“Đọc thơ Tú Xương ăn chuối ngự”, đó là câu truyền ngôn tự hào của người dân thành Nam về quê hương mình. Nam Định có Tú xương, ông tổ của thơ ca trào phúng việt Nam, có phủ Dầy, nơi thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng trần và có cả chuối ngự – món quà tiến vua khi xưa.
Chuối ngự là một trong những đặc sản của vùng đất Nam Định thời xa xưa. Theo sử sách còn ghi thời vua Trần, từ phủ Thiên Trường đến ngoài thành Nam Định, nhiều vùng là quê hương, thái ấp của vua quan nhà Trần. Các vua quan Trần đánh giặc giỏi, trị thủy tài, lại thương dân như con. Cảm kích trước công lao to lớn đó, dân làng thành Nam đã trồng nên một loại sản vật quý để dâng vua đó là: chuối ngự
Chuối ngự là sản vật quý của trời đất, là kết tinh tình yêu của dân chúng đến vua Trần khi xưa. Nếu các sản vật khác khi dâng vua thường gọi là “tiến” như vải tiến (Thanh Hà, Hải Dương), nhãn tiến (Hưng Yên), chim tiến (Sâm cầm, Hồ Tây, Hà Nội), mắm tiến (Thái Bình) thì chỉ có riêng chuối được gọi là chuối ngự như là lời cảm kích trước tấm lòng của dân chúng Nam Định.
Với tên gọi sang trọng này chuối ngự đã ngang với ngự bào (áo vua mặc), ngự mã (xe vua đi), ngự thiện (đồ vua ăn). Phải chăng, vì Nam Định vốn quê hương của các vua Trần nên các đồ ăn thức uống cũng như các sản vật của vùng đất này luôn là món quà đầy ỹ nghĩa với các vua.
Chuối Ngự Nam Định, quả rất nhỏ, khi chín có màu vàng ướm như tơ tằm, mùi thơm ngát, vị ngọt thanh. Không chỉ đẹp về màu sắc, chuối ngự còn được trời cho về dáng nữa. Trong các chuối thì dáng chuối ngự đẹp nhất, từ buồng, đến nải lẫn quả. Với dáng hình thon thả, lá xanh màu ngọc bích, hoa đỏ rực như lửa, quả vàng như tơ tăm, chuối ngự như một nàng thiếu nữ dụi dàng trong nắng mai, vươn đôi tay mềm mại kéo sợi chỉ vàng dệt vải cho quê hương.
Ngày nay, cứ mỗi độ xuân về, chợ Rồng lại óng ánh sắc vàng của những nải chuối ngự, làm đắm say bao người. Chuối ngự đã trở thành một loại quả đặc sản mà ai cũng muốn có để mang về làm quà cho người thân, là vật không thể thiếu trên mâm ngũ quả của mỗi gia đình khi tết đến xuân sang.
Chuối ngự đã đi vào tâm linh của người dân Nam Định, là thứ quả thiêng để dâng lên các bậc tổ tiên, thần thánh, là nỗi nhớ, niềm thương, sự ngưỡng vọng của lớp lớp người thành Nam về những vị vua linh thiêng của người Việt. Và dù thời gian có phủ mờ bao lóp bụi nhưng chuối ngự mãi là một trong những món quà quý mà trời đất đã ban cho người Nam Định, là cái hồn quê, là nỗi nhớ mênh mang của người dân Thành Nam mỗi khi xa quê, để rồi khi hương chuối thơm phản phất trong gió thoảng cũng là lúc tâm hồn người lữ khách ngồi buồn thơ thẩn nhớ cố hương.
Tiếp :
Chuối ngự: Món quà trời đất đặc biệt
Xem ra cái tên chuối ngự này sang hơn các loại tiến vua khác. Ví dụ: Các thứ tiến vua đều được gọi là tiến, duy có chuối thì được gọi là chuối ngự: Vải tiến (Thanh Hà, Hải Dương), Nhãn tiến (Hưng Yên), Mắm tiến (Thái Bình), Chim tiến (sâm cầm Hồ Tây, Hà Nội)…
Riêng chuối tiến thì được gọi là chuối ngự, nghĩa là ngang với giường ngự, ngự bảo (đồ quý của vua), ngự viên (vườn vua), ngự mã (ngựa của vua) vv… Giống chuối ngự này được kết tinh từ tinh tuý trời và đất Thành Nam nên không người con nào nơi quê hương Nam Định lại không nhớ nó đến khi xa nhà.
Chuối ngự có màu vàng óng mượt, chỉ nhìn đã thấy mê. Chuối ngự còn được trời cho về dáng nữa. Trong các dáng chuối thì dáng chuối ngự là đẹp nhất, từ buồng, từ nải lẫn tới quả… Hai loại chuối thường biết đến thì có chuối tây và chuối tiêu.
Dáng chuối tiêu cũng đẹp, cây thấp hơn cây chuối tây, lá xanh đậm mà đầy hơn, buồng cũng mập và dài hơn, nhưng xem ra vẫn còn rậm rạp lắm.
Chuối tây buồng nhìn dáng cứng, nải cũng thế mà màu vàng của vỏ thì vàng nhạt… cái màu vàng chuối chín của chuối tiêu cũng đã đẹp nhưng đâu có được màu vàng óng như tơ của chuối ngự. Chuối tiêu chỉ đẹp khi có màu trứng cuốc, nghĩa là điểm những đốm đen trên nền màu vàng. Thế thì cái màu vàng của chuối tiêu chỉ khi nào có điểm hoa lên mới đẹp mà thôi.
