Cơ chế hoạt động đơn giản nhưng hiệu quả, chiếc máy phun thuốc trừ sâu “đầu tay” đã giúp anh Trần Văn Phước, 35 tuổi ở thôn Quảng Phượng, xã Yên Lương, huyện Ý Yên, Nam Định bớt đi nhiều nặng nhọc trong việc chăm sóc lúa.
Quê Phước vốn là một làng nghề đục, người dân ai cũng theo nghề phụ nên ruộng đồng phần lớn bị bỏ hoang. Không muốn nhìn đồng đất hoang phí, Phước thuê lại của người dân để trồng lúa, vài vụ trước diện tích lúa nhà anh khoảng 13 mẫu, riêng vụ này lên đến 30 mẫu.
“Vì diện tích lúa quá lớn nên nếu không có máy móc hỗ trợ thì không sức nào kham nổi. Mấy vụ trước, chỉ riêng việc đeo bình đi phun thuốc bảo vệ thực vật cũng khiến tôi không còn sức để thở dù đã phải thuê thêm người làm. Đó là chưa kể việc dùng bình đeo vai ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vì phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu ở khoảng cách rất gần”, anh Phước nói.Từ thực tế này, Phước luôn trăn trở phải làm sao sáng chế được chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật để giảm bớt gánh nặng cho người trồng lúa. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng Phước bắt tay vào làm dựa trên vốn nghề cơ khí đã có sẵn trong tay.
Sau khi mày mò, tìm hiểu trên mạng, Phước đặt mua các loại động cơ và bắt đầu quá trình nghiên cứu, lắp ráp từ đầu năm 2018. Mất vài tháng tháo ra lắp vào, cuối cùng chiếc máy cũng hoàn chỉnh, được Phước đưa ra đồng chạy thử nghiệm ngay trong vụ lúa này.Phước giới thiệu, dàn máy phun có 4 bộ phận chính, gồm 1 đầu máy nổ động cơ diezen nối với một đầu bơm áp lực, một cuộn dây dài dẫn thuốc được nối với đầu bơm áp lực và một thùng phuy chứa nước để pha thuốc bảo vệ thực vật.
Nhìn dàn máy của Phước có vẻ đơn sơ nhưng hiệu quả mang lại khá lớn, nó giúp công việc phun thuốc trừ sâu vốn nặng nhọc, vất vả và nguy hiểm đến sức khỏe con người trở nên nhẹ nhàng, đơn giản hơn.Theo đó, Phước chỉ cần pha thuốc theo đúng liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất với nước trong thùng phuy (120 lít), sau đó khởi động động cơ diezen để chạy bơm áp lực, dây phun được nối dài hàng trăm mét, gắn với cần phun dài 4 mét giúp người phun có thể đứng một chỗ nhưng vẫn đưa thuốc đến một diện tích rộng mà không cần phải vác bình thuốc trên vai bơm theo hàng lúa như trước.
“Với chiếc máy này, tôi chỉ mất 4 phút là quét xong một sào lúa, trong khi ngày trước dùng bình bơm đeo vai phải mất cả tiếng đồng hồ. Một ngày, máy có thể phun được cả chục mẫu ruộng”, Phước cho biết.
Bên cạnh đó, do máy chạy bằng dầu diezen nên rất tiết kiệm nhiên liệu, trong 10 giờ đồng hồ nhưng chỉ tiêu tốn hết 3 lít dầu, so với động cơ chạy xăng thì chi phí giảm đi đáng kể.
Cuộn dây được Phước thiết kế thành lô quay bằng tay nên rất dễ sử dụng và thu gọn lại, dây phun dài cả trăm mét nên có thể bao quát diện tích ruộng lớn. Việc lấy nước vào thùng phuy để pha thuốc cũng sử dụng dây hút chứ không phải sử dụng sức người.
“Nhưng điều quan trọng nhất là, nhờ chiếc máy này, sức khỏe của người sử dụng cũng đỡ bị ảnh hưởng hơn. Thứ nhất, không phải đeo bình thuốc nặng cả chục kilogam trên vai đi khắp ruộng, không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc trong khoảng cách gần. Thứ hai là cần phun dài tới 4 mét nên sức ảnh hưởng của thuốc giảm đáng kể”, Phước nói.
