Triển khai mô hình 'Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông': Khó vì thiếu chế tài xử phạt

Triển khai mô hình ‘Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông’: Khó vì thiếu chế tài xử phạt

Đó là ý kiến của ông Phạm Xuân Thao- Chủ tịch UBMTTQ huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định nêu tại Hội nghị sơ kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 và đánh giá mô hình chỉ đạo điểm Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông vừa diễn ra tại Hà Nội.

Một vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại huyện Vụ Bản, Nam Định.

Huyện Vụ Bản có mạng lưới giao thông vận tải đa dạng với 14 km đường sắt Bắc-Nam và 31 km đường quốc lộ 10, quốc lộ 21, quốc lộ 37B, quốc lộ 38B chạy qua. Huyện có 1 khu công nghiệp, 2 cụm công nghiệp và một số doanh nghiệp nằm ở một số xã có mật độ người tham gia giao thông cao.

Ông Phạm Xuân Thao cho hay, tình hình vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó lường. Một số người dân còn vi phạm pháp luật, thiếu ý thức trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Tình trạng xe chở hàng quá khổ quá tải, đi xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người theo quy định. Tình trạng uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông, lạng lách, chạy quá tốc độ quy định khi tham gia giao thông vẫn xảy ra liên tục.

Việc đi sai làn đường, trẻ em chưa đủ tuổi vẫn tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Đường giao thông nông thôn được cải tạo nâng cấp nhưng vẫn còn thiếu hệ thống biển báo, gờ giảm tốc ra đường chính và các thiết bị bảo đảm an toàn giao thông, tiềm ẩn gây ra TNGT ở địa bàn nông thôn.

Với thực trạng trên, năm 2015 UBMTTQ tỉnh Nam Định lựa chọn đơn vị thị trấn Gôi huyện Vụ Bản làm điểm triển khai mô hình “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông”. Đến tháng 11/2016, UBMTTQ tỉnh đã sơ kết một năm triển khai thực hiện mô hình và triển khai nhân rộng ở các xã trên địa bàn toàn huyện. Đến nay mô hình đã triển khai được 1 năm.

Theo ông Thao, đến thời điểm này các khu dân cư đã thành lập 229 tổ tự quản đảm bảo trật tự ATGT ở khu dân cư chịu trách nhiệm tuyên truyền nhắc nhở các hộ vi phạm hành lang an toàn giao thông trên tuyến đường mà mình phụ trách, đồng thời triển khai tới các chi hội, chi đoàn đảm nhận tự quản các tuyến đường giao thông.

Đã có 68 chi hội phụ nữ đảm nhận 68 tuyến đường, 12 tuyến đường trồng hoa ở 6 xã với chiều dài hơn 2000 m. Các chi hội cựu chiến binh triển khai thực hiện phong trào “Cựu chiến binh tham gia đảm bảo ATGT” nhiều chi hội cựu chiến binh đã đảm nhận bảo vệ các công trình giao thông, nhắc nhở phát quang cây cối, dẹp biển quảng cáo bán hàng, vật liệu xây dựng. Có trên 90% khu dân cư đã rà soát, bổ sung nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào hương ước, quy ước của làng.

Ông Thao nhấn mạnh, nhằm phát huy tốt nhất vai trò của Mặt trận, Ban công tác Mặt trận tại các khu dân cư phối hợp với các đoàn thể trong thôn đi đến tận hộ gia đình để tiến hành tuyên truyền vận động và ký cam kết trực tiếp tại hộ gia đình.

Đến nay, 18 xã đã có 36.087/39.225 hộ gia đình ký cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông với tỷ lệ đạt 92%. Đã huy động đóng góp hơn 20 tỷ đồng để xây dựng, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm… nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Từ khi triển khai mô hình “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, nhận thức của người dân địa phương trong việc thực hiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông được nâng lên, TNGT đã được kìm chế, giảm hẳn số vụ trên địa bàn.

Theo số liệu thống kê của Ban ATGT huyện, số vụ va chạm và TNGT đường bộ là 17 vụ làm chết 9 người, bị thương 10 người (giảm 1 vụ, tăng 1 người chết, giảm 9 người bị thương so với năm 2016 khi triển khai mô hình).TNGT đường sắt 5 vụ làm chết 6 người, bị thương 7 người (giảm 2 vụ, tăng 3 người so với năm 2016 khi triển khai mô hình).

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai thực hiện mô hình tại địa phương, ông Phạm Xuân Thao đề xuất: Mô hình “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông” là mô hình mang tính chất tuyên truyền, vận động, không có chế tài xử phạt nên việc thực hiện những điều khoản ký cam kết thực hiện vẫn còn hạn chế.

Do đó, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ với các nghành chức năng nhằm tìm ra các biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời, các vụ vi phạm nghiêm trọng được xử lý cần tuyên truyền rộng rãi để răn đe .

Bên cạnh đó, việc đưa các nội dung của mô hình “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông” vào các tiêu chí bình xét để cộng nhận làng đạt chuẩn văn hóa, gia đình văn hóa là rất cần thiết. Song cũng phải đưa vào các quy định cụ thể của các bộ, ngành chức năng.

Hải Nhi( đại đoàn kết)


TOP