Agribank chi nhánh Nam Định: Cùng tổ vay vốn làm giàu

Agribank chi nhánh Nam Định: Cùng tổ vay vốn làm giàu

Mô hình tổ vay vốn đã chứng minh tính hiệu quả và dần trở thành hướng đi dài hạn của nhiều chi nhánh trên khắp toàn quốc, đặc biệt là tại địa bàn nông thôn

Phụ trách tổ vay vốn lớn nhất ở xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã gần 20 năm nay, anh Lê Xuân Trường không chỉ bền bỉ làm giàu cho bản thân, mà còn giúp cho hàng trăm hộ dân trong xã phất lên từ đồng vốn vay của Agribank. Tới Nam Định một ngày đầu xuân này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh mua bán tấp nập tại cửa hàng đại lý thuộc loại lớn nhất nhì trong huyện của gia đình anh Trường và hiểu hơn về vai trò của tổ vay vốn như là “cánh tay nối dài” của Agribank trên địa bàn Nam Định.

Mô hình tổ vay vốn đã chứng minh tính hiệu quả và dần trở thành hướng đi dài hạn của nhiều chi nhánh trên khắp toàn quốc, đặc biệt là tại địa bàn nông thôn

Người “đóng nhiều vai”

Khởi nghiệp từ năm 1992 với cửa hàng tạp hoá nhỏ, anh Lê Xuân Trường khi đó có lẽ không thể ngờ sẽ có ngày mình mở rộng quy mô cửa hàng rộng hàng trăm mét vuông như ngày hôm nay. Anh nhớ lại, trước đây để tiếp cận được vốn ngân hàng là rất khó khăn. Vì vậy hai vợ chồng anh chỉ có thể dựa vào số vốn ít ỏi của bản thân và vay mượn họ hàng, cần mẫn buôn bán và tích cóp để có được số vốn nho nhỏ.

Cơ hội đến với vợ chồng anh cách đây hơn 10 năm, với món vay đầu tiên từ Agribank chi nhánh Ý Yên trị giá 60 triệu đồng, anh Trường bắt đầu tìm kiếm thêm nguồn hàng, mở rộng kinh doanh. Qua thời gian, món vay dần mở rộng lên đến 300 triệu đồng, sau đó là 500-600 triệu đồng. Cùng với đó, quy mô cửa hàng cũng lớn dần lên. Vừa qua, Agribank đã phê duyệt hạn mức vay cho gia đình anh lên 1,5 tỷ đồng. Ngoài cung cấp hàng hoá cho người dân trong xã Yên Bằng, nhiều đại lý bán lẻ ở các xã xung quanh như Yên Khang, Yên Phong cũng đến lấy hàng ở đây.

Tuy nhiên, anh Trường còn hào hứng hơn khi chia sẻ về công việc là tổ trưởng tổ vay vốn mà hiện nay đang phụ trách. “Bán hàng bận như con mọn, lại thêm vai tổ trưởng tổ vay vốn nên mình luôn phải cố gắng, con người mình phải hoạt bát lên. Năm vừa rồi mới thôi chức Trưởng thôn nên việc cũng đỡ, chứ trước đó ngày nào cũng có việc”, anh sôi nổi kể.

Phụ trách tổ vay vốn từ tháng 3/2001, tới nay tổ vay vốn của anh Lê Xuân Trường luôn duy trì khoảng 70-80 thành viên, dư nợ khoảng 34 tỷ đồng với hơn 100 món vay. Trong số đó, dư nợ vay của hộ kinh doanh lâm sản, buôn bán lớn có thể tới 2-3 tỷ đồng. Anh Trường chia sẻ, ở địa bàn nông thôn, mỗi cán bộ NH phải phụ trách 1-2 xã thì không thể nắm bắt xuể tình hình thực tế ở cơ sở. Vì vậy, đã từ lâu hệ thống tổ vay vốn chính là kênh chủ yếu để NH nắm bắt toàn bộ tình hình hoạt động sản xuất thực tế của khách hàng.

