Giải mã tâm lý tội phạm hành vi của nam sinh quay lén, tống tiền cô giáo ở Nam Định

Giải mã tâm lý tội phạm hành vi của nam sinh quay lén, tống tiền cô giáo ở Nam Định

Theo chuyên gia tâm lý tội phạm, có nhiều điều kiện để nam sinh nhắm tới việc quay clip giáo viên để tống tiền. Một yếu tố quan trọng là tâm lý của tuổi học sinh, giáo viên luôn là những “thế lực” có quyền uy, vì thế, tấn công vào giáo viên giống như một cách để hạ bệ.

Tại sao nhắm vào cô giáo để “ra tay”?

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin 1 nam sinh tên L.C.H. (học sinh lớp 12 tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đặt camera trong nhà vệ sinh của trường để quay lén cô giáo rồi lập tài khoản Facebook giả để tống tiền.

Về góc độ tâm lý tội phạm trong trường hợp trên, luật gia Lê Bảo Ngọc (chuyên nghiên cứu tâm lý tội phạm) cho hay, đầu tiên, sẽ phân tích địa điểm nơi nam sinh này chọn để thực hiện hành vi phạm tội, đó là ở trường học.

Địa điểm phạm tội hiếm khi ngẫu nhiên, người phạm tội thường có lí do để chọn thời gian và địa điểm của họ. Đối với một cậu học sinh, hai môi trường quen thuộc là gia đình và nhà trường nên cậu ta đã chọn địa điểm là trường của mình.

Luật gia Lê Bảo Ngọc, chuyên nghiên cứu về tâm lý tội phạm

Tiếp đến là lựa chọn nạn nhân, từ đây xuất hiện câu hỏi mà đã khiến xã hội bức xúc: Tại sao nam sinh này lại chọn ra tay với cô giáo của mình? Điều này trái với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam hay sao?

Trong trường học có 2 mục tiêu nam sinh này có thể nhắm tới là nữ sinh và cô giáo. Nam sinh này đã chủ động chọn đối tượng là các cô giáo, bởi nghĩ rằng, cô giáo đã đi làm, kiếm được tiền nên có khả năng trả nhiều tiền hơn so với nữ sinh.

Ngoài ra, không chỉ đơn thuần là tiền bạc, bởi cậu ta có thể chọn mục tiêu là các nữ sinh nhà giàu trong trường, thậm chí điều này còn an toàn hơn khi “con mồi” ít tuổi và non nớt.

Điều này lý giải bởi, tâm lý người chưa thành niên phạm tội và tâm lý của người trưởng thành phạm tội có nhiều điểm khác nhau.

Cụ thể, tội phạm là người trưởng thành hoặc tội phạm chuyên nghiệp nhắm đến lợi ích, đồng thời là sự an toàn nhất, thì tâm lý tội phạm của người chưa thành niên ngoài nhắm đến lợi ích lớn nhất còn mang nặng nhu cầu thể hiện bản thân.

Ở độ tuổi của học sinh cấp 3, thay đổi sinh lý trong thời gian dậy thì cũng dẫn đến thay đổi trong tâm lý và hành vi. Về hình thái, trước thời điểm dậy thì, trẻ em còn nhỏ và luôn ngước nhìn lên người lớn.

Nên cha mẹ, thầy cô là những tấm gương to lớn, khiến trẻ nể sợ và vâng lời. Tuy nhiên, sau dậy thì, hình thái của trẻ đã có nhiều khác biệt, góc nhìn với người lớn đã gần hơn, không còn luôn ngước nhìn mà có thể nhìn ngang hoặc nhìn xuống.

Trong mắt học sinh, giáo viên luôn là những “thế lực” có quyền uy. Vì thế, tấn công vào giáo viên giống như một cách để hạ bệ.

Internet làm “leo thang” tâm lý phạm tội của thiếu niên
Theo Luật gia Lê Bảo Ngọc, độ tuổi chưa thành niên, các hành vi phạm tội chủ yếu là do học hỏi và bắt chước xã hội. Khi một thiếu niên “sống ảo” trong một thời gian dài, thói quen suy nghĩ và hành vi của họ sẽ thay đổi, họ sẽ cố ý hoặc vô ý bắt chước những điều mà họ thường xuyên tiếp xúc trên Internet.

Một cuộc khảo sát ở Đức cho thấy, trong tổng số các thanh niên phạm tội, thì số thanh niên trực tiếp hoặc gián tiếp phạm tội do các nguyên nhân trực tuyến chiếm khoảng 50%.

Còn ở Trung Quốc, Hiệp hội Tội phạm học Trung Quốc từng phải đưa ra cảnh báo khi số vụ hiếp dâm trẻ em gái do tác động của văn hóa phẩm đồi trụy trên Internet phần lớn thủ phạm đều dưới 16 tuổi.

Những mặt trái của Internet tác động tiêu cực đến hành vi độ tuổi thiếu niên (Ảnh minh hoạ)

Nhìn chung, khi tổng hợp các báo cáo nghiên cứu, thì ảnh hưởng của Internet đến các hành vi phạm pháp, tội phạm của người chưa thành niên chủ yếu được thể hiện ở 2 loại.

Thứ nhất là ảnh hưởng trực tiếp, đó là hành vi sử dụng công nghệ máy tính gây nguy hiểm cho xã hội thông qua mạng Internet, hay còn gọi là “tội phạm mạng”.

Tội phạm mạng của thanh thiếu niên hiện nay tập trung ở 4 loại sau: Tội phạm mạng gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia; Tội phạm mạng gây nguy hiểm cho kinh tế; Tội phạm mạng gây nguy hiểm cho quản lý trật tự xã hội; Tội phạm mạng xâm hại đến quyền nhân thân, quyền sở hữu… của cá nhân khác. Loại tội phạm thứ 4 là phổ biến nhất.

Thứ 2 là tác động gián tiếp, các hành vi vi phạm pháp luật do ảnh hưởng của thông tin xấu trên Internet gây ra. Ví dụ, thanh thiếu niên thường xuyên tiếp xúc với các trang web khiêu dâm hoặc chơi các trò chơi bạo lực không phù hợp với độ tuổi có thể dẫn đến biến dạng tâm lý.

Từ đó họ mô phỏng các hành vi ấy ra ngoài đời thật, dẫn đến hiếp dâm hoặc bạo lực.

Khi lên mạng, những người trẻ thường hòa mình vào đám đông, không suy nghĩ, phán đoán và phân biệt một cách hợp lý, và dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin như nội dung khiêu dâm, bạo lực và khủng bố trên Internet.

Người chưa thành niên thường có xu hướng học hỏi và bắt chước những điều mới, và dưới tác động của tâm lý muốn thử trải nghiệm, họ có thể chuyển những hành vi họ thấy trên mạng ảo thành hành vi thực tế của bản thân.

Người chưa thành niên phạm tội có thể làm lại cuộc đời?

Theo nghiên cứu, do ảnh hưởng tâm sinh lý, người chưa thành niên phạm tội hầu hết do tâm lý bốc đồng, thích phiêu lưu. Các nhà tâm lý học tội phạm gọi hiện tượng này là “hành vi chống đối xã hội tạm thời của thanh thiếu niên”.

Do đó, không nên lạm dụng hình phạt nặng nề hoặc gán nhãn, cô lập khiến người chưa thành niên phạm tội không còn đường hoàn lương.

Tags:

TOP