Nam Định: Người dân tăng thu nhập, đời sống được cải thiện nhờ nông thôn mới

Nam Định: Người dân tăng thu nhập, đời sống được cải thiện nhờ nông thôn mới

Toàn tỉnh Nam Định có 169 xã (chiếm 81% tổng số xã) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), vượt chỉ tiêu Nghị quyết và Kế hoạch của UBND tỉnh đề ra. Đặc biệt, hai huyện là Nghĩa Hưng và Trực Ninh đã đạt đủ 9/9 Tiêu chí huyện NTM.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cũng như nhận được sự đồng lòng ủng hộ của người dân, Nam Định là một trong những “ngọn cờ đầu” trong phong trào xây dựng NTM của cả nước.

Nhờ đó, người dân đã được hưởng lợi trực tiếp từ chủ trương xây dựng NTM. Đó là cơ sở hạ tầng được cải thiện, điều kiện sống của người dân nông thôn không ngừng được nâng lên.

Đặc biệt, nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Cơ giới hóa để nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động.

Đến thăm những xã đạt chuẩn NTM của Nam Định hôm nay, dọc tuyến đường nông thôn liên xóm, liên xã không những thoáng, rộng, sạch, được rải nhựa, đổ bê tông từ nhà người dân ra đến tận đồng mà hai bên đường, những hàng cây xanh thẳng tắp, hoa được trồng ven đường tỏa ngát hương thơm….

Nông thôn ngày càng được hiện đại hóa nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp thành bình và yên ả!

Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá toàn diện. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản năm 2016 đạt 18.407 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2015.

Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản năm 2016 đạt 145,17 triệu đồng, tăng 15,72 triệu đồng so với năm 2015.

Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2017 tăng 2,4% với cùng kỳ năm 2016. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. chất lượng và hiệu quả.

Chăn nuôi phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh; đã hình thành được một số doanh nghiệp chăn nuôi áp dụng các công nghệ tiên tiến.

Nuôi trồng thủy sản chuyển dần từ quảng canh sang thâm canh, hình thành các vùng nuôi tập trung; khai thác thủy sản được duy trì và từng bước nâng cao năng lực khai thác xa bờ.

Những thảm hoa ven đường ở Nam Định được trồng rất đẹp.

Sản xuất công nghiệp – TTCN của tỉnh tiếp tục phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2016 tăng 9,2% so với năm 2015.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 43.230 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2015.

Ở các vùng nông thôn nhiều ngành nghề truyền thống và ngành nghề mới được phát triển với trên 52.000 hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 130.000 lao động nông thôn.

Toàn tỉnh hiện có 129 làng nghề nông thôn với 26.700 hộ sản xuất kinh doanh, 63.050 lao động, trong đó có 29 làng nghề truyền thống, 80 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Giá trị sản xuất làng nghề nông thôn năm 2016 tăng 11,2% so với năm 2015.

Nhiệm vụ đưa công nghiệp về nông thôn tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Đến nay trên địa bàn nông thôn có trên 2.900 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho trên 73.000 lao động.

Đặc biệt, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Đến nay tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%, khâu gieo cấy đạt 45%, khâu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đạt 55%. Các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nhất là về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao được các địa phương áp dụng triển khai trên diện rộng:

Các hoạt động phát triển kinh tế đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 35 triệu đồng/người năm 2015 lên 38 triệu đồng/người năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội giảm từ 3,8% năm 2015 xuống 2,57% năm 2016. Đến nay đã có 99% số xã đạt Tiêu chí thu nhập, tăng 24% so với năm 2015; 92% số xã đạt Tiêu chí hộ nghèo, tăng 29% so với năm 2015 và 100% số xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, tăng 6% so với năm 2015.

Ngành Giáo dục & Đào tạo đã chú trọng phát triển toàn diện cả quy mô và chất lượng đào tạo. Cơ sở vật chất trường học của các cấp học tiếp tục được đầu tư hoàn thiện theo chuẩn NTM; chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện ở các cấp học tiếp tục được nâng cao.

Các trạm y tế xã tiếp tục được đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị khám chữa bệnh; đội ngũ y bác sỹ tiếp tục được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn.

Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh được triển khai thường xuyên. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2016 đạt 74%. Đến nay có 86% số xã đạt Tiêu chí Y tế, tăng 12% so với năm 2015.

Đến nay, Nam Định có có 92% số xã đạt Tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, tăng 18% so với năm 2015. Đặc biệt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế – xã hội.

Được biết, tổng số vốn huy động để thực hiện Chương trình xây dựng NTM từ năm 2011 đến tháng 6/2017 tỉnh Nam Định đạt gần 14.930 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách 29%, vốn lồng ghép 5,2%, vốn tín dụng 27,6%, vốn doanh nghiệp 15,8%, vốn cộng đồng dân cư 17,9%, vốn khác 4,5%. Tổng số vốn tín dụng do các thành phần kinh tế, các hộ dân vay để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động,… đạt trên 44.400 tỷ đồng.

THeo VÂN KHÁNH( dân sinh)


TOP