Trực Ninh: "Lạc bước" giữa Dịch Diệp Trang ngôi làng cổ thuần Việt 1.000 năm tuổi

Trực Ninh: “Lạc bước” giữa Dịch Diệp Trang ngôi làng cổ thuần Việt 1.000 năm tuổi

Dịch Diệp Trang là cái tên có từ thế kỷ XI dưới thời Vua Lý Thái Tổ. Ngần ấy thời gian trôi qua, mảnh đất này vẫn được giữ nguyên tên và trở thành một làng của xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Người dân nơi đây vẫn tự hào, đến bây giờ, không còn một làng cổ nào có thể thuần Việt được hơn Dịch Diệp.

Cổng Nam làng Dịch Diệp

Ai đã một lần đến ngôi làng này, chắc hẳn khó lòng quên được. Những dấu ấn làng cổ với những cánh cổng, cây cầu, con đường và cả cây cối như ẩn chứa bên trong thông điệp của thời gian.

Đường làng dễ vào mà khó ra

Ngồi bên quán nước gần cổng Nam làng Dịch Diệp, một cụ già cứ chăm chú nhìn khách lạ rồi cất lời: “Hỏi khí không phải, chứ các anh muốn vào làng khảo sát gì à? Ngày trước có nhiều người vào nghiên cứu tìm hiểu lắm, nhưng vào làng thì hay lạc đường đấy. Đường làng bố trí vòng vèo như trận đồ bát quái, dễ vào mà khó ra”.

Rồi cụ bắt đầu thuyết trình về làng mình: Ngày xưa, thời nhà Lý, khi mới hình thành, làng được gọi là Dịch Diệp Trang. Đây là vùng đất hạ lưu sông Hồng thuộc huyện Tây Chân, trấn Sơn Nam, sau này là phủ Thiên Trường. Làng Dịch Diệp có hình dáng như một con tàu mà mũi tàu chính là cổng Nam này, còn đuôi thuyền là cổng Tây. Ngày trước, các cụ dựa vào thần phả, sắc phong nên đều nói, làng Dịch Diệp có từ thời Lý Thái Tổ, gần với thời kỳ thành lập Thăng Long – Hà Nội và tính đến nay cũng đã gần 1.000 năm tuổi.

Quả thật, từ cổng Nam nhìn vào, chúng tôi đã thấy một khung cảnh làng hoàn toàn khác so với các thôn bên cạnh. Ở vùng quê bây giờ, nhà tầng hay xưởng sản xuất không phải là ít. Ấy vậy mà ở làng Dịch Diệp, những khung cảnh mang tính hiện đại lại hầu như không có. Ông Nguyễn Văn Tuấn, người làng cho biết: “Không phải chúng tôi không có tiền làm nhà tầng xây biệt thự, nhưng vì một ngôi làng cổ thuần Việt nên chúng tôi hy sinh cho làng. Đến bây giờ, không còn một làng cổ nào có thể thuần Việt được hơn Dịch Diệp”.

Men theo đường làng, khách lạ sẽ được thả hồn giữa một làng quê chính hiệu. Những ngôi nhà cấp bốn bằng gỗ, bằng gạch xây mật mía, lợp ngói mũi ẩn hiện dưới những tán cây cổ thụ rợp bóng. Có những ngôi nhà cổ, xem chừng đã xiêu vẹo lắm nhưng chủ nhân vẫn quyết giữ lại. Ven đường, những hàng rào không phải bằng vôi vữa xi măng mà bằng những hàng ô rô, cúc tần thẳng tăm tắp. Có nhà vẫn giữ được cổng cổ, vôi vữa đã loang màu do rêu mốc nhưng vẫn đẹp.

Nét đẹp ấy có lẽ từ chính kiến trúc mà như người làng Dịch Diệp nói là “của các cụ ngày xưa” nên mái cổng mềm mại, uốn lượn. Ven đường làng cũng còn những chiếc ao chuôm. Đàn vịt tha hồ ngụp lặn trong nước và rỉa lông dưới những tán mít lủng lẳng quả. Khung cảnh xóm làng tương đối vắng lặng, thỉnh thoảng vang lên tiếng vịt tiếng gà, tiếng nghé ọ của lũ trâu gọi đàn. Phải rẽ vào những con ngõ nhỏ mới thấy một vài phụ nữ làm vườn hay hái rau cho buổi chợ chiều.