Cái đẹp của chuối ngự còn ở cây, ở lá, ở nải, ở buồng. Cây thon thả lá màu xanh của ngọc bích, nhất là lá chuối non lại càng đẹp. Cây chuối ngự có thể chọn làm một loại cây cảnh được, Buồng chuối cũng xinh xắn vừa phải, rồi đến quả, đến nải cũng giữ mãi cái dáng “xinh xinh” ấy…
Tôi còn giữ mãi cái kỷ niệm thời bé, khi đầu hè sang, mẹ tôi mua nải chuối ngự về thắp hương. Trời ơi, sao buồng chuối lại xinh đến thế. Để trong lòng đĩa con phượng, một loại đĩa phù hợp với nải chuối, mẹ tôi đặt lên cây hương ngoài sân. Đó là một chiều rằm, nắng còn rớt lại chút xíu trên bờ tường. Cái màu nắng chiều cũng đẹp, nhưng khi nhìn thấy màu chang chói của chuối, thì nắng cũng biết phận mình mà lụi mất. Chao ơi, cái nắng đầu thu mà còn “vía dài” cái màu vàng của chuối. Cả một chòm sân có màu ánh vàng và một giải khói hương.
Mẹ tôi khấn trời đất, Thánh Mẫu, với tấm lòng thành và với món quà quý của Trời Đất mà người thành tâm dâng lên những đấng linh thiêng… Nải chuối ngự rời khỏi cây, với cái dáng hồn nhiên mà trang trọng. Cái màu vàng được tôn lên ngang trời, chang chói giữa một cây hương rêu phủ.
Và đêm xuống, những đốm nhang đỏ đã rõ thêm… Dáng quả dâng mờ đi, nhưng tôi vẫn như thấy cái màu vàng ấy đã hòa màu trời đêm mùa thu, và nó được đón nhận như màu vương giả. Và các đấng Linh Thiêng đã đón nhận…
Rồi vật dâng lên Trời cũng được hạ xuống. Lúc ấy mâm cơm dọn ở giữa sân cũng vừa được thưởng thức đến tàn. Tôi nhớ, bữa cơm đầu thu, mẹ tôi thường nấu món canh cải gừng nấu với thịt cá quả nướng. Thức ăn thêm là đĩa cá rô bồi chấu cũng khá đậm đà…!
Và sau đó cả nhà tráng miệng mỗi người một quả chuối ngự.
Tôi háu ăn, cắn ngay một miếng, dễ chừng đến nửa quả. Nhưng tôi đã khựng lại, không dám nuốt vội… Chao ơi, cái vị chuối trong miệng mình mới kỳ lạ làm sao. Nó thơm nhẹ nhàng, như một lời nhắn cho kẻ thô lỗ cũng không thể nuốt vội nuốt vàng nổi. Một vị ngọt nhẹ nhưng không phải đậm đà đang lan trong lưỡi. Trong vị ngọt có cái phảng phất mùi thơm, vị ngọt của mật ong… Đến miếng chuối sau, tôi ăn chậm hơn để nhận ra cái vẻ ngự của chuối, ẩn sau cái dáng thon của quả, của cái màu vỏ, vàng như tơ óng…
Cha tôi vẫn cầm quả chuối trong tay. Hình như người ngắm nó. Một chút thôi để nhớ về một điều gì khác.
Sau đó, người mới nhẹ nhàng bóc vỏ, nhìn một lần đến cái ruột chuối bên trong; bấy giờ mới thong thả ăn miếng đầu tiên. Người ngồi im lặng đến ngạc nhiên trong bữa cơm ngày thường…
Từ những năm tháng ấy, nên khi ăn chuối Ngự, sau này tôi vẫn thấy như xấu hổ, khi mình đã như một kẻ “thực bất tri kì vị” khi thưởng thức một món quà trời đất đặc biệt.
Vũ Phương – Tintucnamdinh.vn tổng hợp
- Cháo sườn, quẩy giòn đúng vị Thành Nam
- Nam Trực: Làng nghề khăn xếp độc nhất vào vụ Tết
- “Trái ngọt” song sinh của bà mẹ Nam Định 5 năm 3 lần mất con
- Bún chả Nam Định
- Múa rối Đầu Gỗ – Nét văn hoá đặc sắc trong lễ hội chùa Đại Bi
- Nữ sinh FPT được mệnh danh ‘bông hồng có gai’ trên sàn đấu Vovinam
- Trực Ninh: Nét độc đáo của cây cầu Mái Lá độc nhất vô nhị ở Việt Nam
- Gạo tám Hải Hậu Nam Định
- Thâm nhập “thủ phủ” xe tự chế Nam Định
- Xác định nguyên nhân vụ cháy nhà thờ cổ gần 130 năm tuổi ở Nam Định
- Huyện Ý Yên, Nam Định: Bờ sông Sắt đang bị lấn chiếm nghiêm trọng
- Bùi Chu: Cập nhật ngày hội ngộ 1400 tay kèn
- Quay lén phụ nữ trong nhà vệ sinh, gã ‘biến thái’ bị phạt 200 nghìn đồng
- Học sinh trường THPT Lê Hồng Phong Nam Định giành suất sang Mỹ thi chung kết MOSWC 2017
- Cứu sáu ngư dân Nam Định gặp nạn trên biển
- Bún Giả Cầy Nam Định
- Tử hình tất cả các đối tượng trong vụ án hơn 20 kilogam ma túy
- Đền Thánh Báo Đáp – Giáo Phận Bùi Chu
- Yên bình xứ đạo Hải Hậu bên bờ biển
- Đền Đồng Quỹ Nam Trực Nam Định
- “Nghịch tử” ngáo đá sát hại bố mẹ: Vợ con may mắn thoát nạn
- Cưỡng không nổi với 8 đặc sản nức tiếng Nam Định