Tai nạn rình rập tại 271 đường ngang dân sinh ở Nam Định

Tai nạn rình rập tại 271 đường ngang dân sinh ở Nam Định

Dẫn đầu trong đảm bảo ATGT đường ngang, nhưng Nam Định vẫn còn tới 271 lối đi trái phép qua đường sắt

 Đường dân sinh tự phát tại Km 87+200 đường sắt giao với đường Văn Cao (TP Nam Định) luôn nườm nượp xe cộ qua lại

Đường dân sinh tự phát tại Km 87+200 đường sắt giao với đường Văn Cao (TP Nam Định) luôn nườm nượp xe cộ qua lại

Được nhận định là địa phương dẫn đầu trong đảm bảo ATGT đường ngang, nhưng đến nay Nam Định vẫn còn tới 271 đường dân sinh, lối đi trái phép qua đường sắt. Kế hoạch dài hơi, cụ thể việc xóa các đường ngang trái phép ở Nam Định đang gặp khó khăn bởi vấn đề kinh phí.

Hết tai nạn nhờ xóa đường dân sinh

Làng đồ gỗ La Xuyên nổi tiếng ở huyện Ý Yên, Nam Định có tới vài chục xưởng gỗ nằm ven đường sắt Bắc – Nam song song với QL10. Hàng ngày, hàng trăm khách hàng, công nhân nườm nượp ra vào các xưởng gỗ này.

Ông Bình, chủ xưởng gỗ Bình Hà ở xã Yên Ninh, huyện Ý Yên cho hay, năm nào tại khu vực này cũng có người chết vì tai nạn đường sắt. Gần đây nhất, tháng 5, hai khách hàng từ Hà Nội đi ô tô về La Xuyên xem đồ gỗ, cũng bị tàu hỏa đâm tử vong khi băng qua đường sắt vào xưởng gỗ.
“Tháng 6, nhiều đường dân sinh qua đường sắt ở làng nghề La Xuyên đã được đóng lại. Thời gian đầu, việc đóng lối đi khiến các xưởng gỗ ven đường sắt bị ảnh hưởng, nhưng đến nay cả người dân và khách hàng đã quen và thấy như vậy an toàn hơn”, ông Bình nói.
Ông Phan Phương Đông, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nam Định cho biết, khu vực làng nghề La Xuyên (huyện Ý Yên) trước đây dù đã có đường gom, hàng rào hộ lan ngăn cách đường bộ – đường sắt, nhưng người dân vẫn tự mở lối đi rộng qua đường sắt để tiện buôn bán. Trước nguy cơ TNGT luôn rình rập ở các lối mở vào đường sắt này, tháng 6, Ban ATGT tỉnh, Công ty Quản lý đường sắt Hà Ninh cùng chính quyền địa phương đã đóng 5 đường dân sinh tại Km 104+710, Km 104+740, Km 104+820, Km 104+920, Km 104+995 thuộc khu vực làng nghề La Xuyên. Đồng thời, cắm 34 biển báo “Chú ý tàu hỏa” tại những điểm có nguy cơ TNGT cao. Toàn bộ kinh phí 200 triệu đồng đóng đường dân sinh và cắm biển báo do UBND tỉnh cấp.
“Từ khi đóng lại, các “điểm nóng” TNGT đường sắt này đã không còn xảy ra tai nạn, việc tái mở đường dân sinh không còn diễn ra”, ông Đông cho biết.
90% TNGT xảy ra tại đường dân sinh
Theo Thượng tá Trịnh Duy Dương, Phó trưởng phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt, Công an tỉnh Nam Định, TNGT đường sắt trên địa bàn đang diễn biến phức tạp. Năm 2013, Nam Định xảy ra 11 vụ TNGT đường sắt, làm chết 12 người, bị thương 1 người; Năm 2014 xảy ra 11 vụ, làm chết 9 người, bị thương 6 người, thiệt hại tài sản khoảng 10 tỷ đồng. 11 tháng năm 2015, đã xảy ra 14 vụ TNGT đường sắt làm 14 người chết và 3 người bị thương. 90% số vụ TNGT xảy ra ở các đường dân sinh tự phát.
“Nam Định có 41,15 km đường sắt Bắc – Nam chạy qua thì có tới 44 đường ngang hợp pháp và 271 đường ngang dân sinh. Hiện do thiếu kinh phí triển khai, nên việc xây dựng đường gom và hàng rào cách ly giữa đường bộ – đường sắt theo Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang tạm dừng, các hạng mục thi công dở dang, nhiều lý trình chưa được triển khai, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự ATGT”, Thượng tá Dương cho hay.
Từ cuối năm 2014, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành kế hoạch xóa đường dân sinh. Theo đó, giai đoạn I cần xóa bỏ, rào kín 153 đường dân sinh; Cắm biển “Chú ý tàu hỏa”, thu hẹp chiều rộng lối đi, tổ chức cảnh giới 123 đường. “Nguồn kinh phí dự kiến xóa đường dân sinh giai đoạn 1 là gần 4,9 tỷ đồng, nhưng hiện chưa có kinh phí. Mới đây, UBND tỉnh đã có Văn bản 761/UBND-VP5 đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thành hàng rào cách ly đường bộ – đường sắt đang thi công dở dang, ưu tiên làm ngay đường gom, hàng rào cách ly để giảm dần, tiến tới xóa bỏ đường dân sinh qua đường sắt”, ông Đông cho biết.
Theo ông Đông, thực hiện kế hoạch xóa đường dân sinh của UBND tỉnh, các ngành, các địa phương đã quyết liệt vận động các hộ dân có tuyến đường sắt đi qua và người dân đều sẵn sàng với chủ trương trả lại hành lang ATGT để có quỹ đất làm đường gom, xóa bỏ đường dân sinh hoặc chuyển sang lối đi mới khi cơ quan quản lý đường sắt đóng các lối đi trái phép. “Có kinh phí, kế hoạch xóa đường dân sinh trên địa bàn sẽ được triển khai thuận lợi, hiệu quả”, ông Đông nói.


TOP