Nam Định tích cực phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Nam Định tích cực phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Nam Định là địa phương giáp ranh với tỉnh Thái Bình, nơi đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Do đó, các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đang tích cực phòng chống dịch. Thực hiện “5 không” theo đúng quy định của Luật Thú y.

Trực Ninh – một trong những huyện chăn nuôi lợn với quy mô lớn, toàn huyện có tổng đàn lợn lên đến hơn 64.000 con. Các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn tập trung ở các xã miền 3, miền 4.

Người dân rắc vôi quanh khu vực trang trại

Hiện công tác phòng chống DTLCP đang được ngành thú y huyện, chính quyền các cấp, các hộ chăn nuôi cảnh giác cao độ, trên tinh thần quyết liệt, không lơ là, chủ quan.

Ông Nguyễn Văn Đăng, cán bộ phụ trách Trung tâm DVNN huyện chia sẻ, từ tháng 9/2018, đơn vị đã phối hợp với phòng NN-PTNT huyện tham mưu cho UBND huyện ban hành một số công văn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP và phòng, chống cúm gia cầm…

Theo ông Đăng, sau khi Cục Thú y công bố DTLCP xuất hiện tại Hưng Yên và Thái Bình, ngành thú y huyện đã tăng cường tuyên truyền tới người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn chết, bệnh và sản phẩm nhập lậu, nhất là từ Trung Quốc vào địa bàn huyện để tiêu thụ. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, rắc vôi bột lối đi và xung quanh khu vực chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng l – 2 lần/tuần.

Bên cạnh đó, phối hợp với UBND thị trấn Cổ Lễ, xã Trực Chính soạn thảo bản cam kết với các chủ đò chạy hướng Thái Bình – Nam Định và ngược lại không vận chuyển lợn, động vật; sản phẩm từ lợn, động vật bị bệnh hoặc lợn, động vật, sản phẩm từ lợn ở nơi có dịch vào địa phương với mọi hình thức sử dụng.

Ghi nhận tại một số trang trại, gia trại chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Trực Ninh, chúng tôi được biết, các chủ chăn nuôi đã chuẩn bị tốt các biện pháp phòng, chống DTLCP.

Mặc dù dịch chưa xuất hiện trên địa bàn huyện nhưng tất cả các hộ chăn nuôi đều có chung một tâm trạng lo lắng. Bởi, dịch bệnh này có khả năng xâm nhiễm vào Nam Định là rất cao, đang ở mức báo động.

Trong chuồng nuôi luôn đảm bảo sạch sẽ

Anh Nguyễn Văn Thục (xóm 4, xã Trực Thái) bộc bạch, nhà anh đang chăn nuôi khoảng 400 con lợn. Toàn bộ trang trại của gia đình được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn từ vòng ngoài vào vòng trong.

“Qua tivi, báo đài, tôi cũng đã nắm bắt được thông tin DTLCP đã xuất hiện tại 4 tỉnh ở nước ta. Vì vậy, trang trại đã chủ động lên các phương án phòng, chống dịch bệnh này bằng cách vãi vôi bột xung quanh chuồng trại; phun thuốc sát trùng, tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn; nghiêm cấm người lạ vào chuồng trại…”, anh Thục chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho hay, hiện tại toàn tỉnh có hơn 750.000 con lợn. Do là tỉnh giáp ranh với Thái Bình, nơi đã xuất hiện ổ DTLCP nên nguy cơ bệnh xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Nam Định là rất cao.

“Để dịch không lây lan, xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, Sở NN-PTNT đề nghị người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện nghiêm túc “5 không” theo đúng quy định của Luật Thú y: Không giấu dịch. Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết. Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết. Không vứt lợn chết ra môi trường. Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt”, bà Nga chia sẻ.

nguồn “nongnghiep.vn”


TOP