Dấu hiệu hụt hơi của HAGL

Dấu hiệu hụt hơi của HAGL

Những người thực tế sẽ nhận ra dù đứng đỉnh bảng suốt lượt đi, dù xô đổ hàng loạt kỷ lục, dù nhận về vô số lời ngợi khen, HAGL vẫn chỉ hơn CLB Viettel 3 điểm.

Nếu HAGL thắng Bình Dương ở vòng 12 vừa qua, họ sẽ tạo khoảng cách 5 điểm với đội nhì bảng Viettel. Mùa giải sẽ trở nên tẻ nhạt hơn rất nhiều khi cuộc đua vô địch chỉ còn 6 vòng đấu.

V.League được cứu như thế nào?

“Kết quả này có lợi cho HAGL. Đây là trận hòa đáng tiếc của đội Viettel. Nếu thắng trận này, chúng tôi chắc chắn nhì bảng và dễ tính toán cho giai đoạn hai mùa giải”, HLV Trương Việt Hoàng thốt lên thất vọng sau trận hòa 1-1 với CLB TP.HCM tại vòng 11.

Khoảng cách điểm giữa HAGL và CLB Viettel khi đó đã lên tới 5 điểm.

May cho HLV Việt Hoàng, Bình Dương cầm hòa HAGL ở vòng 12. Và khoảng cách lại trở về 3 điểm.

Ở V.League hiện tại, CLB Viettel đã hơn Quảng Ninh 7 điểm. Nếu HAGL nới rộng khoảng cách với đội Viettel, họ sẽ có lợi thế lớn trong cuộc đua vô địch. Khi đó, các vị trí vô địch, á quân, các suất dự cúp châu Á mùa sau đều sớm được định hình. Cuộc đua giữa 6 đội nhóm A sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Các CLB phía sau cũng không có động lực. Họ chỉ còn 5 trận để vượt qua khoảng cách điểm số lớn trong bối cảnh đối thủ nào cũng đáng gờm.

Trận hòa của Bình Dương vì thế đã cứu lấy CLB Viettel, cứu lấy đoạn kết của V.League, thổi bùng hy vọng về một cuộc đua vô địch kịnh tính.

Công Phượng và đồng đội hiện chỉ hơn CLB Viettel 3 điểm. Cả HAGL và Viettel đều có phong độ cao, hai đội đều sẽ có lợi thế lịch thi đấu ở lượt về. Họ cũng còn một trận đối đầu trực tiếp. 3 điểm mong manh ấy có thể bị san lấp chỉ sau một chiến thắng.

Kiatisuk còn bài vở nào không khi HAGL đang có dấu hiệu bị “bắt bài”. Ảnh: Minh Chiến.

Dấu hiệu xuống dốc của HAGL

Bóng mây u ám thực ra đã xuất hiện trên bầu trời phố núi từ vài vòng.

Nếu lấy hai chiến thắng 3-0 trước CLB Viettel và TP.HCM tại vòng 5, 6 làm đỉnh, HAGL đã bắt đầu đà đi xuống không ngừng. Hai vòng kế tiếp, họ thắng Hải Phòng, Đà Nẵng 2 bàn cách biệt. Ba vòng tiếp, họ rút xuống chỉ thắng Nam Định, Thanh Hóa, CLB Hà Nội 1 bàn cách biệt. Cộng thêm trận thắng 2-1 trước An Giang, HAGL đã trải qua 4 trận thắng sát nút liên tiếp.

Ba trận gần nhất trước Bình Dương, HAGL hai lần giành chiến thắng nhờ chấm phạt đền. Trước đội hạng Nhất An Giang, họ cũng ghi bàn cuối cùng ở phút 90.

Việc họ mất điểm, vì thế, chỉ là vấn đề thời gian. Trận hòa Bình Dương là kết quả của một chuỗi phong độ đi xuống tuần tự và không hề bất ngờ. Đó là đà đi xuống mà Kiatisuk đã nhìn thấy mà không thể ngăn chặn.

Những kết quả bất lợi của HAGL cho thấy hai điều. Thứ nhất, đội bóng phố núi không còn mạnh như giai đoạn đầu mùa. Chiều sâu lực lượng hạn chế của HAGL là thứ chúng ta đã nói tới quá nhiều. Theo thời gian, khi lực lượng không được tăng cường, đối diện lịch thi đấu dày đặc, HAGL đuối sức là chuyện đương nhiên.

