hát văn, ca trù, hát chèo được soạn lời mới có giai điệu vui tươi, trong sáng, được chắt lọc từ nghệ thuật ca trù, hát văn truyền thống mang hơi thở và nhịp sống đương đại, cổ vũ toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 07 đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, thu hút đảm bảo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo nền tảng tinh thần xã hội vững chắc cho sự phát triển chung.

Tags:

TOP