Phủ Thiên Trường xưa thuộc trấn Sơn Nam hạ là nơi phát tích của vương triều Trần, với địa thế chiến lược trong công cuộc giữ nước, dựng nước suốt hai thế kỷ 13, 14. Những thành tựu được phát hiện, nghiên cứu có quy mô lớn trong những năm qua trên các lĩnh vực khảo cổ, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật là những căn cứ khoa học để khẳng định: Hành cung Thiên Trường là trung tâm chính trị, kinh tế, phật giáo, văn hoá và giáo dục lớn xứng với vị thế là kinh đô thứ 2 của nhà Trần sau Thăng Long. Hành trình “Theo dấu người xưa” – với “thế đứng” của một tỉnh giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, cách mạng chính là nội lực to lớn để Đảng bộ, quân và dân Nam Định vững tiến, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới.
Thiên Trường xưa, Nam Định nay(!) Trải qua hơn 700 năm “xây móng” với biết bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, phong cách văn hoá và truyền thống văn hiến của đất và người Nam Định có “cá tính” từ mạch nguồn văn hoá riêng, khó trộn lẫn. Là quê hương – nơi phát tích của vương triều Trần, với hào khí Đông A đã tạo nên văn minh Đại Việt rực rỡ đạt đến đỉnh cao về “võ công, văn trị” gắn liền với tên tuổi các Anh hùng dân tộc như Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật. Dấu tích về một vương triều vàng son, được coi như kinh đô thứ 2 sau kinh thành Thăng Long với “Tức Mặc hành đô cảnh lạ lùng. Dân vui đời thịnh lại thuần phong” còn lưu lại đến nay như cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Trùng Hoa, Trùng Quang, Đền Trần, Chùa tháp Phổ Minh… minh chứng một giai đoạn lịch sử anh hùng trên quê hương Nam Định.
Nghiên cứu di sản văn hoá Trần ở Việt Nam, các nhà khoa học ngành xã hội và nhân văn khẳng định, không nơi đâu lại phong phú và đậm dấu ấn như vùng đất Thiên Trường. Khác với kinh đô Thăng Long, trải qua biến cố lịch sử, dấu vết kinh đô khó xác định, thì ngược lại, các nhà khoa học đã phát hiện khối lượng di vật phong phú đa dạng tại các địa danh vùng đất Tức Mặc. Từ những năm 60, 70 của thế kỷ 20, trong khi canh tác, người dân địa phương đã phát hiện nhiều di vật thời Trần dưới lòng đất như: giếng cổ được tạo bởi 152 chiếc bao nung ở sau chùa Phổ Minh; những sản phẩm gốm hoa nâu, ngói, đầu rồng, sành sứ. Các nhà khoa học đã “khoanh vùng” sự chú ý vào các di chỉ, di tịch thời Trần tiêu biểu vào 4 xã, phường phía bắc thành phố Nam Định là Lộc Vượng, Lộc Hạ, Mỹ Trung, Mỹ Phúc. Qua các đợt khai quật, đã phát hiện 6 mảnh gốm có chữ “Thiên Trường phủ chế” cho phép suy đoán có thể quanh Phủ Thiên Trường chính là nơi “xuất phát điểm” của gốm hoa nâu; đồng thời là nơi sản xuất gốm cao cấp cùng với gốm Thăng Long – Hà Nội, Tam Thọ, Thanh Hoá. Đặc biệt trong thời gian qua, Sở VH-TT-DL phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát khai quật khu vực các di tích Hậu Bồi, Vạn Khoảnh, Lựu Phố, Đệ Tam Tây và khu vực cánh đồng giữa chùa Phổ Minh và đền Trần với tổng diện tích 2.100m2. Kết quả đã phát hiện hàng vạn di vật có niên đại và tầng văn hoá kéo dài từ thế kỷ 13-19, như gạch lát nền hình vuông có chữ “Vĩnh Ninh Tường”, các loại ngói mũi lá, ngói mũi sen kép, ngói cong; dấu tích các bờ kè đá, nền sân, nền gạch; xuất lộ dấu tích kiến trúc mới như dải hoa chanh, các ô vuông bát giác dạng bồn hoa, các móng trụ… bước đầu nhận diện về kiến trúc cung Trùng Hoa của các vua Trần. Với hiện trạng nói trên, các di vật vừa được phát hiện có ý nghĩa khoa học rất lớn. Đó là “khám phá” về một mặt bằng kiến trúc hiếm, có niên đại chuẩn của thời Trần (thế kỷ 13, 14). Mặt khác, đối chiếu với các văn tự Hán Nôm và các thư tịch cho thấy, các dấu tích kiến trúc ở đây vừa có sự tương đồng với kiến trúc Trần ở Thăng Long – Hà Nội như Đại La, Lý, Lê thuộc khu vực Cấm Thành. Ngay từ năm 1239, Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của triều Trần đã cho xây dựng ở đây nhiều đền đài, cung điện nguy nga tráng lệ. Từ đây về sau các vua nhường ngôi đều ngự ở cung này. Bao bọc các cung điện là dinh thự, thái ấp của các tướng lĩnh cao cấp trong triều: Thái ấp Quắc Hương của Thượng phụ Thái Sư Trần Thủ Độ, thái ấp Cao Đài của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải… Trong suốt 175 năm trị vì, Phủ Thiên Trường được coi như kinh đô thứ 2, là phên dậu vững chắc phía Nam kinh thành Thăng Long. Bên cạnh đó, dấu tích còn lưu lại đến nay qua hệ thống di sản văn hoá phong phú, đa dạng với những ngọc phả, gia phả, thần tích ghi lại những hoạt động dựng nước và giữ nước.
