Sáng 1-4, UBND huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Bằng công nhận của Thủ tướng Chính phủ vinh danh chùa Keo, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) là Di tích quốc gia đặc biệt.
Chùa Keo (tên chữ là Thần Quang tự), là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn gần như nguyên vẹn, với nét kiến trúc độc đáo hơn 400 năm tuổi. Tương truyền, nguyên thủy chùa do Thiền sư Không Lộ xây dựng ven sông Hồng từ năm 1061 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang tự, đến năm 1167 đổi thành Thần Quang tự.
Sau gần 500 năm tồn tại, năm 1611, nước sông Hồng lên làm ngập chùa. Một bộ phận cư dân dời sang phía nam sông Hồng lập thành làng Hành Thiện và xây dựng ngôi chùa Keo mới (gọi là Keo Hạ). Một bộ phận dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình, dựng chùa Keo (gọi là Keo Thượng).
Kiến trúc chùa Keo tỉnh Nam Định rất giống với chùa Keo tỉnh Thái Bình. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt, nước trong xanh. Không gian chùa là cả một khối kiến trúc cổ đồ sộ, trầm mặc với 13 tòa rộng gồm 121 gian nối tiếp nhau. Tuy không có gác chuông chồng diêm ba tầng 12 mái như chùa Keo Thái Bình, nhưng gác chuông chùa Keo Nam Định cũng là một sự kết hợp hài hòa của kiến trúc tam quan nội năm gian, làm theo kiểu chồng diêm, cao 7,50 m với dáng thanh thoát, bờ cánh kẻ bảy uốn lượn.
Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ từ thế kỷ 17 thời Hậu Lê rất giá trị. Đó là những án thư, sập thờ, tượng pháp, nhiều chuông, khánh, văn bia cổ, hoành phi, câu đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo.
Sự tồn tại của chùa Keo cùng với Chùa Diên Phúc, sau đổi tên là Viên Quang (xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường) và chùa Tháp Chương Sơn (xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) cho thấy dưới thời Lý, Nam Định là một trung tâm tôn giáo lớn của cả nước.
Hằng năm, Lễ hội chùa Keo tỉnh Nam Định diễn ra từ mồng 10 đến 16-9 âm lịch. Nét độc đáo tại đây làm môn đua thuyền gồm 10 người mà dân làng Hành Thiện gọi là “trải”, nhưng là bơi chải đứng giống như chèo đò diễn ra trên con sông bao quanh làng. Cuộc đua được tổ chức vào hai ngày 12 và 15-9 âm lịch. Song song là rước kiệu trong Lễ Phụng Nghinh, một nghi thức quan trọng nhất của lễ hội.
Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Nam Định trở thành Di tích quốc gia đặc biệt sẽ góp phần nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của ngôi chùa cổ ven sông Hồng. Chính quyền địa phương đã có ý tưởng kết nối Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo với Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh (cũng nằm trong làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng) trong hành trình tham quan, du lịch hướng về nguồn.
Nguồn: Nhandan.com.vn
- Những doanh nhân Nam Định trong bảng xếp hạng người giàu nhất Việt Nam
- Về Nam Định ăn gỏi cá…
- Cồn Vẽ, mảnh đất phất như cồn
- NGƯỜI LỚN LÀM CỖ LINH ĐÌNH HAI NGÀY ĐÊM ĐÓN TRUNG THU
- Hội Mở Xuân, nét đẹp văn hóa dân gian của người dân Nam Định
- Về làng hoa lớn nhất Tỉnh Nam Định
- Bánh cuốn làng Kênh Nam Định
- Nam Định: Con trai đòi bỏ học, mẹ giận gieo mình xuống sông tự tử
- Nam Định: Người dân đội mưa đi hội chợ Viềng
- Vụ nổ chết người với những đồn đoán ghen tuông tình ái
- Tiếp vụ chim Lạc bay chúc đầu ở Nam Định: Chưa có hướng giải quyết
- Những con diều mang tên Thành Nam
- Nhân viên ném hỏng đồ của khách, cả chi nhánh Viettel Post Nam Định bị đóng cửa
- Nam Định: Làng có nhiều cha, con cùng là giáo sư
- Khám phá Cầu Ngói Và Lễ hội Quần Anh xã Hải Anh – Hải Hậu – Nam Định
- Yên Tiến gìn giữ không gian văn hoá truyền thống
- Kỳ bí ngôi làng “hình cá chép” độc nhất Việt Nam
- Nam Định tập trung khôi phục sản xuất sau bão số 1
- Công an Nam Định thông tin về 2 người ‘thôi miên’ lừa đảo ở chợ
- Huyện Nam Trực, Nam Định: Dân kêu cứu vì xưởng nấu dầu thải gây ô nhiễm
- Giám đốc quê Nam Định cho vay nặng lãi bị bắt tạm giam
- Làng xưa Nam Định – P.2