Sách mới của cô gái Nam Định-Huyền Chip liệu có gây sốc?

Sách mới của cô gái Nam Định-Huyền Chip liệu có gây sốc?

Huyền Chip, tác giả của “Xách ba lô lên và đi” từng gây sốc, trở lại với “Tuổi trẻ không hối tiếc”

Huyền Chip nay đã trở thành nữ thạc sĩ Việt tại Đại học Stanford (Mỹ). Tác giả của bộ sách “Xách ba lô lên và đi” tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, sinh ra và lớn lên ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Sau khi học xong cấp III, Huyền không thi đại học mà dành thời gian đi vòng quanh thế giới.

Huyền Chip từng gây sốc dư luận với bộ sách “Xách ba lô lên và đi”. Nhiều bậc phụ huynh đã lên tiếng lo lắng với cách tư duy bị cho là cổ xúy việc bỏ học và đi lang thang mà Huyền đã ghi lại trong cuốn sách; cũng như những sự thật khó xác định về các địa danh mà cô đã đi qua.

Sau ồn ào sóng gió, Huyền Chip quay trở lại trường học, vừa hoàn thành chương trình đại học và thạc sĩ, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, Huyền di chuyển giữa Mỹ, Anh và Việt Nam, dành thời gian viết sách và nghiên cứu.

Gặp lại Huyền Chip sau mấy năm cũng đi “vòng quanh thế giới” nhưng là ở bậc đại học và cao học, có thể thấy bản chất hoang dã của cô gái trẻ không thay đổi. Hầu như tất cả suy nghĩ của Huyền khi đưa lên trang cá nhân đều gặp phải sự tranh luận hai chiều khá gay gắt của cộng đồng.

Ghi chú “Viết cho em” và cũng là chương mở đầu của “Tuổi trẻ không hối tiếc”, Huyền viết: “Em không phải nghe lời ai cả. Điều đầu tiên, chị muốn em hiểu rằng em không phải nghe theo lời cha mẹ, thầy cô, hay bất cứ ai, kể cả chị…”; chương thứ hai: “Chúng ta có cần là con ngoan, trò giỏi?” – “Nếu ai đó nói với bạn rằng trường học là quãng thời gian dễ dàng nhất của cuộc đời, rằng nếu bạn không hạnh phúc ở trường học thì sau này bạn sẽ gặp khó khăn hơn khi đi làm, người đó đang nói dối…”.

Như Huyền tự nhận thì trước và sau khi học Đại học Stanford vẫn chỉ là con người đó: “Nữ thạc sĩ Việt tại Đại học Stanford…” nghe nó lạ tai. Bao nhiêu năm trời, mình mang tiếng là cô gái “bỏ học” đi du lịch (dù chưa bao giờ bỏ học) và theo nhiều người, “vô học” là vô trách nhiệm với phụ huynh và xã hội. Bây giờ, tự nhiên mình không còn là đứa “vô học” nữa… Tại sao lại phải dùng một cụm từ như thế thay vì dùng “Huyền Chip”? Phải chăng cứ phải mang bằng cấp ra thì ý kiến mới có người nghe?…”. “Học Stanford” thôi cũng đã đủ để phản biện lại tất cả những điều không tốt về mình? Có người lúc mình đang trong tâm bão thì unfriend mình để chửi mình cho tiện, lúc nghe tin mình vào Stanford thì add mình lại… Mình, trước và sau khi học đại học, vẫn là mình. Nhưng với nhiều người, việc mình khoác lên người tấm bằng đã biến mình trở thành con người khác…”.

Dù giọng điệu tưởng rằng vẫn “đanh đá” y như cũ nhưng đọc cuốn sách mới của Huyền Chip, có thể nói cô đã có sự thay đổi sâu sắc. “Tuổi trẻ không hối tiếc” (NXB Phụ Nữ và Quảng Văn Book ấn hành 2018) vẫn có yếu tố du ký nhưng nghiêng nhiều về thể loại sách kỹ năng. Từ chương ba “Sách cho những người đang tìm ý nghĩa cuộc sống”, chương bốn “Làm thế nào để có thể được coi là người lớn”?, chương năm “Tài chính cá nhân”… và các chương tiếp theo với rất nhiều kiến thức tổng kết hầu hết những gì hữu ích mà tác giả rút ra trong thời gian trải nghiệm du lịch, du học và làm việc ở nước ngoài đã thể hiện rõ rệt mong muốn của người viết.

Ngay cả khi khi bàn về những vấn đề hoàn toàn có thể gây tranh luận trái chiều, mục đích của Huyền Chip là muốn người trẻ hãy đề cao suy nghĩ độc lập dựa trên trí tuệ và cảm xúc của bản thân, còn tất cả yếu tố khác chỉ là để tham khảo. Vì thế, người trẻ cần suy nghĩ nghiêm túc và tự chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình – điều thực sự rất thiếu trong xã hội ngày nay, khi lớp trẻ quá đủ đầy nên thường rơi vào cảnh thiếu động lực và thiếu sự tự chủ.

HÒA BÌNH
(nld.com.vn)


TOP