Nghề làm bún của làng Phong Lộc Tây

Nghề làm bún của làng Phong Lộc Tây

Làng Phong Lộc Tây, nay là tổ 7, phường Cửa Nam (TP Nam Định) từ xa xưa nổi tiếng với nghề làm bún. Những sợi bún trắng tinh, khô và dai để được lâu đã thành thương hiệu của làng Phong Lộc Tây. Người thích bún Thành Nam, xa hơn như Vụ Bản, Trực Ninh… cũng đến đây lấy bún. Toàn Thành Nam, “một tay” làng Phong Lộc Tây cung cấp bún, người làm bún tự hào kể như vậy.

Sợi bún Phong Lộc dài, khô, trắng mịn, không dính vào nhau, chấm với mắm tôm vắt chanh ăn đã tuyệt, nếu chan riêu cua ăn với rau diếp thái nhỏ, có pha thêm rau chuối, rau thơm thì sẽ nhớ mãi. Bún Phong Lộc sản xuất quanh năm, cung cấp cho tất cả các hàng ăn ở 56 đường phố nội thành Nam Định. Bún Phong Lộc ngày nay rất đều về chất lượng, khách hàng không thể nhận ra bún gia đình nào. Anh Trần Công Oanh, đã có trên 30 năm làm bún, nay lại thêm việc vận chuyển, phân phối bún sang thành phố, cho biết, làm bún cổ truyền công phu và vất vả lắm, nay nhờ được “cơ giới hoá” nên công đoạn xay bột, vắt bún mới đỡ vất đôi chút.

Làng nghề bún Phong Lộc Nam Định

Làng nghề bún Phong Lộc Nam Định

Muốn có bún ngon, trước hết phải chọn và đặt mua gạo loại Q5 hoặc VN10, xát lại cho trắng thêm. Nước máy được xả ra chậu, ra xô để bay hết mùi Clo mới cho gạo vào ngâm. Trước khi ngâm, gạo được vo sạch bằng nước trong để ráo. Gạo ngâm 5-6 giờ mới vớt ra, đưa vào máy xay. Đây là công đoạn quan trọng nhất của nghề làm bún. Phải chỉnh máy sao cho bột mát, bột mịn và chín đều. Bột gạo xay xong được lọc kỹ và ngâm đủ 24 tiếng mới gạn hết nước, ép bột thành quả nhỏ từ 1 đến 1,5 kg để mang ép thành bún. Máy ép đặt trên nồi nước sôi, sợi bột ép nhanh rơi xuống chiếc rổ đặt trong nồi. Người ra bún phải nhanh tay, nhanh mắt, đảo sợi bún cho chín đều rồi đổ sang một chậu nước sạch để làm lạnh nhanh sợi bún cho sợi bún không dính khô nhanh, dai sợi mà vẫn giữ được đủ độ của bún. Đây là nét đặc trưng của bún Phong Lộc. Mỗi gia đình ở Phong Lộc bình quân một ngày sản xuất 1 tạ bún, cá biệt có gia đình sản xuất tới 3 tạ. Một ngày, làng Phong Lộc sản xuất, cung cấp cho thành phố khoảng 15 tấn bún, tương đương với 7,5 tấn gạo. Người Phong Lộc đã mang sản phẩm đặc sản của quê mình đến mọi miền Tổ quốc. Cô Bưởi con ông Nhận, cô Liên con ông Tế, cô Huệ con bà Hạnh… đã vào tận Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh làm nghề bún và làm giàu ngay trên đất khách.
Làng bún Phong Lộc hôm nay đổi mới hàng ngày, khác xa làng bún Phong Lộc ngày xưa. Làng bún Phong Lộc đang trở nên phong lưu. Xuân Giáp Thân đã về, làng bún Phong Lộc vẫn sôi động không nghỉ. Bún rối, bún lá, bún canh từ Phong Lộc vẫn ngày ngày cung cấp cho các hàng bún chả, bún thập cẩm, bún canh, bún ốc, bún riêu cua, riêu cá nổi tiếng ở Thành Nam.
3
Nghề làm bún vất vả nên lớp trẻ ít người theo nghề. Hơn nữa, thợ bún cũng phải gánh chịu ít nhiều độc hại từ nghề. Mặt khác sản phẩm của làng là thức ăn nên rất “nhạy cảm”. Chỉ cần nghe thông tin đâu đó trong bún có hóa chất thôi là dân có thể “tẩy chay” bún, bất kể sản xuất ở đâu, làng nghề có sử dụng không. Nhiều làng bún trong cả nước có lúc… lao đao chỉ vì người dân “nghe nói như thế”. Mùa đông, bún thường bán chậm hơn do thời tiết lạnh, nhiều người ngại ăn bún. Mùa hè nóng nực, món bún “dễ nuốt” hơn so với cơm nên nhiều người tìm đến với bún. Các dịp lễ, tết là khi làng bún vào mùa, nhu cầu bún gấp rưỡi so với ngày thường. “Từ đầu tháng 1, chúng tôi làm ngày, làm đêm và chỉ nghỉ mỗi 2 ngày 30 và mùng 1 Tết. Mùng 2 Tết, nhịp lao động của làng bún lại trở về bình thường”, người làm bún Phong Lộc Tây cho biết.

1
Quá trình đô thị hóa, nhiều làng nghề truyền thống ở các xã, huyện ven đô trong tỉnh vẫn được người dân làng nghề duy trì. Sáng sáng, những thúng bún nóng hổi từ làng Phong Lộc Tây vẫn mải miết vào phố. Nhịp lao động, kế sinh nhai của bao dân làng nghề bắt đầu. Có vất vả, nhọc nhằn, nhưng nhiều gia đình trong làng vẫn giàu lên từ những sợi bún trắng tinh, thuần khiết. Cũng từ những thúng bún gồng gánh nắng sương của các bà, các chị Phong Lộc Tây, bao con em được cắp sách tới trường, mơ ước về bao điều xa xôi, to lớn. Nghề làm bún nhọc nhằn của dân làng, như vậy đã trả về thảo thơm cho chính họ./.

Hải Anh – Tintucnamdinh.vn – baonamdinh.vn

Clip về bún đũa Phong Lộc


TOP