HLV Nguyễn Văn Sỹ: Vợ ủng hộ khi tôi đi vay tiền ứng lương cho cầu thủ

HLV Nguyễn Văn Sỹ: Vợ ủng hộ khi tôi đi vay tiền ứng lương cho cầu thủ

Tình cảm của cổ động viên thành Nam theo ông Nguyễn Văn Sỹ là tài sản vô giá mà không phải đội bóng nào cũng có được.

HLV Nguyễn Văn Sỹ

Trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông, HLV Nguyễn Văn Sỹ chia sẻ, CLB Nam Định rất khó khăn về mặt tài chính, luôn phải giật gấu vá vai nhưng bù lại, từ Ban huấn luyện tới cầu thủ luôn một lòng. Tình cảm của cổ động viên thành Nam theo ông Sỹ cũng là tài sản vô giá mà không phải đội bóng nào cũng có được.

Vũ khí tinh thần

Kể từ khi trở lại V-League vào năm 2017, CLB Nam Định liên tục phải vật lộn với cuộc đua trụ hạng. Tuy nhiên, mùa giải năm nay, đội bóng dưới quyền ông lại đang chơi rất hay, nằm trong top 4 đội dẫn đầu V-League 2021. Là thuyền trưởng, ông có bất ngờ với thành tích này?

Chúng tôi biết thực lực của mình ở đâu nên trước mỗi mùa đều chỉ khiêm tốn đặt mục tiêu giành vị trí an toàn sớm nhất có thể, mùa này cũng không ngoại lệ. Nam Định có thành quả như hiện tại, nói thật lúc đầu tôi có chút bất ngờ nhưng sau thì không bởi toàn đội đã nỗ lực hết mình trong từng trận đấu.

Với vị trí thứ tư hiện tại, chúng tôi đặt mục tiêu giành 3 điểm trong trận đấu cuối giai đoạn 1 trước SHB Đà Nẵng để tự quyết việc nằm trong top 6. Nếu được, lần đầu kể từ năm 2017, đội sẽ không phải lo trụ hạng (top 6 đội đầu bảng sau giai đoạn 1 sẽ đua vô địch). Trường hợp Than Quảng Ninh thua HAGL, chúng tôi thậm chí còn có thể leo lên top 3. Đây sẽ là lợi thế lớn ở giai đoạn 2 bởi top 3 sẽ được chơi 3 trận sân nhà.

Theo ông đâu là điều tạo nên sự khác biệt cho Nam Định ở mùa giải năm nay?

Công bằng mà nói, chúng tôi chỉ đá bằng tinh thần và sự nhiệt huyết của cầu thủ. Tôi yêu cầu các bạn ấy chạy nhiều, chạy liên tục để tạo khoảng trống và cơ hội. Khác biệt so với những mùa trước có lẽ là chúng tôi tận dụng tốt hơn các cơ hội mà mình tạo ra.

Dù ghi được nhiều bàn thắng (23 bàn) nhưng Nam Định cũng là một trong những đội để thủng lưới nhiều nhất (21 bàn). Bên cạnh đó, khả năng kiểm soát bóng, kiểm soát trận đấu của Nam Định cũng rất hạn chế. Quãng nghỉ hơn hai tháng là khoảng thời gian cần thiết để tôi củng cố lại đội hình, chiến thuật.

Ngay trong ngày ra quân, Nam Định đã gây sốc khi đánh bại Hà Nội FC 3 – 0, đây có thể coi là cú hích rất lớn cho tinh thần cầu thủ. Trước trận đấu đó, ông có tin đội bóng của mình sẽ giành chiến thắng?

Trước mỗi trận đấu, chúng tôi đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như nhau. Hà Nội FC là đội rất mạnh, nhiều tuyển thủ quốc gia, ngoại binh cũng tốt nên tôi cùng học trò chỉ dám đặt mục tiêu 1 điểm. Tuy nhiên, thực tế trên sân diễn biến có lợi, cầu thủ của tôi giải quyết tốt các tình huống. Đánh bại Hà Nội FC ngay ngày ra quân giúp tinh thần toàn đội lên cao, làm tiền đề cho sự tự tin ở các trận đấu tiếp theo.

CLB Nam Định có nhiều trận đấu rất quả cảm, thậm chí thua 3 – 4 bàn vẫn chơi “nhiệt” khiến đối thủ dù thắng cũng vã mồ hôi. Ông thường nói gì với học trò trước và trong các trận đấu?

Chủ chương của tôi là không tạo áp lực cho cầu thủ. Tôi luôn nhấn mạnh với các em rằng, kết quả trận đấu không quan trọng bằng thái độ thi đấu. Các em có thể thua nhưng không thể chơi bạc nhược, có đến đâu chơi đến đó, đoàn kết một lòng. Trọng tài chưa thổi còi mãn cuộc thì vẫn phải chiến đấu hết sức, thiếu kinh nghiệm thì chơi bằng tinh thần.

Lo nhất việc giữ chân cầu thủ

Cầu thủ Nam Định luôn thi đấu nhiệt huyết. Ảnh: VPF

Quay trở lại với quá khứ, là một người con Nam Định, từng lăn lộn với bóng đá quê hương từ lúc còn là cầu thủ tới khi làm HLV, chứng kiến đội nhà thi đấu trầy trật, nhiều thời điểm rơi vào vòng nguy hiểm, cảm xúc của ông thế nào?

Phải nói thật, có thời điểm tôi rất nản. Nản vì mình cùng ban huấn luyện, cầu thủ nỗ lực nhưng sự chuyển biến rất chậm nếu không muốn nói là giậm chân tại chỗ. Nói là thế nhưng tôi chưa bao giờ thể hiện trước học trò rằng mình đang nản bởi như vậy thì toàn đội sẽ không còn tinh thần thi đấu. Tôi cũng chưa từng có ý định rời đi mà chỉ đau đáu làm sao giúp bóng đá quê hương phát triển.