Hiệu quả là vậy nhưng chi phí để làm nên chiếc máy này khá phải chăng, “tất cả chi phí nguyên liệu, động cơ cho đến khi hình thành cái máy là 11 triệu đồng”, Phước tiết lộ.
Ngay khi chiếc máy ra mắt, người dân xã Yên Lương đã trầm trồ khen ngợi bởi họ đã nhìn thấy những lợi ích mà nó mang lại với việc nông gia.
Có trong tay nghề cơ khí, sửa chữa, lắp các loại máy nông nghiệp như máy gặt, máy cấy nhưng vợ chồng Phước vẫn đầu tư làm tới 30 mẫu ruộng với lý do, lợi nhuận ít nhưng bền.“Nhiều người bảo vợ chồng tôi hâm khi ôm cả đống ruộng người ta bỏ hoang nhưng tôi có cái lý của mình. Nếu so thu nhập cả năm của người trồng lúa với lương công nhân thì có thể không bằng mà công việc lại vất vả nhưng mọi người không nghĩ, làm nông chỉ bận theo thời vụ, còn thời gian khác mình vẫn có thể làm những việc khác để có thu nhập. Lại có máy móc hỗ trợ nên công việc cũng nhàn hơn rất nhiều”, Phước nói.
Với 30 mẫu lúa, mỗi năm gia đình Phước có thu khoảng 80 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí), giống lúa chủ đạo anh gieo trồng là Bắc thơm nên không bao giờ phải lo thị trường tiêu thụ.
“Làm nông nếu có diện tích đủ lớn thì thu nhập không hề thấp, điều quan trọng là phải áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, giảm giá thành thì lợi nhuận mới tăng”, Phước khẳng định.
Hiện, chiếc máy phun thuốc trừ sâu đầu tay của Phước đang “làm mưa làm gió” ở khắp các cánh đồng xã Yên Lương.
Theo (Dân Việt)
- Lời chia sẻ của cô gái có ngoại hình “gây ồn ào” nhất những ngày qua trên mạng xã hội
- Đại chiến bóng nước” chống lại lũ bạn cùng khối 12 THPT GIAO THỦY B Trong ngày cuối cấp 2018
- Đón Bình Minh Trên Biển Vắng Bên Nhà Thờ Trái Tim
- Chả cá Hùng Vương – ‘thương hiệu vàng’ của đất Thành Nam
- Làng nghề truyền thống đẹp như thơ, như họa tại Nam Định
- Nam Trực: Cây quất ‘khổng lồ’
- Ngỡ ngàng những con đường hoa rực rỡ làng quê Nam Định
- NSND Nguyễn Quang Vinh được bổ nhiệm quyền Cục trưởng cục Nghệ thuật biểu diễn
- Thị trấn Quất Lâm tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn đô thị loại IV
- Cứu nạn thành công 6 ngư dân Nam Định gặp nạn trên biển
- Tạm giữ hình sự đối tượng đập phá, hành hung chủ xe ô tô
- Người dân Nam Định xót xa nhìn ngôi nhà thờ cổ 130 tuổi bị cháy rụi trong đêm
- Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh tăng cường, Hà Nội ban đêm và sáng sớm chỉ còn 15 độ C
- Thịt chó Cầu Vòi và những thương hiệu thịt chó đất Bắc mềm lòng dân nhậu
- Giá heo hơi hôm nay (19/11): Biến động mạnh trong cả tuần qua
- Vụ Bản: Chuyện lạ về ngôi miếu “biết” ngụy trang đánh giặc
- Nam Định: Đứng chờ đèn đỏ bị xe đầu kéo đâm tử vong
- Toàn Cảnh Quê Hương Nam Định
- Vụ cột điện 220KV làm bằng Bêtông trộn… đất: Nhà thầu tự đào móng công trình, lấy mẫu xét nghiệm
- Nam Định ơi kiên cường lên
- Tìm hiểu làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên Nam Định
- Đại biểu Quốc hội: Nhiều đàn ông bị vợ đánh, hắt hủi