Đam mê Toán từ nhỏ, đến lớp 11 lại được truyền cảm hứng ở môn xã hội, Nguyễn Thị Hương đã chuyển hướng thi khối C, trở thành thủ khoa cả nước.
Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thị Hương, học sinh trường THPT Mỹ Tho, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, đã tự tính được điểm Lịch sử, Địa lý, riêng môn Ngữ văn thi tự luận chỉ đoán 9 điểm. Túc trực bên máy tính để tra điểm từ 11h đêm 26/8, đến 0h ngày 27/8, Hương reo lên sung sướng khi nhìn thấy dòng chữ “Ngữ Văn 9,5; Lịch sử 9,75; Địa lý 10”.
Đến khi biết mình là một trong ba thí sinh đạt điểm khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) cao nhất cả nước vào trưa 27/8, Hương bật khóc một mình, chưa dám thông báo cho bố mẹ đang đi phụ hồ ở xa. “Hồi lớp 10, em không nghĩ chọn môn Văn để thi đại học, càng không nghĩ sẽ đạt điểm cao nhất cả nước”, nữ sinh có mái tóc dài, hàm răng trắng xóa cười nói.
Đam mê môn Toán từ nhỏ, Hương dự định chọn khối A0 (Toán, Lý, Hóa) thi đại học nhưng vẫn học đều các môn do trường THPT chưa phân ban. Năm lớp 10, được truyền cảm hứng qua bài giảng và sự quan tâm của các cô giáo dạy Văn, Sử, Địa, em dần thích học ba môn này. Đến năm lớp 11, khi nhà trường chia ban, em quyết định theo khối C.
“Các cô dạy mon xã hội dễ gần, hay chia sẻ với học sinh nhưng khi cần cũng rất nghiêm khắc. Trên lớp có gì không hiểu, em vẫn hay hỏi các cô”, Hương nói.
Định hướng khối thi đại học muộn so với các bạn nhưng Hương không áp lực, cảm thấy vui vì được truyền cảm hứng, tìm ra con đường phù hợp với bản thân. Trong ba năm THPT, Hương không đi học thêm mà chỉ học trên lớp, tham gia đội tuyển học sinh giỏi khối C của trường.
Nữ sinh đề ra chiến lược học tập bài bản. Với ba môn thi đại học, khi giáo viên giảng xong một bài, em chia thành ý chính, vẽ sơ đồ tư duy để ghi nhớ. Tối về, sau khi đã hoàn thành bài tập trên lớp, em dành khoảng 4 tiếng ôn tập, trong đó Sử, Địa 45 phút, thời gian còn lại cho Văn. Nhiều hôm, Hương thức đến 1-2h sáng để học Văn vì khoảng thời gian này yên tĩnh, em có nhiều cảm hứng hơn.
Với môn Địa, mỗi khi rảnh, Hương hình dung bản đồ Việt Nam trong đầu để tìm hướng của các dãy núi lớn hay điều kiện tự nhiên từng vùng. Nhờ nắm chắc kiến thức và ghi nhớ bản đồ đất nước, nữ sinh tự tin bước vào phòng thi. Ở môn Sử, em lập bảng so sánh điểm giống và khác của các sự kiện có mối tương đồng như hai cuộc chiến tranh thế giới, Việt Nam trong hai cuộc khai thác thuộc địa.
Tự nhận xét ngòi bút chưa trau chuốt, còn hay mắc lỗi trong phần đọc hiểu, Hương phải dành nhiều thời gian ôn luyện môn Văn hơn hai môn còn lại. Khi học, em liên hệ năm sáng tác tác phẩm với các mốc lịch sử, từ đó hiểu sâu hơn về nội dung văn bản, thông điệp tác giả truyền tải. Với phương pháp này, em cũng có thể kết nối các môn học với nhau.
Trước ngày thi, Hương còn nhiều lo lắng cho phần đọc hiểu môn Văn. Nghe em tâm sự, cô Phạm Thị Kiều Oanh, giáo viên bộ môn của trường, khuyên em khi đọc đề, hãy tự nhủ “Tôi sẽ chinh phục nó” để lấy bình tĩnh làm bài. “Với bài nghị luận xã hội, nghị luận văn học, em lập dàn bài trước khi viết để sắp xếp nội dung logic, tránh sót ý”, Hương nói.