Nam Định là một đội bóng không dư dả về tài chính, thậm chí có thể nói là nghèo. Làm việc tại môi trường như vậy, ông cảm thấy khó khăn ra sao?

Từ ngày tôi đưa đội lên chơi tại V-League, không mùa nào chúng tôi dư dả tiền bạc. Không có tiền nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc giữ chân các trụ cột, đặc biệt là các ngoại binh. Các đội bóng khác thì chỉ nhăm nhe chèo kéo những cầu thủ sắp hết hợp đồng.

Cứ trước mỗi mùa, chúng tôi gần như phải làm lại từ đầu bởi có nhiều xáo trộn nhân sự. Cầu thủ ra đi, chúng tôi đôn lứa trẻ lên để thế vào. Em đáp ứng được, em thì không, dẫn tới đội hình thiếu sự đồng đều giữa các tuyến.

Kể từ ngày đội lên chơi V-League, áp lực công việc dường như luôn đè nặng lên vai ông. Ông có thường mất ngủ để suy tính cho đội bóng?

Làm bóng đá chuyên nghiệp thì ai cũng phải chịu áp lực. Đội nhà giàu áp lực thành tích cao, đội bóng nghèo như chúng tôi thì áp lực trụ hạng. Áp lực không chỉ tới từ lãnh đạo mà áp lực còn xuất phát từ tình yêu của cổ động viên.

Chúng tôi luôn tự hào bởi sân Thiên Trường mỗi trận đấu đều chật kín. Dù đội thua hay thắng, cổ động viên vẫn ở bên động viên, đó là thứ tài sản vô giá mà không phải đội bóng nào cũng có được. Bởi thế, chúng tôi tâm niệm phải đá làm sao để xứng đáng với người hâm mộ.

Còn nhớ, trong quá khứ, ông từng phải cầm cố sổ đỏ để lấy tiền trả lương cho cầu thủ, gia đình ông khi đó có chia sẻ với ông?

Tôi xin đính chính là tôi chỉ dựa vào các mối quan hệ để vay mấy trăm triệu ứng lương cho học trò chứ chưa tới mức phải mang sổ đỏ đi cầm cố. Đó là thời điểm giữa mùa giải 2018, CLB chưa được giải ngân nên cầu thủ 2 tháng không có lương.

Vợ tôi biết tôi làm vì đội bóng thì rất ủng hộ. Mà không chỉ riêng việc vay tiền, cô ấy luôn ủng hộ tôi, là điểm tựa vững chắc để tôi yên tâm dành hết tâm huyết cho CLB Nam Định. Những lúc khó khăn nhất, cô ấy cũng là người động viên để tôi lấy lại tinh thần.

Dù nghèo nhưng Nam Định lại là đội bóng có bản sắc bậc nhất V-League khi đa phần cầu thủ đều là con em trong tỉnh hoặc tỉnh bạn nhưng do đội đào tạo, hướng đi này liệu có thay đổi trong tương lai?

Bóng đá chuyên nghiệp là thành tích, không có thành tích thì không thể nói hay được. Cầu thủ của tôi đa phần là cầu thủ trẻ, được CLB đào tạo và giờ cống hiến cho CLB. Nhờ vậy, các em đều có ý thức, trách nhiệm với màu cờ sắc áo, luôn đá vì mục tiêu chung.

Bên cạnh đó, cách làm này mang đến sự cổ vũ lớn lao dành cho các lứa trẻ. Mỗi năm có vài cầu thủ U19, U21 được lên đội 1, cầu thủ U17 lên U19, U15 lên U17. Cứ như vậy các em sẽ cảm nhận được động lực để phấn đấu để một ngày có tên ở đội hình 1, được chơi bóng ở V-League cùng các đàn anh.

Trong tương lai, nếu có nguồn kinh phí lớn, điều đầu tiên tôi muốn làm là nâng cao năng lực đào tạo trẻ để xây dựng nền móng vững chắc cho đội bóng. Tôi khẳng định hướng đi của Nam Định sẽ không thay đổi nhưng tùy từng thời điểm sẽ có những sự điều chỉnh sao cho hợp lý.

Tuy không dư dả tài chính, CLB Nam Định lại thường mua được cầu thủ ngoại tốt. Tiêu biểu như Oussou Konan hay Rodrigo ở mùa giải năm nay. Đâu là bí quyết của Nam Định khi làm việc với ngoại binh?

Chúng tôi chắc chắn không thể chi lót tay hay lương cao hơn các đội khác. Khác biệt có lẽ tới từ thái độ với ngoại binh. Cầu thủ Nam Định đa phần đều không phải sao số nên khi tôi quán triệt các em phải đá để phục vụ ngoại binh thì họ tuân thủ chặt chẽ.

Tôi cảm thấy áp lực nhất là giai đoạn chuẩn bị kết thúc mùa giải cũ và chuẩn bị cho mùa giải mới. Đây là thời điểm đàm phán giữ chân cầu thủ hết hợp đồng. Nhiều đêm tôi thao thức tới sáng chỉ bởi một suy nghĩ lấy tiền ở đâu để trả cho cầu thủ, để các em ở lại nhưng không thể tìm được lời giải.
HLV Nguyễn Văn Sỹ

Tôi được biết, nhiều đội cầu thủ nội tốt, có mác tuyển thủ họ không chịu dồn bóng cho cầu thủ ngoại. Ngoài ra, tôi luôn động viên cầu thủ ngoại rằng các bạn là niềm hi vọng của đội. Từ đó họ sẽ chơi hết mình.

Cảm ơn ông!

Tags:

TOP