Chùm ảnh: Diễn biến vụ móng cột điện 220kV đổ bê tông trộn đất

Chùm ảnh: Diễn biến vụ móng cột điện 220kV đổ bê tông trộn đất

Sau một thời gian được nhà thầu thi công phần móng cột điện của đường dây 220kV chạy qua địa bàn xã Đại An (Vụ Bản, Nam Định) thuê máy trộn bê tông, một số công nhân phát hiện phần lớn bêtông đã bị đánh tráo bằng hỗn hợp đất, sỏi, bùn… Sự trắng trợn này được tái diễn nhiều nơi khiến họ chủ động nghỉ việc và quyết đưa toàn bộ sự thật ra ánh sáng bằng cách cung cấp thông tin tới Báo Lao Động. Qua đó, bằng nghiệp vụ của mình, PV báo Lao Động đã nhiều ngày cùng người dân làm rõ sự việc. Dưới đây là một số hình ảnh PV Lao Động ghi nhận được trong quá trình tác nghiệp.

Công trình xây dựng đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình – Nam Định dài hơn 29 km và cần trên 50 cột đỡ. Tại mỗi móng cột, để đảm bảo các hệ số an toàn, cần khoảng 300m3 bêtông mác 200. Công trình do TCty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, liên danh Cty CP Sông Đà 11 và Công ty CP xây lắp điện 1 thi công.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công những móng cột tại địa phận xã Đại An, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định), phần lớn bêtông đã bị đánh tráo bằng hỗn hợp đất, đá, bùn… Sự trắng trợn này tại công trình năng lượng trọng điểm đã khiến chính những công nhân thi công cảm thấy bất bình.

Anh Vũ Ngọc Hồi một trong số người dân tố cáo cho biết, gia đình anh có một máy trộn bê tông cỡ nhỏ. Cuối tháng 3.2016, anh được ông Nguyễn Văn Toán, Đội trưởng đội thi công của chi nhánh Cty CP Sông Đà 11 thuê máy trộn cùng nhân công để đổ bê tông cho 2 móng cột thuộc đường dây kể trên.

 Đến ngày 19.4, khi được gọi đến trộn bê tông, anh Hồi mới biết việc thuê máy trộn tại công trường chỉ là để “che mắt thiên hạ”. “Phần bê tông đổ xuống khoang móng chỉ có một chút xi măng làm vỉ. Họ xúc đất ngay ruộng bên cạnh, trộn qua loa với cát, đá… rồi đổ xuống. Hàng chục năm đi đổ bê tông thuê, tôi chưa từng thấy kiểu làm ăn tắc trách như vậy”, anh Hồi kể. (Hình ảnh cắt từ clip người dân ghi lại quá trình gian dối của đơn vị thi công).

              Anh Vũ Văn Thuận – một trong số người dân tố cáo cho biết, khu vực thi công nằm ngay trên phần ruộng nhà anh thuộc cánh đồng Vồ (thôn An Hưng) và cũng chính tay anh điều khiển máy trộn nên biết rất rõ những sai phạm đã diễn ra tại công trình này, đặc biệt tại móng đầu tiên.

(Hình ảnh cắt từ clip người dân ghi lại quá trình gian dối của đơn vị thi công).

Ngay sau khi Lao Động đăng tải loạt bài về những gian dối trong thi công trụ cột điện đường dây 220kV đoạn qua xã Đại An, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định), chỉ vài ngày sau, đã xuất hiện rất nhiều động thái lạ lùng. Tại hiện trường PV báo Lao Động và người dân chứng kiến cảnh Cty Cổ phần Sông Đà 11 đã tự mình đưa máy móc vào để đào chiếc móng có dấu hiệu rút lõi, đưa các mẫu bêtông đi giám định mà không có ai chứng kiến. (Ảnh chụp ngày 27.5.2016).