Trong thời gian học trực tuyến tại nhà, Hương kết hợp luyện đề thi. Nhờ học ngay sau mỗi bài giảng, em không mất nhiều thời gian ôn tập lại. Khi làm đề thi thử, em đặt đồng hồ, giả vờ như đang trong phòng thi thật. Làm xong, so đáp án, câu nào sai hoặc chưa hiểu rõ, em liền thảo luận với bạn bè hoặc hỏi giáo viên.
Đánh giá đề thi năm nay, Hương nhận xét không khó như năm ngoái, câu hỏi thông hiểu hầu hết nằm trong sách giáo khoa. “Đề thi Khoa học xã hội ít câu hỏi vận dụng hơn năm ngoái. Em không phải khoanh bừa câu nào”, Hương nói.
Điểm ba môn thi tốt nghiệp còn lại của Hương lần lượt là Giáo dục công dân 9,75; Toán 8,6 và Ngoại ngữ 6,6. Tuy đạt điểm cao nhất cả nước ở khối C, Hương dự định dùng điểm tổ hợp C04 gồm Toán, Địa và Ngữ văn để xét tuyển ngành Quan hệ công chúng tại Đại học Kinh tế quốc dân.
“Sắp tới, em sẽ cố gắng học tiếng Anh, hy vọng bốn năm đại học sẽ giúp em rèn luyện và trau dồi nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai”, Hương nói.
Chủ nhiệm lớp 12A10 của Hương, cô Nguyễn Thị Hiên tự hào khi nhắc đến học trò: “Không chỉ chăm học, thái độ cầu tiến, Hương còn là lớp trưởng được bạn bè yêu quý, tin tưởng. Quá trình ôn tập có nhiều khó khăn nhưng em luôn cố gắng”.
Nhớ lại ngày đầu giảng dạy Hương, cô Phạm Thị Kiều Oanh, giáo viên dạy môn Văn, kể em học ở mức khá, thường đạt 8 điểm. Nhưng năm lớp 12, em bứt phá lên 9. “Ngày thi xong, Hương bảo với tôi trước đây chỉ học Văn để thi đại học, nhưng giờ đây rất yêu môn này”, cô Oanh nói.
- Sứa ăn liền – hướng đi mới của người dân Nam Định
- Lạ miệng với nem nắm Nam Định ở Hà Nội
- Cưỡng không nổi với 8 đặc sản nức tiếng Nam Định
- Giải mã ngôi mộ độc đáo nhất đất Nam Định
- Xôn xao thương vụ mua bán “siêu cây” 8 tỷ, độc nhất Việt Nam có nguồn gốc Nam Định
- Đinh La Thăng – Tự Hào Là Con Dân Nam Định
- 13 nhà thờ đẹp ở Nam Định
- 9 món ngon vang danh đất Nam Định
- Điện lực nói “không chịu trách nhiệm” vụ trụ bê tông có đất
- Nam Định: Nghi án chồng thiêu sống vợ rồi uống thuốc trừ sâu tự vẫn
- Lạnh người lời khai của nghịch tử dùng chất kịch độc giết cha và hàng xóm
- Nam Định: Nhiều nhà dân tốc mái, cây xanh bị đổ do bão số 1
- Cuộc sống ít người biết đến ở “thiên đường sung sướng” Quất Lâm
- Về Nam Định thưởng thức đặc sản bún cá thơm nồng
- Nam Định: Lá thư lạ lùng cùng bé trai 6 tháng tuổi trong thùng giấy
- Nam Định: Tưng bừng lễ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Xuân Trường
- Nam Định: Cứu thành công bé trai bị kéo đâm vào tai
- Một phụ nữ bị hàng xóm đâm vì tưới cây bằng phân xanh
- Tranh cướp ấn đền trần
- Bất ngờ với số lượng lợn chết do dịch lở mồm long móng ở Nam Định
- 82 Đặc sản, Món ăn tại Nam Định
- TRÊN 2 TỶ USD ĐẦU TƯ NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN NAM ĐỊNH 1