Táo quân bị phản ứng vì xúc phạm người đồng tính: Chuyện bé xé thành to?

Táo quân bị phản ứng vì xúc phạm người đồng tính: Chuyện bé xé thành to?

Câu chuyện Táo quân 2018 “xúc phạm cộng đồng người đồng tính” đang là chủ đề gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Đặc biệt là sau thư ngỏ của những tổ chức bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng LGBT, phong trào “đòi công bằng cho người đồng tính” càng dâng cao mạnh mẽ.

Nghệ sĩ thi nhau vào cuộc phản đối Táo quân, vở hài kịch cuối năm bị đào xới, mổ xẻ tới tận cùng, hai câu thoại nhạy cảm bị nhắc đi nhắc lại như minh chứng hùng hồn nhất cho việc kì thị giới tính.

Thậm chí, cả chuyện đòi dẹp bỏ Táo quân vì đụng chạm tới cộng đồng LGBT cũng được đưa ra như một giải pháp “trừng phạt” chương trình hài đã có 15 năm tuổi! Tuy nhiên, những chỉ trích và lời lẽ nặng nề dành cho Táo quân 2018 liệu có thật sự công bằng và chính xác?

Cô Đẩu không thể đại diện cho cả cộng đồng LGBT!

Nói như NSND Khải Hưng thì hình tượng cô Đẩu của Công Lý đã có 15 năm tuổi. Và hình như trong suốt gần 2 thập kỷ đó, chưa có lời phàn nàn chê trách nào về chuyện châm biếm giới tính, cho tới tận năm nay. Ý kiến của vị “cha đẻ Táo quân” hoàn toàn đúng.

Từ lâu, khán giả đã quen thuộc với hình ảnh của cô Đẩu như một nhân vật hài hước, gây cười hơn là những điều tiêu cực liên quan tới vấn đề giới tính.

Và đó cũng là ý đồ nghệ thuật của ê-kíp nghệ sĩ khi sáng tạo ra nhân vật này, chứ không thể mượn hình ảnh chua ngoa, đanh đá của Công Lý để châm biếm bất cứ ai.

Quan trọng hơn, hình tượng giả gái của Công Lý không thể đại diện cho toàn bộ những người đồng tính.

Cũng như Vân Dung không thể đại diện cho tất cả người làm y tế, Quang Thắng cũng chẳng thể thay mặt cho những người làm kinh tế, mà họ chỉ hoá thân vào một nhân vật trong một vở kịch mà thôi.

Vậy thì, phải chăng sự nhạy cảm quá mức đang biến một câu chuyện bình thường trở thành khó lòng chấp nhận? Khi những lời thoại hài hước dành cho một nhân vật trên sân khấu bỗng chốc biến thành sự mai mỉa dành cho cả một cộng đồng?

Đặc trưng của Táo quân là tạo ra tiếng cười nhờ việc châm biếm những vấn nạn còn tồn tại trong xã hội.

Suốt mười lăm năm qua, đã có bao nhiêu vấn đề mà các diễn viên “đụng chạm” vào? Từ y tế, giáo dục, môi trường, giao thông cho tới kinh tế, tất cả những điều còn tồn tại vẫn được Táo quân đề cập tới một cách không khoan nhượng.

Nhưng hình như chưa bao giờ có một cộng đồng y bác sĩ, giáo viên hay chiến sỹ công an nào lên tiếng vì cảm thấy bị xúc phạm hay động chạm cả. Cũng chưa có bất cứ lá đơn kiện nào được đưa ra, bởi họ hiểu rằng sân khấu hài và cuộc đời là những thứ hoàn toàn khác biệt!

Hơn thế nữa, cộng đồng nào cũng sẽ có những điều tiêu cực còn tồn tại. Những tiếng cười đả phá những điều xấu xí, tệ hại có thể “gây nhột” tới một vài người, nhưng chắc chắn không thể ảnh hưởng tới cả một cộng đồng.

Những bác sĩ tử tế vẫn sẽ mỉm cười trước sự hài hước của Táo y tế Vân Dung, những chiến sĩ công an giao thông mẫn cán và trách nhiệm chẳng có lý do gì để nhói lòng trước nhân vật mà Chí Trung từng thể hiện. Bởi họ biết, tiếng cười và sự châm biếm trong Táo quân không phải dành cho họ…

Chuyện bé đang bị xé thành to?

