Nam Định phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới

Nam Định phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới

Nam Định là tỉnh ven biển thuộc vùng nam đồng bằng sông Hồng. Để góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua địa phương đã coi phát triển làng nghề là một trong những nội dung để tái cơ cấu ngành nông nghiệp nông thôn.

Sản phẩm đúc đồng của Nam Định (Ảnh: Đ.H)

Theo số liệu của UBND tỉnh Nam Định, hiện nay toàn tỉnh có 129 làng nghề, với 310 cơ sở, 23.600 hộ sản xuất và trên 55.200 lao động. Trong số 129 làng nghề, có 80 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, 29 làng nghề truyền thống. Số xã trên địa bàn tỉnh có làng nghề chiếm 39%. Giá trị sản xuất làng nghề năm 2016 đạt gần 4.000 tỷ đồng, chiếm 49% giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất làng nghề bình quân khoảng 10%/năm. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề Nam Định là đồ gỗ, mây tre đan, may mặc, thêu ren, cơ khí, cây cảnh… Trong đó, sản phẩm may mặc có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong những năm gần đây. Các sản phẩm làng nghề có thị trường tại địa phương, trong nước và nước ngoài như cơ khí, đúc đồng, mây tre đan, thêu ren. Đã có nhiều sản phẩm làng nghề của tỉnh Nam Định có uy tín tại các thị trường lớn trong và ngoài nước.

Tuy đã có những bước phát triển, nhưng nhiều làng nghề hiện nay của Nam Định vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: trình độ tay nghề của lao động, trình độ quản lý của các chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề và sức cạnh tranh sản phẩm làng nghề chưa cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng nghiêm trọng, nhất là các làng nghề sản xuất cơ khí – đúc, mây tre đan, sơn mài. Các hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong làng nghề còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách tín dụng và thủ tục vay vốn tín dụng. Ý thức tuân thủ các quy tắc về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, ô nhiễm môi trường của nhiều chủ cơ sở và người lao động còn thấp. Các cơ sở, các làng nghề còn thiếu sự liên kết bền vững.

Trong những năm tới, để góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động tại các vùng nông thôn, từng bước rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa đô thị và nông thôn, tỉnh Nam Định chủ trương phát triển làng nghề theo định hướng là song song bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống có thế mạnh và tiềm năng để phát huy bản sắc văn hóa địa phương; tập trung phát triển thị trường để phát triển cả về số lượng và quy mô các làng nghề. Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và bồi dưỡng trình độ quản lý cho các chủ cơ sở làng nghề. Khuyến khích áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất làng nghề để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế với lợi ích môi trường./.
Nguồn: Đ.H – dangcongsan.vn


TOP