Chia sẻ về vai trò tổ trưởng, anh Trường vui vẻ cho biết, với những người có nhu cầu vay vốn, anh làm nhiệm vụ cầu nối, hướng dẫn thủ tục, giấy tờ, rồi giới thiệu để ngân hàng nắm bắt được những thông tin tin cậy. Khi đã được vay, anh lại đôn đốc người vay trả lãi đúng kỳ, trả gốc đúng hạn. Nhờ có những người sát sao nằm vùng với từng hộ vay vốn, nên tỷ lệ nợ xấu ở các tổ là rất thấp. Như tổ của anh Trường hiện nay có hơn 100 món vay song chỉ có duy nhất 1 món là có nguy cơ hình thành nợ xấu.

“Tôi ở địa bàn này từ khi cha sinh mẹ đẻ, rất nhiều năm tham gia làm tổng điều tra dân số. Vì thế các hộ có cái tivi mới hay có đồ gì để ở đâu, thậm chí có đôi đũa gãy tôi cũng biết vị trí luôn”, anh Trường dí dỏm.

Cũng có hơn 20 năm gắn bó với địa bàn, ông Nguyễn Xuân Nhuần, Giám đốc Agribank chi nhánh Ý Yên có lẽ hiểu hơn ai hết về vai trò không thể thiếu của mô hình tổ vay vốn. Ông cho biết, Ý Yên là huyện tương đối lớn của tỉnh Nam Định, với tổng quy mô tín dụng khoảng 4.700 tỷ đồng, trong đó dư nợ hơn 2.300 tỷ đồng, thì gần như 100% các khoản vay (trừ DN) là thông qua tổ vay vốn.

Ông Nhuần cho biết thêm, trong số dư nợ hơn 2.300 tỷ đồng, có khoảng 600 tỷ đồng là dư nợ của DN, còn lại là 11.800 hộ đang có dư nợ với Agribank. Với quân số 63 người của chi nhánh Ý Yên, nếu không có 419 tổ vay vốn đang thay ngân hàng “nằm vùng” thì chắc chắn không thể quản lý hết số món vay lớn như vậy.

Đó là chưa kể trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt của hoạt động ngân hàng, thì “Nếu nói thiếu thì cũng thiếu nhưng trong bối cảnh các chi phí vận hành ngày càng lớn, món vay thì nhỏ, nếu bổ sung thêm người thì phải lo lương, chưa kể đi theo một cán bộ là đủ thứ chế độ”, ông Nhuần phân tích. Vì vậy, có thể nói mạng lưới tổ vay vốn đã hỗ trợ đắc lực cho các cán bộ Agribank nắm bắt địa bàn, duy trì hoạt động với quân số ít nhất nhưng hiệu quả đạt được cao nhất.

“Với Agirbank Ý Yên, chục năm nay chúng tôi vẫn đảm bảo đời sống, lương thưởng cho anh em, lương bình quân ở mức cao, chưa kể mỗi năm thêm 5 tháng lương năng suất, nói chung đời sống cán bộ nhân viên ổn định”, Giám đốc Nguyễn Xuân Nhuần chia sẻ.

Mô hình hiệu quả và lâu dài

Ít người biết rằng Nam Định cũng chính là “cái nôi” của mô hình tổ vay vốn, với “cha đẻ” là nguyên Giám đốc Agribank Nam Định, ông Phạm Hồng Cờ. Sau gần 20 năm được áp dụng tại chính địa phương và nhân rộng trên quy mô toàn quốc, mô hình này đã chứng minh tính hiệu quả và dần trở thành hướng đi dài hạn của nhiều chi nhánh trên khắp toàn quốc, đặc biệt là tại địa bàn nông thôn. Với riêng ông Phạm Văn Hướng, Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Định hiện nay, tổ vay vốn là mô hình chính mà chi nhánh đã dày công vun đắp và xác định là hướng đầu tư hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài.

Ông Hướng cho biết, Agribank Nam Định đang quản lý khoảng 61.000 khách hàng, nhưng cán bộ chỉ có trên dưới 200 người, vì vậy phải thông qua các tổ vay vốn – tiết kiệm mới đảm bảo được chất lượng. Ông khẳng định, cho vay thông qua tổ vay vốn đã trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả của chi nhánh Nam Định từ năm 1999 đến nay. Hiện tại Agribank Nam Định có 2.356 tổ vay vốn – tiết kiệm với 118.967 thành viên; 151 phòng đại diện Ban chỉ đạo đầu tư vốn; 6 Ban chỉ đạo đầu tư vốn.

