Đề nghị căn cứ vào các quy định của pháp luật để xử lý những cá nhân có sai phạm

Đề nghị căn cứ vào các quy định của pháp luật để xử lý những cá nhân có sai phạm

Tiếp tục có những ý kiến về câu chuyện sách giáo khoa, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) trong phiên thảo luận chiều 3-11, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã đề nghị cần căn cứ vào các quy định của pháp luật để xử lý những cá nhân có sai phạm.

Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, Luật Giáo dục 2019 đã quy định chương trình giáo dục phổ thông là để thể hiện mục tiêu giáo dục và có phạm vi áp dụng trên cả nước. Sách giáo khoa được biên soạn nhằm cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình này, từ đó cho thấy sự đúng đắn của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Theo đó, tính đến nay, giáo dục Việt Nam đã trải qua 4 cuộc cải cách lớn vào các năm 1950, 1956, 1979 và 2013 với nhiều nhóm nội dung để cải cách trong đó việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân.

Đaị biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định)

Tháng 9/2020, ngành giáo dục bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, sử dụng sách giáo khoa mới cho đối tượng học sinh lớp 1 bước đầu thực hiện đương nhiên khó tránh sai sót, song việc kéo theo nhiều bất cập nổi lên thì thiết nghĩ, cần phải nhìn nhận lại.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nêu cụ thể các bất cập này là năm học này mỗi nhà trường được lựa chọn các cuốn sách giáo khoa, lớp 1 trong số 5 bộ sách khác nhau của Nhà xuất bản Giáo dục và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, mỗi bộ sách gồm từ 9 đến 10 cuốn với giá thành từ 180 đến 200.000 đồng/ bộ.

Theo đại biểu Thảo, dù giá thành cao hơn so với những năm trước nhưng vẫn trong phạm vi có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ở một số nơi đã xảy ra tình trạng bắt học sinh mua thêm sách tham khảo. Cá biệt có những phụ huynh đã phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua sách giáo khoa lớp 1 cho con cùng với cả các sách tham khảo.

Nhận định về nội dung, đại biểu Thảo nói, sách giáo khoa tiếng Việt ở một số bộ sách còn có sự thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic và chưa khai thác được kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam dẫn tới giáo viên phải vừa dạy và vừa điều chỉnh.

Sai sót do đâu, đại biểu Thảo phát biểu, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định phê duyệt sách là đúng quy định. Hội đồng thẩm định quốc gia cho biết đã làm hết sức trách nhiệm. Nhóm tác giả biên soạn sách cho biết nội dung đưa vào sách giáo khoa đã được chọn lọc và phù hợp.

Từ đó, đại biểu Thảo đưa ra những đề xuất. Theo đó, cần phải làm rõ có hay không tình trạng sai sót ở đây, nếu có thì sai ở đâu, thuộc cuốn nào, bộ sách nào và trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả thuộc về ai.

“Quan điểm của tôi là sách giáo khoa đã sai thì bắt buộc phải sửa. Không thể để một thế hệ học sinh trẻ của chúng ta phải học sách giáo khoa sai sót như vậy. Do đó, đối với các bộ sách giáo khoa lớp 1 đang lưu hành trên thị trường, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tạm dừng thực hiện. Cần khẩn trương tiến hành rà soát và cho thẩm định lại toàn bộ các sách giáo khoa này”- Đại biểu Thảo nói.

Cũng theo đại biểu Thảo, để thực hiện thẩm định lại cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan từ biên soạn, thẩm định đến phê duyệt để ban hành. Trước hết, với các nhóm tác giả, nguồn lợi về kinh tế mà họ thu được phải gắn với trách nhiệm đến khâu cuối cùng.

Về việc quy trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền, đại biểu đề xuất, pháp luật đã có đầy đủ các quy định tạo căn cứ để có thể tiến hành xử lý hay kỷ luật các cá nhân có trách nhiệm khi có dấu hiệu sai phạm.

“Trẻ ở lứa tuổi bắt đầu học tiểu học như một tờ giấy trắng. Thầy cô, cha mẹ là người đang tô vẽ những nét đầu đời sơ khai cho tờ giấy ấy. Bất luận thế nào, sách dùng để dạy cho trẻ phải được cân nhắc một cách thận trọng. Tôi hy vọng trong khả năng có thể, chúng ta nên tập trung tổng rà soát các bộ sách giáo khoa này nhằm rút kinh nghiệm để thực hiện tốt cho năm học này và chu đáo cho các năm học tiếp theo”- Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo kết luận.

Tags:

TOP