In vé xe giả để ‘chặt chém’ du khách

In vé xe giả để ‘chặt chém’ du khách

Mặc dù UBND xã Mỹ Phúc (huyện Mỹ Lộc, Nam Định) đã in vé trông giữ xe vào đền Bảo Lộc theo giá quy định của UBND tỉnh, nhưng người trông xe tại đây lại in thêm vé với giá cao hơn để “chặt chém” du khách.

Vé gửi xe giả tại đền Bảo Lộc

Di tích đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định; thờ Trần Hưng Đạo) là một địa chỉ tín ngưỡng nổi tiếng ở tỉnh Nam Định. Từ năm 1988, địa chỉ này được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia nên càng đông khách, đặc biệt là vào những ngày đầu xuân.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều du khách, lần nào đến với di tích này họ đều bị “chặt chém” giá trông giữ xe. Anh Trần Xuân Khánh (Hà Nội) cho biết:

“Hôm 16 tháng giêng vừa qua, tôi đến đền bằng xe ô tô 4 chỗ. Theo quy định, vé xe của tôi giá 30.000 đồng, nhưng người thu vé lại đưa cho tôi tấm vé ghi mức phí 50.000 đồng và yêu cầu tôi trả đủ số tiền trên. Khi tôi thắc mắc giá vé quá cao, không đúng quy định, ông ta còn bảo: gửi thì gửi mà không gửi thì thôi”.

Vé gửi xe do UBND xã Mỹ Phúc phát hành Ảnh Lê Tân

Và vé gửi xe giả tại đền Bảo Lộc

Theo anh Khánh, việc này khiến anh và nhiều người bức xúc vì ngay gần đó là tấm biển niêm yết giá trông giữ xe tại di tích theo quyết định của UBND tỉnh Nam Định, trong đó quy định rõ mức thu phí: xe đạp và xe đạp điện 2.000 đồng/lượt; xe máy 4.000 đồng/lượt; xe ô tô dưới 15 chỗ ngồi là 30.000 đồng/lượt; xe trên 15 chỗ đến 30 chỗ 40.000 đồng/lượt; xe trên 30 chỗ trở lên 50.000 đồng/lượt. Còn theo phản ánh của nhiều người đi xe máy, họ phải trả 10.000 – 20.000 đồng/lượt, cao hơn nhiều so với quy định.

Trao đổi về thông tin kể trên, ông Đặng Văn Mịch, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phúc, cho biết dịch vụ trông giữ xe tại đền Bảo Lộc được đấu thầu với giá sàn, được UBND huyện Mỹ Lộc quy định là 1,4 tỉ đồng/năm.

Mấy năm gần đây, ông Đào Hữu Khiêm, một người dân Bảo Lộc, là người trúng thầu. Trong hợp đồng giữa chính quyền xã và ông Khiêm cũng quy định rõ trách nhiệm của bên trúng thầu phải thu phí đúng với giá quy định. UBND xã Mỹ Phúc cũng chủ động in các loại vé đối với từng loại phương tiện để giao cho người trúng thầu.

Ông Đặng Văn Mịch, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phúc, thông tin với Thanh Niên

Khi được Thanh Niên cung cấp những chiếc vé xe giá cao hơn quy định mà người của ông Khiêm dùng để thu tiền khách gửi xe, ông Mịch tỏ ra bất ngờ và khẳng định đây là vé giả, không phải là vé do UBND xã phát hành. “Việc tự ý in và sử dụng vé này là sai quy định, không đúng với cam kết của bên trúng thầu”, ông Mịch nói.

“Chính quyền xã cũng đi kiểm tra, giám sát hoạt động trông giữ xe. Tuy nhiên, khi có người kiểm tra, họ sẽ xuất trình vé do xã in ấn, sau đó lại dùng vé tự in.

Trong khi đó, nhân lực của xã cũng quá mỏng, không phải lúc nào cũng theo dõi, giám sát hay bắt quả tang được”, ông Mịch nói và khẳng định sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc.

Thông tin với Thanh Niên, ông Lê Quang Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Lộc, xác nhận sai phạm của dịch vụ trông giữ xe tại đền Bảo Lộc đã diễn ra từ những năm trước.

“Năm nào chúng tôi cũng thành lập đoàn kiểm tra, thấy sai là phạt hành chính, có lần mức phạt lên đến hơn 20 triệu đồng. Nhưng để xử lý triệt để tình trạng này là khó vì họ biết rõ mặt cán bộ. Anh em đến là họ đổi sang vé thật nên khó bắt được quả tang”, ông Huy cho biết, đồng thời bày tỏ: “Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh các sai phạm của cả người trúng thầu lẫn chính quyền địa phương, nếu có. Qua đây, chúng tôi cũng xin được cáo lỗi nhân dân, du khách thập phương về việc này”.

Theo (thanhnien.vn)


TOP