Chuyện ba phụ nữ trông nghĩa trang giữa quê lúa

Chuyện ba phụ nữ trông nghĩa trang giữa quê lúa

– Một câu chuyện cảm động giữa vùng quê lúa Nam Định. Ba người phụ nữ chung xóm, cùng là vợ liệt sĩ và ở vậy nuôi con, tìm mộ chồng. Rồi với bàn tay hay lam hay làm, các bà góp sức trông nom nghĩa trang, trồng hoa để thắp lên hương hồn các anh hùng liệt sĩ những đóa thơm.

Ba người phụ nữ sống nương tựa vào nhau, họ coi nhau như chị em ruột thịt, cùng sẻ chia niềm vui, nỗi buồn.

Ba người phụ nữ sống nương tựa vào nhau, họ coi nhau như chị em ruột thịt, cùng sẻ chia niềm vui, nỗi buồn.


Ở vậy thờ chồng
Góc xóm 7 – xã Yên Lộc (Ý Yên – Nam Định) bình yên trong ngan ngát mùi hoa đại. Nơi ấy là nghĩa trang xã, giữa vạt đồng xanh luôn thắp màu ấm no và bình yên. Bà Nghĩa, bà Hột, bà Hè – “bộ ba” chị em nhiều năm qua chụm lại, nương tựa vào nhau như chị em ruột, cùng nhân lên việc làm ý nghĩa. Họ để lại tiếng thơm về những tấm gương vợ liệt sĩ thờ chồng, yêu quê hương và lối sống giản dị. “Chúng tôi lẻ bóng, có sự đồng cảm và đã quen rồi. Giờ lấy việc trồng hoa, chăm sóc nghĩa trang làm niềm vui”, bà Nghĩa thổ lộ. Chợt giọng bà Nghĩa chùng xuống khi bà Hè bảo: “Chồng bà ấy vẫn chưa về…”.
Vì sao thế hở bà? Mắt tôi rơm rớm hỏi. Bà Nghĩa nói rằng, tên đầy đủ của bà là Nguyễn Thị Nghĩa. Đúng dịp Tết năm 1978, bà nhận được giấy báo tử của chồng, là liệt sĩ Trần Văn Hải. Lúc ấy, hàng xóm râm ran tiếng pháo vui năm mới, còn bà ủ giấu những giọt nước mắt. Trong dòng hồi ức xúc động cùng chúng tôi, giọng bà chợt đắng: “Tôi buồn, nhà nghèo lắm, nhưng bấm bụng vượt khó để nuôi hai đứa con nhỏ. Đất nước thống nhất lâu rồi, nhưng gia đình khuyết thiếu. Tôi vẫn giữ được lá thư của chồng, mỗi lần bỏ ra đọc lại đều ứa nước mắt”.
Ba bà cùng chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ.

Ba bà cùng chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ.


