Nam Trực: Đường quê, giữa nắng vẫn… ngập

Nam Trực: Đường quê, giữa nắng vẫn… ngập

Nhiều năm qua, người dân xã Nam Toàn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định phải “sống chung” với tình trạng đường liên thôn, xóm xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là con đường trục đi qua năm trong tổng số chín xóm của xã. Giữa cái nắng gắt 36-37 độ C nhưng các “ổ trâu, ổ voi” trên mặt đường vẫn ứ đọng đầy nước mưa, choán đến cả nửa, có chỗ gần hết cả lối đi…

Con đường “xấu nhất tỉnh”

Xe máy, xe đạp đi qua phải nép vào rìa đường.


Theo phản ánh của người dân gửi về báo Nhân Dân điện tử, chúng tôi tìm đến xã Nam Toàn ngày 22-8. Ngay từ tỉnh lộ 490 (đường 55 cũ) rẽ vào con đường ven sông để đi sâu vào khu trung tâm xã đường đã rất khó đi, gồ ghề, lồi lõm. Nhưng phải tận mắt chứng kiến con đường trục chính, chạy qua trụ sở UBND xã để ra quốc lộ 21 mới thấy đoạn vừa đi qua chưa “nhằm nhò” gì. Dài chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 km nhưng đây quả là một hành trình gian nan. Con đường trơ đất, lởm chởm đá thải, gạch vụn với hàng chục ổ, hố. Dù trời nắng chang chang nhưng các ổ, hố vẫn đang ngập nước mưa… từ nhiều ngày trước. Xe máy, xe đạp đi qua phải nem nép vào rìa đường, có lúc phải “đánh võng” sang phía ngược chiều để tránh. Vài người dân cười bảo, nắng ráo thế này còn vậy, ngày mưa ngập thì “thôi rồi”. Người đàn ông bên quán nước vừa châm điếu thuốc lào, vừa thủng thẳng: “Hôm nào mưa, mời các chú về đây, ra đường bắt cá”.

Câu chuyện không còn mang màu sắc tiếu lâm khi người dân phản ánh đoạn đường nguy hiểm này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn. Người địa phương qua đây thường xuyên trượt ngã, đám trẻ con đi học cũng nơm nớp lo trên đoạn đến trường. “Mới hôm trước, hai xe máy mải tránh hố giữa đường tông nhau, vỡ hết cả yếm”, một chị bán tạp hóa kể. Chị tiếp lời: “Chúng tôi mong đường mới lắm. Đi lại thế này, khổ quá rồi…”.
Tại trụ sở UBND xã, trao đổi với phóng viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Toàn Hoàng Ngọc Duy xác nhận việc hệ thống giao thông của xã đã rất xuống cấp, đặc biệt là con đường trục chính. Ông Duy cho biết, con đường được địa phương đầu tư xây dựng vào những năm 1996-1997. Từ 10 năm trước đường đã bắt đầu bị xuống cấp, một phần do chỉ được làm tạm, một phần do lưu lượng xe, nhất là xe tải trọng lớn ngày một tăng. “Phải nói là hiện nó thuộc diện xấu nhất tỉnh Nam Định, có khi là nhất vùng nam sông Hồng”, ông Duy chua chát thừa nhận.

Nút thắt từ nguồn vốn

Trong câu chuyện, ông Hoàng Ngọc Duy cho biết, Nam Toàn là xã thuần nông, nguồn thu từ các khoản thuế, phí của xã chỉ được khoảng hơn 100 triệu/năm. Ngân sách xã do vậy rất eo hẹp, các khoản chi xã trông chờ chủ yếu vào điều tiết của cấp trên. Triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã có kế hoạch làm nhiều công trình hạ tầng như nâng cấp trường THCS, trạm y tế xã theo chuẩn, xây dựng khu xử lý rác thải, làm một số tuyến đường trong đó có đường trục xã. Tuy nhiên, ngân sách xã chỉ có 1,3 tỷ đồng tiền đấu giá đất ở và tám tỷ đồng ngân sách tỉnh hỗ trợ, trong khi số tiền cần chi lớn hơn rất nhiều. Chỉ riêng 1,71 km đường trục chính, nếu làm theo tiêu chí đường cấp năm đồng bằng (gồm các hạng mục mặt đường, cầu, cống) đã phải chi khoảng 20 tỷ đồng, vượt quá khả năng tài chính của xã.

Do nhu cầu cấp bách, cuối năm 2016 UBND xã đã kiến nghị và được UBND huyện cho bổ sung dự án đường trục chính xã Nam Toàn vào dự án huyện lộ An Thắng (dài 16,1 km, đi qua địa bàn xã Nam Toàn, do UBND huyện làm chủ đầu tư, tổng kinh phí sau bổ sung là 127,4 tỷ đồng).

Theo ông Hoàng Ngọc Duy, việc bổ sung đã được UBND tỉnh Nam Định đồng ý bằng văn bản, xã cũng đã thực hiện trách nhiệm giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai việc xây dựng hệ thống thoát nước hai bên đường. Tuy nhiên, mới đây, xã nhận được chỉ đạo của UBND huyện Nam Trực về việc phải tạm dừng triển khai dự án. Lý do, kinh phí thực hiện dự án đường An Thắng huyện “trông chờ” vào nguồn thu từ dự án xây dựng khu đô thị tập trung tại thị trấn trung tâm huyện (bằng hình thức cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, bán đất ở thương mại). Tuy nhiên, hiện dự án mới đang trong quá trình đàm phán thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng và quá trình này đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, chưa biết đến bao giờ dự án đường An Thắng mới được triển khai. “Chính quyền xã rất trăn trở về việc đường trục chính xuống cấp quá lâu. Nhưng với điều kiện bây giờ, chúng tôi cũng chỉ biết đề đạt, kiến nghị UBND huyện Nam Trực sớm đẩy nhanh việc thực hiện dự án đường An Thắng, chứ cũng chưa biết làm gì khác”, ông Duy than thở.

Như vậy, theo những thông tin của Chủ tịch UBND xã Nam Toàn, chưa biết đến bao giờ người dân xã này mới thoát được cảnh “bắt cá giữa đường” mỗi lúc trời mưa…

MINH KHANG – nhandan.com.vn


TOP