Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng mong muốn góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19, anh Từ Hữu Thuận (29 tuổi, thôn Văn Cử, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đã chở 1.000 quả trứng vịt đến hỗ trợ khu cách ly.
“Tôi không có tiền, chỉ có gì góp nấy”
Sáng 28.3, khu cách ly tập trung tại xã Xuân Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) bất ngờ nhận được 1.000 quả trứng vịt do anh Từ Hữu Thuận (ở thôn Văn Cử, xã Xuân Lộc) chở đến ủng hộ. Điều bất ngờ là anh Thuận có hoàn cảnh khó khăn, với nghề chính là chăn nuôi vịt. Anh đang sống cùng người cha già, gia đình là hộ cận nghèo.
“Gia đình tôi có 3 anh chị em nhưng chị gái đã đi lấy chồng, em gái thì đi xuất khẩu lao động. Mẹ tôi mất cách đây 10 năm vì bệnh suy thận. Cha tôi một mình nuôi chị em tôi ăn học, không đi thêm bước nữa. Giờ cha lớn tuổi rồi nên tôi ở với cha. Hai cha con nương tựa nhau mà sống”, anh Thuận trải lòng.
Nguồn sống chính của cha con anh trông chờ vào việc nuôi gà vịt với thu nhập khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng. Hai cha con phải tằn tiện mới đủ sống, nhưng anh vẫn ủng hộ 1.000 quả trứng cho khu cách ly.
Chia sẻ về việc này, anh Thuận cho biết: “Trước kia, khi đưa mẹ đi chữa bệnh, tôi cũng đã được giúp đỡ. Nay thấy mọi người về đây cách ly khá đông, trong điều kiện bệnh dịch nên tôi muốn chung tay giúp đỡ chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Tôi không có tiền, chỉ có gì góp nấy”.
“Tôi từng tự ti”
Anh Thuận cũng cho biết, mẹ anh bị suy thận 5 năm thì mất, gia đình chỉ làm nông nghiệp nên tiền chạy chữa cho mẹ khiến kinh tế kiệt quệ. Tuy nhiên, cha anh vẫn muốn cho các con ăn học, nên anh vẫn được theo học Trường cao đẳng nghề Cơ điện luyện kim Thái Nguyên. Thương cha, anh vừa học vừa đi làm thuê kiếm sống.
“Tôi đi làm phụ hồ, rửa bát thuê và bắt lươn để kiếm sống”, anh Thuận nhớ lại. Anh cũng không quên những ngày tháng đẹp nhất của thời sinh viên, nhưng anh lại tự ti với chính mình. “Cứ tan học về là tôi xách bao và ống tre đi bắt lươn, nên bạn bè nhìn tôi với ánh mắt khác lạ. Vì thế, tôi từng tự ti, ít chia sẻ với mọi người”, anh trải lòng.
Thế rồi, cố gắng vượt lên hoàn cảnh khó khăn, anh đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng, song không theo con đường đi làm thuê nữa, mà chọn hướng đi mới cho mình.
“Tôi có ước mơ làm giàu trên quê hương, nên học xong cao đẳng, tôi đã đi làm nhiều nơi, nhiều nghề để tích lũy vốn sống, kinh nghiệm, rồi trở về quê lập nghiệp. Tôi đã xin thầu lại mảnh đất của ông bà trước kia sinh sống để làm kinh tế nông nghiệp 4 năm nay”, anh Thuận kể.
Với nỗ lực của mình, anh đã xây dựng được mô hình chăn nuôi lớn với đàn vịt 1.000 con. Tuy nhiên, gây dựng từ 2 bàn tay trắng nên hiện kinh tế của anh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện anh đang vay mượn ngân hàng để có thể mở rộng sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Cũng vì nghèo mà đến nay anh Thuận chưa dám lấy vợ. “Hiện tôi chỉ muốn làm lại căn nhà cho cha ở, vì nó dột nát quá rồi, cứ mưa lớn là nước lại tràn vào nhà, nhất là mùa lũ. Làm nhà xong, tôi cũng muốn hỏi vợ về để có người cùng chăm sóc cho cha…”.
Nói về việc tặng trứng của mình, anh Thuận vẫn ngần ngại không muốn đề cập, với lý do: “Tôi chỉ có tấm lòng, chứ chẳng ủng hộ được bao nhiêu!”.
- Các tỉnh cấm biển, di dời dân, hoãn cuộc họp không cần thiết để ứng phó bão số 3
- Nam Định: Tàu hàng đâm thuyền đánh cá: Chồng sống sót, vợ tử vong
- Cô gái “Vàng” của trường chuyên danh tiếng đất Thành Nam
- Nữ giáo viên về hưu bị bắt khi đang vận chuyển 15 bánh heroin
- Đám cưới tiền tỷ rước dâu bằng máy bay của cô gái Nam Định
- Xót xa câu nói cuối cùng chỉ có 2 từ của nạn nhân vụ nổ kinh hoàng ở Nam Định
- Tên trộm “ngáo đá”, leo lên nóc bệnh viện đòi tự tử
- Về Nam Định thăm làng nghề nước mắm Sa Châu
- Nam Định: Một bé trai bị bỏ rơi ngay trước cổng chùa La Chợ
- Nam Định: Điều tra nghi án chồng ngáo đá đánh vợ tử vong
- Đầu năm, giới trẻ đổ xô về phiên chợ se duyên độc nhất thành Nam
- Vụ ‘Lấp sông tưới tiêu để làm dự án’ ở Nam Định: Đề nghị điều chỉnh thiết kế
- Thịt chó Cầu Vòi và những thương hiệu thịt chó đất Bắc mềm lòng dân nhậu
- Bùi Chu khai mạc Đại lễ thánh Đaminh
- Vẻ đẹp của nhà thờ Trung Lao trước khi bị cháy rụi