Nói xong, bà Nghĩa quay sang bà Nguyễn Thị Hột, là vợ của liệt sĩ Phạm Văn Thâu. Bà Hột vịn vào vai bà Nghĩa, giọng thổn thức. Trong câu chuyện, bà cho biết ông Thâu hy sinh ở chiến trường Quảng Đà năm 1972 mới 25 tuổi và chỉ có một con gái. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà Hột quyết định không đi bước nữa mà ở vậy thờ chồng, nuôi con, chăm mẹ chồng già yếu. Bà Hột tâm sự: “May mắn chồng tôi đã biết mặt con, còn con gái tôi lúc xa cha chỉ hai tháng tuổi. Nhưng nó rất tự hào về bố. Nó đã lấy chồng, có con và hết mực hiếu thảo với mẹ”.
Lúc này, bà Nguyễn Thị Hè, nhân vật thứ ba của “xóm ba bà” xách nước ra mời khách. Cùng chung khuôn mặt hồng hào, phúc hậu, nhưng so với bà Nghĩa và bà Hột thì bà Hè thiệt thòi hơn, bởi khi ông Đinh Văn Tâng hy sinh, ông bà vẫn chưa có một mụn con. Năm 1972, bà nhận giấy báo tử ông Tâng hy sinh, lúc ấy bà còn trẻ lắm, hàng xóm động viên đi bước nữa, nhưng bà quyết định ở vậy nuôi một đứa cháu, là con của em chồng cũng là liệt sĩ. Mãi sau này bà mới nhận một cô con gái nuôi, hai mẹ con dựa vào nhau, hướng về tương lai.
Hẳn là nhiều bà con thắc mắc vì sao cả ba người vợ liệt sĩ, lúc chồng hy sinh, tuổi còn xuân sắc mà chẳng đi bước nữa, dẫu gia đình, lối xóm đã động viên nhiều lần? Chúng tôi cũng muốn nghe các bà tâm sự. Bà Hè đại diện chia sẻ: “Thẳm sâu trong tâm chúng tôi đều có một tình yêu thiêng liêng với chồng. Chồng hy sinh vì nước thì chúng tôi sẽ ở vậy. Còn nữa, lúc đó chúng tôi đều chưa tìm được mộ chồng. Vậy thì làm sao chúng tôi còn lòng dạ tái giá?!”.
Những nỗi niềm thầm lặng
Buổi chiều xóm 7 rất gió. Bao loài hoa dịu dàng tỏa hương. Trong câu chuyện của các bà thêm thấm đượm những màn khói hương tỏa ngát. Ông Đinh Văn Tạo, người dân xóm 7 tâm sự rằng, chẳng cần kể ra thì ai cũng hiểu thời buổi khó khăn ấy, một người phụ nữ thiếu chồng sẽ phải vất vả thế nào để vươn lên trong cuộc sống đầy nhọc nhằn. Các bà ấy đã giấu đi những nỗi đau cá nhân để chắt chiu, săn sóc nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ.
Vậy các bà đã làm thế nào để vượt qua? Bà Nghĩa, người thuộc nhiều thơ và ăn nói có văn nhất nói: “Ui cha, lửa thử vàng, gian nan thử sức! Như thế để thấy người phụ nữ Việt Nam kiên cường đến đâu. Ba chúng tôi cũng chưa phải là những người phụ nữ khổ nhất. Chúng tôi còn sức khỏe, còn làm lụng được. Có người vợ liệt sĩ mà quanh năm đau yếu cơ, thế mà họ vẫn vượt qua. Thêm nữa, chúng tôi còn có tình làng nghĩa xóm. Ba người lại chơi thân, luôn ở bên nhau, một người ốm thì hai người còn lại đon đả lo lắng”.
Bà Nguyễn Thị Hột ngắt hoa viếng mộ.

Bà Nguyễn Thị Hột ngắt hoa viếng mộ.


Đành là vậy, song để tạo thêm sự gắn kết giữa ba người vợ liệt sĩ, có một sự kiện giàu giá trị nhân văn. Hơn chục năm trước, bà Hột xin và được chính quyền xã Yên Lộc chấp thuận cho trông nom, chăm sóc, dọn cỏ dại tại nghĩa trang quê nhà. Bà đã mời bà Nghĩa, bà Hè góp sức. Ba bà thống nhất đây là việc nghĩa với những người đã hy sinh cho Tổ quốc.
“Chúng tôi luôn mong ngóng ngày chồng mình được đưa về quê hương, yên nghỉ giữa cánh đồng làng. Công việc không có gì vất vả, hàng ngày trồng và tưới hoa, quét dọn, tỉa cây, nhổ cỏ quanh các mộ phần. Những việc làm đó là tự nguyện, bởi chúng tôi luôn nghĩ, đâu đó trên đất nước mình, sẽ có người chăm sóc mộ chồng chúng tôi”, bà Hột bày tỏ.
Song hành với việc mưu sinh, chăm con và sau đó là chăm sóc mộ phần các liệt sĩ, ba bà còn đôn đáo kết hợp với các cơ quan chức năng đi tìm mộ chồng. Suốt mấy chục năm đằng đẵng, mãi đến khi tóc muối tiêu, năm 2012 bà Hột và đến năm 2013 bà Hè mới tìm được hài cốt chồng. Cả hai liệt sĩ được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà.
Sau nhiều năm, các anh hùng đã về an nghỉ ở quê hương. Giờ chỉ còn chờ đợi tìm được hài cốt liệt sĩ Trần Văn Hải. Bà Nghĩa vẫn không nguôi hy vọng một ngày nào đó, phép màu xảy ra. Nhưng thẳm sâu tâm hồn, nỗi đau chôn chặt từ tuổi thanh xuân đến giờ, bà vẫn không nguôi khắc khoải, để có lúc bật thành lời: “Các chị ơi, chẳng biết chồng em nằm ở phương nào, bao giờ ông ấy về nhỉ?”.
Cầu mong các anh hùng liệt sĩ đưa chồng bà về cùng, các bà chỉ biết động viên thế. Lúc tiễn chúng tôi ra về, đôi mắt bà Nghĩa lại rơm rớm. Và chắc chắn ba người phụ nữ tuổi thất thập vẫn sống tiếp phần đời sáng đẹp giữa vùng quê thanh bình.
Dương Khánh Thảo – PLS


TOP