Thiên Trường xưa, Nam Định nay(!) Dưới thời Trần, Thiên Trường trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, phật giáo, văn hoá và giáo dục lớn thứ 2 sau kinh thành Thăng Long. Về thể chế chính trị và hành chính, điều khác biệt với nhà Lý, nhà Trần áp dụng chế độ Thái thượng hoàng, không chỉ coi Thiên Trường là quê hương, là nơi miếu mạo dòng họ, mà còn là nơi nghỉ ngơi, làm việc, điều hành đất nước của Thái thượng hoàng. Do đó, từ khi xây dựng thành cung điện phủ đệ, Thiên Trường đã trở thành nơi ở của Thái thượng hoàng, ít nhất là 8 đời vua đầu vương triều Trần (từ vua Trần Thái Tông đến vua Trần Nghệ Tông); là nơi họp chầu, quyết định những sự việc trọng yếu của vua tôi nhà Trần để điều hành mọi việc nội trị, ngoại giao của Đại Việt.
Trên lĩnh vực kinh tế, vùng đất Thiên Trường từ thời Lý đã nổi danh là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, sang thời Trần, nông nghiệp lúa nước, đặc biệt là nền kinh tế điền trang, thái ấp của nhà Trần phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ nhất trong lịch sử chế độ nhà nước phong kiến Việt Nam. Theo các nhà khoa học, thời Trần có 12 thái ấp và 13 điền trang thì có tới 5 thái ấp và 8 điền trang trải dọc trục đường thuỷ, xung quang khu vực Thăng Long – Thiên Trường cho thấy sự thịnh vượng của nền kinh tế nông nghiệp cũng như vị thế địa – chính trị quan trọng của hành cung Thiên Trường. Bên cạnh đó, Thiên Trường còn là vùng đất sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề như đồ gốm sứ, rèn sắt, đúc đồng. Tiêu biểu như hàng nghìn mảnh gốm, gạch ngói đất nung được phát hiện, trong đó có đồ gốm được ghi rõ “Vĩnh Ninh Tường” và “Thiên Trường phủ chế” chứng tỏ vùng đất này là trung tâm sản xuất, thương nghiệp.
Không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, với vị thế đặc biệt quan trọng, Thiên Trường còn là “phên dậu” vừa là phòng tuyến kiên cố vừa là hậu phương trọng yếu của Thăng Long trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Trong 3 lần đại thắng quân Nguyên – Mông, trước sức mạnh của đế quốc Mông Cổ, quân dân nhà Trần đều rút lui chiến lược về Thiên Trường, sau đó, bày kế bài binh, phản công chiến lược đánh bại kẻ thù. Từ Thiên Trường có thể bằng đường thuỷ Vĩnh Giang qua sông Hồng lên Thăng Long; hay từ sông Vĩnh qua sông Vị Hoàng vào sông Đáy để đến căn cứ Trường Yên (Ninh Bình). Các sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử lược” ghi chép rất nhiều về các trận đánh của nhà Trần trên khu vực sông Hồng từ Nam Thăng Long xuống Thiên Trường. Trong đó, Thiên Trường cũng là một địa điểm chiến trường ác liệt, vừa là đầu não vừa là hậu cứ của cuộc kháng chiến, đồng thời là nơi huy động sức người sức của hỗ trợ cho chiến trường cả nước.
Thiên Trường xưa, Nam Định nay(!) là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” nổi tiếng là quê hương có truyền thống hiếu học, khoa bảng. Trong 187 khoa thi dưới các triều đại phong kiến, Nam Định có 87 đại khoa, 11 trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Nhiều bậc hiển nho tài đức là người con quê hương Nam Định đã nổi danh, đóng góp cho đất nước trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược, xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử mãi rạng danh cùng non sông nước Việt như: Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải (thời Lý); Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích (thời Trần); Lương Thế Vinh, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo (thời Lê); tiếp nối có Trần Bích San, Phạm Văn Nghị, Trần Tế Xương, Trần Huy Liệu, Sóng Hồng, Văn Cao, Nguyễn Bính. Sang thế kỷ XX, nhiều người con ưu tú của Nam Định phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng đã trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất, giữ chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước như: Trần Văn Lan, Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Vũ Văn Hiếu, Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, Song Hào, Nguyễn Văn An.