Thứ hai, các chiến thắng sát nút cho thấy đối thủ đang từng bước “bắt bài” đội bóng phố núi. Hệ thống của Kiatisuk từng giúp HAGL đè bẹp nhà vô địch CLB Viettel, hủy diệt đội TP.HCM. Nhưng khi mùa giải gần tới đoạn kết, những đội tầm trung như Bình Dương, Nam Định, hạng Nhất như An Giang cũng đủ sức làm khó HAGL.

Những phát kiến chiến thắng của Kiatisuk như Công Phượng lùi sâu, tuyến giữa toàn tiền vệ công từng khiến V.League bối rối. Nhưng theo thời gian, các HLV đã dần tìm được cách hóa giải. Hệ thống phòng ngự có 2 ngoại binh từng là khác biệt lớn của HAGL nhưng đang bị hóa giải từng bước.

4 trận gần nhất, HAGL thua 6 bàn, trung bình 1,5 bàn/trận. Trong khi 8 trận trước đó, họ chỉ lọt lưới 3 lần.

Kiatisuk có lẽ đã nhận ra vấn đề của đội bóng. Chia sẻ sau trận gặp Bình Dương, ông bảo: “Ai cũng muốn phá vỡ kỷ lục, nhưng hôm nay chúng tôi đã may mắn khi không thua.”. Nhưng hiểu là một chuyện, xử lý vấn đề là chuyện khác. Chiến lược gia người Thái Lan có lẽ đá phát huy tối đa năng lực của bộ tứ Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Minh Vương. Ông đã tận dụng triệt để 3 ngoại binh và một cầu thủ nhập tịch Nguyễn Trung Đại Dương. HAGL đã mang hết những bài vở tốt nhất, áp dụng hàng loạt thay đổi mới. Họ giống như một tay đấm đã tung hết ngón nghề ngay từ ván đầu tiên. Kiatisuk cần chặn đứng đà xuống dốc của HAGL, nhưng ông có còn đủ bài vở để cho điều này?

Đại bại trước HAGL hồi đầu mùa nhưng CLB Viettel (áo đỏ) vẫn chỉ kém đối thủ 3 điểm. Ảnh: Minh Chiến.

Hơi nóng sau gáy HAGL

Năng lực thực sự của HAGL sẽ được kiểm chứng rõ ràng hơn trong giai đoạn hai khi họ liên tục phải đối đầu các tên tuổi trong tốp 6. Ngoài chiến thắng bất ngờ trước CLB Viettel hồi đầu mùa, HAGL đã chật vật với Nam Định, Thanh Hóa, bị Bình Dương cầm hòa.

So với HAGL, CLB Viettel cũng có một chuỗi chiến thắng 1-0. Nhưng bản chất thắng lợi giữa đôi bên khác hẳn nhau. 1-0 là tỷ số yêu thích của CLB Viettel, là cách chơi đã được họ duy trì, giúp họ lên ngôi vô địch từ mùa giải trước. Kịch bản quen thuộc của cách chơi này là CLB Viettel ghi bàn trước, khóa chặt mọi đường vào khung thành và không cho đối thủ cơ hội nào. Đó là phong cách trái ngược hẳn với HAGL.

Cách chơi của HAGL đòi hỏi nhiều cảm hứng, thậm chí cả may mắn. Cách chơi của Viettel rập theo công thức và không cần nhiều cảm tính. Cuộc đua giữa HAGL và CLB Viettel mùa này phảng phất những nét giống với cuộc đua của chính Viettel với đội Hà Nội năm ngoái. Quang Hải và đồng đội cũng chơi tấn công hoa mỹ, cũng ghi nhiều bàn, cũng mang tới những trận cầu xúc cảm. Nhưng chung cuộc, họ phải nhìn đối thủ nâng cao chức vô địch.

Những người thực tế sẽ nhận ra dù đứng đỉnh bảng suốt lượt đi, dù xô đổ hàng loạt kỷ lục, dù nhận về vô số lời ngợi ca, HAGL vẫn chỉ hơn CLB Viettel 3 điểm.

Năm ngoái, Bùi Tiến Dũng và đồng đội đã lần đầu được trải qua không khí căng thẳng của một cuộc đua vô địch mà họ là người chiến thắng sau cùng. Kinh nghiệm quý giá ấy là điều lứa Công Phượng và cả HLV Kiatisuk Senamuang chưa từng có ở đấu trường quốc nội. HAGL có bối rối, có căng thẳng không? Họ sẽ chơi thế nào trong những trận cầu quyết định ngôi vương, sẽ xử lý ra sao khi đối thủ đều nằm trong nhóm cạnh tranh danh hiệu?

Phía trước vạch đích chỉ còn hai người, nhưng đó vẫn sẽ là một cuộc đua đầy kịch tính.

Tags:

TOP