Người mẹ có con lên cơ co giật được CSCĐ Nam Định cứu nói gì về vụ việc?

Người mẹ có con lên cơ co giật được CSCĐ Nam Định cứu nói gì về vụ việc?

Chị Nguyễn Thị Nhung (ở TP Nam Định, tỉnh Nam Định) – mẹ cháu bé cắn tay chiến sĩ CSCĐ cho biết: “Đến lúc này, cháu Trần Nhật M. (4 tuổi) con trai tôi đã ổn định và có thể chạy nhảy cùng các bạn”.

Nói về sự việc chiều 4/8 tại sân Thiên Trường, chị Nhung tâm sự: Vào chiều 4/8, cả 2 vợ chồng tôi quyết định đưa con trai đi cùng để xem trận đấu bóng đá giữa Nam Định – Hoàng Anh Gia Lai tại sân vận động Thiên Trường.

Chị Nhung mẹ cháu bé kể lại sự việc.

“Trước khi đi và khi bắt đầu diễn ra trận đấu cháu M. hoàn toàn khỏe mạnh và không có biểu hiện bất thường. Thấy con khỏe, vợ chồng chị cũng yên tâm xem bóng đá thì đến khoảng phút 70 của trận đấu, Nhật M. có biểu hiện sốt cao, lên cơ co giật” chị Nhung cho biết.

Theo chị Nhung: “Do sự việc diễn ra quá bất ngờ, mọi người lại mải xem đá bóng nên vợ chồng tôi không biết phải cứu con như thế nào. Lúc đó, tôi chỉ biết lớn tiếng hô cứu thì chỉ ít phút sau có 2 đồng chí Cảnh sát PCCC tiến lại sơ cứu cho con tôi và chuyển cháu xuống bên dưới sân…”.

“Khi con trai được đưa xuống sân và tới khu vực y tế rồi đưa lên xe cấp cứu, 2 vợ chồng chị vẫn chưa hết hoảng sợ nên mọi việc đều phải nhờ vào cơ quan chuyên môn. May mắn sau đó cháu Nhật M. được cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe nhanh chóng bình phục” chị Nhung cũng nhớ lại với lòng biết ơn.

Các chiến sĩ CSCĐ đưa cháu bé đi cấp cứu.

Theo chị Nhung, cách đây khoảng 2 năm con trai mình đã từng một lần bị sốt cao và lên cơn co giật. Sau đó, các bác sỹ thông báo Nhật M. lên cơn co giật là do nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột. “Ngày hôm đó, khi cho ra sân con vẫn nhảy nhót bình thường, không làm sao cả.

Chắc là do đông người quá và cháu bị bất ngờ nên gia đình cũng không biết làm sao, may mắn có các anh công an hỗ trợ kịp thời… 2 vợ chồng không hề biết việc đưa trẻ em dưới 6 tuổi vào sân vận động là sai quy định”, chị Nhung giãi bày.

Thiếu úy Trần Quang Đạt (đang công tác tại Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cứu nạn và cứu hộ Công an tỉnh Nam Định) – một trong những người đầu tiên phát hiện những biểu hiện bất thường của cháu Nhật M. ở sân vận động Thiên Trường, Nam Định cho biết, khi đó tôi tiếng kêu cứu từ khu vực khán đài B2, cách chỗ mình ngồi khoảng hơn 10 mét.

“Nghe tiếng kêu cứu tôi liền tiếp cận và thấy một bé trai khoảng 3 – 4 tuổi sốt cao, lên cơn co giật và có 2 người đàn ông đang sơ cứu cho cháu bé. Khi tôi có mặt cũng là lúc nhiều khán giả hiếu kì tập trung lại. Lúc này, tôi hô hoán mọi người tản ra để có chỗ cho cháu bé thở và cũng để có đường di chuyển cháu bé đến khu vực y tế”, thiếu úy Đạt nói..

Sau khi kiểm tra, đảm bảo an toàn cho cháu bé, Thiếu úy Đạt đã đưa cháu cho Đại úy Trần Đức Giảng và Hạ sỹ Trần Thanh Hiếu (hiện đang công tác tại Phòng Cảnh sát cơ động Công an Nam Định).”Khi tôi tiến hành kiểm tra, sơ cứu cho cháu bé, cả bố mẹ cháu đều có ở đây, nhưng do họ quá hốt hoảng nên không thể nói được gì hay có những động tác sơ cứu cho con…”, Thiếu úy Đạt nói.

Trung tá Đỗ Quang Thái – Phó đội trưởng tham mưu Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cứu nạn và cứu hộ Công an tỉnh Nam Định cho biết: Quá trình sơ, cấp cứu cho nạn nhân bị lên cơn co giật, qua kiểm tra ban đầu, người tiến hành cấp cứu sẽ kiểm tra phần lưỡi của nạn nhân xem có bị co vào bên trong cuống họng hay không?

Nếu phát hiện nạn nhân bị co lưỡi vào trong họng có thể gây tắc đường thở khiến nạn nhân tử vong thì phải tìm cách kéo lưỡi nạn nhân ra ngoài bình thường ngay lập tức. “Trong trường hợp cháu Nhật M. lên cơn co giật chiều 4/8, tại sân vận động Thiên Trường, sau khi kiểm tra, lực lượng an ninh thấy cháu không bị tụt lưỡi nên tiến hành giữ hàm để cháu không bị cắn lưỡi….”, Trung tá Thái cho biết thêm.

Theo Tân Trường (Infonet)

Tags:

TOP