Sau gần 20 năm duy trì hoạt động bài bản của mô hình này, Agribank Nam Định đã xây dựng chiến lược khách hàng, trong đó xác định đối tượng đầu tư chính là kinh tế cá thể, các DNNVV. Số dư nợ cho vay qua tổ vay vốn hiện nay đạt hơn 8.000 tỷ đồng, với 54.800 khách hàng, song nợ xấu chỉ chiếm 0,08% tổng dư nợ cho vay qua tổ và 0,05% tổng dư nợ cho vay toàn chi nhánh. Các con số thực tế này càng khẳng định bước đi đúng đắn của Agribank Nam Định trong hoạt động tín dụng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Thực tế cho thấy, tổ vay vốn – tiết kiệm hoạt động đúng quy định, thực sự đi vào đời sống kinh tế – xã hội ở nông thôn tỉnh Nam Định, đã và đang thể hiện tính xã hội hoá cao, được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, các cấp chính quyền địa phương, thu hút trên 55% số hộ dân có quan hệ tín dụng với Agribank Nam Định.

Ông Phạm Văn Hướng khẳng định, cho vay qua tổ đã thể hiện rất nhiều mặt tích cực, hỗ trợ đắc lực cho đồng vốn đến đúng địa chỉ và được sử dụng hiệu quả, thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn.

Cụ thể là giảm thiểu cho khách hàng thời gian đi lại làm thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian vay, hộ vay đặc biệt là những hộ ít giao dịch với ngân hàng yên tâm hơn khi giao dịch tiền bạc, không sợ phiền phức về mặt thủ tục khi làm hồ sơ vay vốn, có nhiều thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân khi tiếp cận vốn. Nhờ tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cấp uỷ, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp, mô hình này đã tạo điều kiện cho các hộ ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện hiểu biết về ngân hàng được tiếp cận vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, thông qua các tổ vay vốn, các hộ có điều kiện gắn bó, liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, giúp nhau trong việc sử dụng vốn sao cho có hiệu quả để cải thiện thu nhập. Về phía ngân hàng, nhờ có tổ vay vốn với sự giám sát của các hội viên tại chính địa bàn cùng với cán bộ ngân hàng, đã giúp cho đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức thấp, tỷ lệ lãi thực thu cao… nhờ đó chất lượng tín dụng cũng được nâng cao.

Fitch Ratings tiếp tục xếp hạng tín nhiệm Agribank với triển vọng “tích cực”

Ngày 27/2/2018, tổ chức tín nhiệm Fitch Ratings đã tiếp tục xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn của Agribank ở mức B+ với triển vọng “Tích cực”, sàn xếp hạng hỗ trợ ở mức “B+”.

Trong Bản công bố đánh giá xếp hạng này, Fitch Ratings xem xét tới môi trường hoạt động được cải thiện của hệ thống NH Việt Nam trong đó phản ánh sự cải thiện của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong việc hoạch định chính sách kinh tế đã thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng dự báo.

Theo Fitch, Chính phủ sẽ hỗ trợ Agribank khi cần thiết do tầm quan trọng của Agribank trong hệ thống NH và là một trong 4 NH lớn nhất tại Việt Nam về tài sản và có hệ thống chi nhánh rộng lớn. Triển vọng tích cực đối với xếp hạng nhà phát hành nợ của Agribank phản ánh quan điểm của Fitch Ratings về khả năng cải thiện của quốc gia trong việc cung cấp các hỗ trợ lớn trong trường hợp cần thiết. Sự nâng hạng xếp hạng đối với Việt Nam có khả năng sẽ nâng thang đánh giá đối với Agribank.

Đến 31/12/2017, Agribank đã tăng trưởng lợi nhuận 20%, đạt mức kỷ lục 5.018 tỷ đồng. Tổng tài sản của Agribank cũng đã chính thức vượt con số 1 triệu tỷ đồng, đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn huy động gần 1,1 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 17,6% so với năm 2016, đạt gần 900.000 tỷ đồng…

Theo Ngọc Khanh
( thoibaonganhang.vn)


TOP