Lúc này, người chỉ huy tại đây là ông Nguyễn Thanh Hải (Phó Giám đốc Chi nhánh Cty Sông Đà 11.7) đang cùng 6-7 công nhân khác và 2 chiếc máy xúc, tất bật làm các công việc đào đất hố móng, khoan lấy mẫu bêtông đi kiểm tra, hút nước…

Trước câu hỏi tại sao làm thay đổi hiện trường mà không có các cơ quan chức năng giám sát, ông Hải cho biết: “Được giao thì làm, còn mọi việc không biết gì, phải hỏi lãnh đạo cấp trên”. 

Thời điểm này, một nhóm PV báo Lao Động đã tìm đến những điểm trụ cột khác nằm trong công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình – Nam Định. Tại địa phận xã Nam Dương (huyện Nam Trực, Nam Định) – nhìn từ đoạn đường 55 về phía xã Nam Dương có rất nhiều trụ cột thuộc công trình trên nằm dọc cánh đồng lúa được đánh ký hiệu VT38, VT39 và VT… cơ bản đã hoàn thành.

Tiếp cận cột VT39 ở ngay đường 55 (thuộc xã Nam Dương) có 4 trụ của móng cột bằng bêtông lộ thiên trên nền đất được bao bọc bởi các rãnh nước xung quanh, phần trụ này đã được gắn với những thanh kim loại, lắp ráp với nhau tạo thành cột điện và chỉ cần lắp dây điện nữa là gần như đi vào hoạt động truyền tải điện.

Một người dân ở đây khi được hỏi cho biết, công trình này vừa mới dựng cột xong. Khi được hỏi về có nhìn thấy họ làm không nhiều người dân lắc đầu và trả lời là không biết với lý do không ai tiếp cận được bởi các công trình này thường làm vào ban đêm và ở xa giữa cánh đồng.

 Quay trở lại điểm trụ bị tố  một nhóm PV chúng tôi được anh Vũ Ngọc Hồi dẫn xuống trụ VT02 xem từng chi tiết. Tại đây, vào trưa 27.5 theo quan sát, các phần móng chỉ còn thiếu vài mẻ bêtông nữa là xong.

Vừa lội xuống phần bêtông móng, anh Hồi chỉ tay vào các lỗ nơi nước sủi bọt lên và nói mình cũng chính là người từng thi công ở đây, và cũng từ kinh nghiệm nhiều năm trong nghề anh lấy danh dự của mình cho rằng, việc sủi bọt nước lên từ mặt các phần móng là do ở phía dưới có nhiều chỗ rỗng.  

 “Nếu đặc kín thì làm gì có hiện tượng đùn nước sủi bọt này. Tôi khẳng định ở đây người ta cũng đổ đất đá trộn lẫn bêtông vào phần móng trụ” – anh Hồi nói.

 Cùng chứng kiến sự việc trên, anh Vũ Ngọc Hồi bức xúc: “Tự họ kiểm tra xem chính họ có sai hay không thì làm sao khách quan được. Ngoài ra, do đã cung cấp bằng chứng với cơ quan công an, tôi đề nghị khi tiến hành kiểm tra, các cơ quan chức năng cần mời tôi chứng kiến với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ trong vụ việc này”.

 Hiện tại hiện trường bị ngăn cấm không cho người ngoài vào. Ít nhất hai người dân tố cáo lo ngại khi các cơ quan chức năng đã rốt ráo vào cuộc thì phía nhà thầu thi công lại “cố tình” thay đổi hiện trường. Do vậy họ mong muốn cơ quan chức năng làm việc nhanh chóng đưa sự thật ra ánh sáng. “Anh em tôi sẵn sàng thế chấp cả gia tài để mời người về kiểm định, bảo múc chỗ nào thì các ông múc lên, tôi cam đoan không có ximăng đâu, toàn cát với đá thôi” – hai người tố cáo nói.

Nguồn: Laodong.com.vn


TOP