Thiên Trường xưa – Nam Định nay(!) là vùng quê giàu trầm tích di sản văn hoá với 1.655 di tích, trong đó nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử văn hoá và kiến trúc gắn với lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế: Quần thể di tích Văn hoá Trần; Quần thể di tích Phủ Dày, Nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh; chùa Cổ Lễ; chùa Keo Hành Thiện… Bên cạnh các di tích lịch sử văn hoá vật thể, Nam Định còn có hệ thống di sản văn hoá phi vật thể với hơn 100 lễ hội diễn ra vào hai mùa chính là lễ hội xuân và lễ hội thu. Hội chợ Viềng xuân Vụ Bản, chợ Viềng xuân Nam Giang (Nam Trực) khai hội vào mùng Tám tháng Giêng hàng năm mang tính độc đáo với những nét tín ngưỡng tâm linh cầu may. Trong lễ hội Phủ Dày, lễ hội Trần, Lễ Khai ấn đầu xuân, ngoài phần lễ, du khách được mục sở thị các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian dân vũ như: hoa trượng hội, hát chầu văn, hát giao duyên, múa rồng, thả đèn trời, tổ tôm điếm, chọi gà, đấu vật mang đậm dấu ấn vùng văn minh lúa nước khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh những nguồn lực văn hoá vật thể, tỉnh ta cũng là cái nôi của các loại hình dân ca, dân vũ phong phú, nguyên thể như chầu văn, ca trù, chèo, múa rối nước, múa bài bông…
Nam Định là “đất trăm nghề” với gần 100 làng nghề, trong đó có hơn 50 làng nghề truyền thống lâu đời, nổi tiếng trong khu vực và cả nước như: làng trồng hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá; làng rèn Vân Chàng, Nam Giang (Nam Trực); làng dệt Phương Định, Cổ Trữ, ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh); sơn mài Cát Đằng, chạm khắc La Xuyên, đúc đồng Tống Xá (Ý Yên); mây tre đan Vĩnh Hào (Vụ Bản)… Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mỗi làng nghề truyền thống ở Nam Định không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống dân sinh, mà là những sản phẩm có tính văn hoá mang ý nghĩa bản sắc văn hoá bản địa độc đáo, đa dạng; là kết quả từ quá trình lao động, sáng tạo từ bàn tay, khối óc mang đậm dấu ấn tinh hoa và môi trường văn hoá của đất và người Nam Định từ bao đời nay.
Thiên Trường xưa, Nam Định nay(!) Nhịp sống mới trên nền truyền thống, phát huy truyền thống văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương, Đảng bộ, quân và dân Nam Định nguyện chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội để tạo nên bức tranh xuân 2011, hướng tới kỷ niệm 81 năm thành lập Đảng, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI… bằng chính nội lực sức lực và trí tuệ thanh xuân của đất và người Thiên Trường xưa – Nam Định nay.
Lê Việt Thắng – Baonamdinh
- Đến nhà người yêu chơi, ‘tiểu thư nông thôn’ bị cả huyện người soi mói chuyện ăn cơm bằng thìa, rửa bát dùng găng tay
- Giới thiệu về nhà thờ Giáo Xứ Đền Thánh Trung Lao
- Nhà thờ Giáo xứ Lã Điền – Nam Trực Nam Định
- Vẻ Đẹp Yên Bình Trên Vùng Biển Nam Định
- Nghề làm bún của làng Phong Lộc Tây
- Êm đềm làng tơ cổ đất Thành Nam
- Tự hào Nam Định quê hương
- Giữ người trái pháp luật để đòi nợ
- Nhà Thờ Đổ Nam Định Qua Flycam
- Nam Trực: Rợn người ô nhiễm làng nghề tái chế nhôm, ruồi, muỗi sinh sôi nảy nở
- Nam Định: Đâm vào xe ba gác chở luồng, người đàn ông tử vong thương tâm
- Lịch cắt điện ở Nam Định từ 28/7 đến 31/7
- CSGT chặn nhóm người nghi dùng ôtô bắt giữ thanh niên quê Nam Định
- “Nghịch tử” ngáo đá sát hại bố mẹ: Vợ con may mắn thoát nạn
- Nam Định: Xe tải mất lái tông vào xe đầu kéo, 1 người tử vong
- Lịch cắt điện ở Nam Định từ 13/8 đến 18/8
- Sát hại “máy bay” rồi nhét xuống cống thoát nước
- Nam Định: Nữ sinh lớp 6 mất tích bí ẩn sau khi đi học
- Lễ Khai Trương Phòng Khám Sản Phụ Khoa Tâm An Nam Định
- Đại sứ Mỹ đội nắng, lội ruộng cùng nông dân Nam Định
- Xe khách lật xuống ruộng, 12 người thương vong
- Nam Định: Người dân vẫn ‘đùa’ với điện