Tác phẩm Hải Hậu - Nam Định trong triển lãm Qua miền Tây Bắc của NSND - họa sĩ Trà Giang

Tác phẩm Hải Hậu – Nam Định trong triển lãm Qua miền Tây Bắc của NSND – họa sĩ Trà Giang

30 tác phẩm trong triển lãm Qua miền Tây Bắc, được vẽ trong hai năm 2016 – 2017 đang đánh dấu cho cuộc trình làng hội họa cá nhân của NSND Trà Giang trong dịp mừng xuân 2018.

Tranh sơn dầu Phong cảnh Tây Bắc

Khó cắt nghĩa vì sao những cảm xúc và cảm hứng sáng tác cứ luôn thôi thúc nghệ sĩ sáng tạo. Trà Giang từng nghĩ chị sẽ dừng cầm cọ, “xếp lại” thế giới sắc màu sau hàng chục cuộc triển lãm chung và hai triển lãm cá nhân xuyên suốt hơn 15 năm qua;

Vậy mà, 30 tác phẩm trong triển lãm Qua miền Tây Bắc, được vẽ trong hai năm 2016 – 2017 đang đánh dấu cho cuộc trình làng hội họa cá nhân lần thứ của chị trong dịp mừng xuân 2018 (diễn ra từ ngày 18 đến 28-1, tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM).

Với bề dày vốn sống thực tiễn và những trải nghiệm từ thế giới nghệ thuật điện ảnh, là một trong những thế mạnh, giúp NSND Trà Giang cảm nhận và ghi nhận phong phú hơn cho thế giới hội họa của mình.

Một lần, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và nhà quay phim Lý Thái Dũng chuẩn bị chọn cảnh quay cho một bộ phim truyện lịch sử đã mời NSND Trà Giang thăm lại vùng Tây Bắc. Đây là lúc con mắt hội họa của chị thu nhận rõ ràng cảnh sắc núi, rừng, mây, suối và cảm nhận tươi mới hơn về đời sống của người dân tộc thiểu số ngày nay ở các bản làng vùng cao.

Phong cảnh Tây Bắc, Đèo Pha-đin, Nắng sớm, Bông cải sau hè, Thanh bình (Ngôi nhà nhỏ có hoa đào và hàng rào đá), Người đàn bà H’Mông đi trong sương, Bản Xín Chải – Sapa, Mây xuống núi, Thung lũng đỏ, Chiều Tây Bắc… là những bức tranh đẹp, đầy cảm xúc của họa sĩ Trà Giang, ra đời từ chuyến đi thực tế này.

Bức Hải Hậu – Nam Định cũng được kể sau lần thăm lại vùng đất chị từng tham gia đóng bộ phim Ngày lễ Thánh (năm 1975) của đạo diễn Bạch Diệp.

Cùng bạn bè nghệ sĩ đi thăm lại nhà chị chủ tịch xã ngày xưa, những trang ký ức một thời bồi hồi trong suy nghĩ của “chị Nhân” (nhân vật chính trong phim do NSND Trà Giang đóng), NSND Trà Giang nhớ lại những cảnh diễn trên bờ ruộng, có lúc chị Nhân quýnh quáng để sổng một chú trâu đen; nhớ con đường đi dọc dài ra bãi biển, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chuông nhà thờ vang vọng…

Bây giờ, cảnh vật hai bên bờ sông đất Hải Hậu ngày ấy, đã khác xưa. Nhiều dãy nhà mới cùng ăng-ten truyền hình mọc lên; cuộc sống cũng hiện đại hơn nhưng hình ảnh ngôi nhà thờ cổ kính xa xa và những con đò chở hàng nhộn nhịp gần trên bến sông, dường như vẫn không có gì thay đổi.

Tác phẩm Hải Hậu – Nam Định

Cảm hứng sáng tác, vẽ cảnh sinh hoạt của người dân trên bến sông – một kiểu “thượng hà đồ”, đã được phác thảo trong suy nghĩ của họa sĩ, suốt chuyến đi.

Không gian của hiện tại và không gian hồi ức dường như đan xen trong cách mô tả hiện thực, có lẽ vì vậy mà bức Hải Hậu – Nam Định với bầu trời cao rộng của một “đại cảnh”, tưởng sẽ ồn ào nhưng nhịp điệu trong tranh được tiết chế, tạo khung cảnh sinh hoạt trên sông bắt đầu vào tiết nhuốm thu, màu trong trẻo, êm đềm, thơ mộng.

Đó cũng là phong cách nghệ thuật, nét duyên riêng, đầy tình cảm dịu dàng, thu hút của tranh nghệ sĩ Trà Giang, còn được tìm thấy qua cách thể hiện lạ, màu sắc vàng tươi, đẹp, ấm áp trong Đường về quê mẹ, hoặc màu nắng trong veo, yên bình của Quê mẹ…

Bên cạnh các bức tranh phong cảnh, mảng tranh vẽ các loài hoa, tĩnh vật hoa luôn đa dạng, tinh tế và ưa nhìn trong tranh NSND Trà Giang. Đó là những Hoa trong vườn, Giọt nắng, Hoa cát tường, Hoa salem…

Mở đầu cho hoạt động triển lãm mỹ thuật đầu năm 2018, hy vọng phòng tranh đẹp của NSND – họa sĩ Trà Giang không phụ lòng yêu mến của công chúng thưởng ngoạn và giới sưu tập.

Theo KIM ỬNG( sài gòn giải phóng)


TOP