Quay trở lại với câu chuyện “đụng chạm” giữa Táo quân và cộng đồng LBGT. Thành thật mà nói, câu chuyện có lẽ đã bị “bé xé ra to” bởi sự nhạy cảm quá mức và cả hiệu ứng đám đông vốn rất ít liên quan tới đúng sai.

Khi một đám đông rần rần lên tiếng, sẽ có rất nhiều người sẵn sàng hùa theo mà chẳng cần hiểu được bao nhiêu sự thật…

Khoan nói tới việc Công Lý chỉ đại diện cho mỗi nhân vật Bắc Đẩu mà anh thể hiện, mà ngay cả khi mục đích nhân vật anh thủ vai nhắm tới là chế giễu những điều xấu xí còn tồn tại trong cộng đồng LGBT thì đó liệu có phải điều gì quá bất thường?

Tại sao cứ chăm chăm nhận định nhân vật cô Đẩu xúc phạm người đồng tính mà không nghĩ rằng, hình tượng đó chỉ đại diện cho một phần xấu xí trong cộng đồng LGBT, giống như cách các Táo khác hoá thân vào những vai diễn tham nhũng, thoái hoá thuộc đủ ngành nghề?

Khi mà người ta cứ mải miết kêu gọi sự bình đẳng cho người đồng tính thì tại sao, người ta không thể đối xử với cộng đồng đó theo cách bình thường nhất?

Tức là có cả nhìn nhận những gì người đồng tính làm được và cả châm chọc, đả kích những thứ còn tồn tại trong cộng đồng này?

Không thể lấy sự “yếu thế” hay dễ bị tổn thương của cộng đồng LGBT để biến họ trở thành “bất khả xâm phạm” theo cách nghĩ của một ít người.

Cũng không thể lấy lý do “bảo vệ người đồng tính” để trao cho họ những đặc quyền khác với phần còn lại của xã hội. Và cũng không thể lấy sự nhạy cảm quá mức của một vài người để làm thước đo đúng – sai cho tất cả. Như trong câu chuyện Táo quân lần này chẳng hạn…

Xin hãy nhớ, Táo quân chỉ là một vở kịch hài

Chẳng một đạo diễn nào muốn xúc phạm tới cả một cộng đồng người đồng tính, chẳng một diễn viên nào ngốc nghếch chọc giận cả đám đông. Nhất là với một ê-kip tài giỏi, giàu kinh nghiệm như dàn diễn viên, đạo diễn Táo quân, những sai lầm kiểu đó là điều không tưởng.

Tất nhiên, những sơ sót là điều không tránh khỏi và những nghệ sĩ cũng không thể kiểm soát cảm nhận của mấy chục triệu con người. Việc tạo ra những suy nghĩ tiêu cực, đụng chạm tới số ít người là điều đáng tiếc mà Táo quân năm nay mắc phải.

Có điều, giải pháp dành cho Táo quân nên là góp ý và sửa chữa, chứ không thể là tẩy chay hay “khai tử” chương trình được đông đảo khán giả yêu thích một cách dễ dàng.

Bởi nếu như cô Đẩu không thể đại diện cho cả cộng đồng LGBT thì tương tự, cộng đồng này cũng không thể đại diện cho toàn xã hội. Quan trọng hơn, sửa sai bằng những thay đổi tích cực luôn là giải pháp nên được tính tới đầu tiên, chứ không phải loại bỏ hay chấm dứt.

Hãy mở lòng rộng rãi hơn một chút, không chỉ để cho Táo quân tiếp tục tồn tại và đem niềm vui tới cho cuộc đời, mà còn để cho chính bản thân mình có thể nở một nụ cười.

Bản thân Táo quân cũng chỉ là một vở hài kịch cuối năm và bởi vậy, xin hãy đón nhận nó với tâm thế của một người khán giả bình thường nhất. Đừng khe khắt với ngay cả những niềm vui dịp cuối năm…

theo Thời đại


TOP