Một cổng nhà cổ

Dấu ấn thời gian hằn in ở các cổng nhà

Cụ Lê Khả Quang, Thủ từ đình Dịch Diệp cho biết, đình làng còn giữ bức hoành phi mang 4 chữ “Thiện, Tục, Khả, Phong” do Vua Tự Đức ban tặng riêng cho làng với mong muốn làng tiếp tục phát huy các phong tục tốt đẹp, gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ con cháu đời sau. Cách ngôi đình cổ không xa là chùa làng có tên là “Cổ Liêu Linh Tự”. Trong chùa còn lưu giữ được chiếc chuông đồng đúc năm Gia Long thứ 6 (1818).

Hệ thống di tích cổ làng Dịch Diệp còn ngôi đền thờ tam vị thành hoàng là Chương Tấu đại vương, Lậu Khê đại vương và Phạm Vũ đại pháp thiền sư. Đây là 3 vị tướng có công lao to lớn trong cuộc chống ngoại xâm phạt Tống, bình Xiêm và giúp địa phương mở rộng ruộng đất, khuyên răn dạy chữ, dùng nhân nghĩa kết hợp nhân tâm tạo thành phong tục tốt ở nơi đây.

Đi dọc các con ngõ nhỏ hình bàn cờ, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của cụ Phạm Phúc Biền. Cụ Biền cho biết: “Ngôi nhà cổ gia đình tôi đang sinh sống đã có hơn 150 năm. Nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, mái ngói cổ, có 3 gian, cửa quay cùng sân vườn. Nhờ gia đình quyết tâm giữ gìn nên các họa tiết trang trí ở các kèo, cột và sập gụ, bàn ghế của căn nhà gần như nguyên vẹn”.

Ở Dịch Diệp, dấu ấn thời gian hằn in ở các cổng nhà. Cổng thường xây cuốn mái vòm parapol sâu từ 1-2m, có cổng sâu đến vài ba mét. Tùy theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi nhà mà vòm cổng có quy mô, bề thế khác nhau, nhưng đều hài hòa, đảm bảo đi lại thuận tiện. Có một đặc điểm chung ở Dịch Diệp là mái cổng lợp ngói, liên kết với vòm cổng là hai trụ cổng, xây thẳng đứng, đắp vẽ rất công phu. Trên trụ thường đắp nổi đôi câu đối viết theo lối chữ Khải.

Mặt cổng cũng được trang trí cầu kỳ, đắp nổi đại tự thể hiện phương châm xử thế hay cốt cách của chủ nhà. “Nhưng có điều đáng tiếc, cũng là đáng tiếc nhất trong những điều đáng tiếc, đó là con đường làng. Trước đường làng được kê đá tảng một hàng, đến năm 1942 lát vỉa bằng gạch nghiêng với mặt rộng 2m. Bây giờ thì đã bê tông hóa mất rồi. Nếu như chúng tôi quyết giữ lại đường làng cũ thì mới thật là hoàn mỹ”, ông Trần Duy Hội, Trưởng thôn Dịch Diệp cho biết.

Những chiếc rễ của cây Bồ Đề cổ thụ 800 năm tuổi

“Bồ Đề đại lão” 800 năm tuổi

Ngoài hệ thống kiến trúc vật thể như bến nước – sân đình, làng Dịch Diệp may mắn còn giữ được cây bồ đề cổ thụ khoảng 800 năm tuổi. Người làng gọi đó là “Bồ Đề đại lão” để phân biệt với “Đại lão mộc tinh” ở làng bên cạnh. Bồ đề cổ thụ với những chiếc rễ to khoảng 40cm mọc ra từ thân cây tựa như những chiếc xúc tu của một con bạch tuộc khổng lồ. Mỗi cành mỗi nhánh liên kết với nhau và những chiếc rễ xoắn kết vào nhau đâm thẳng xuống đất tạo cho “Bồ Đề đại lão” đứng vững hơn trước phong ba bão táp.

Các cao niên trong làng đều cho rằng, cây bồ đề cổ thụ còn là biểu tượng của sự trường thọ, khỏe mạnh và tính cách kiên định, nhẫn nại và đầy lặng lẽ của người Dịch Diệp. Bởi vậy, với người dân nơi đây, cây bồ đề này giống như một vị “đại lão tiên nhân”, người dân chỉ có thể kính chứ không thể phụ. Theo ước lượng, thân cây đồ đề to khoảng 5 người ôm mới xuể. Người làng đều cho rằng, thời kỳ chiến tranh cây bồ đề này chính là nơi trú ẩn của dân làng. Mặc dù nhiều lần bị trúng bom, nhưng cây cổ thụ vẫn không hề hấn gì và xanh tốt cho đến ngày nay.

Theo an ninh thủ đô


TOP