Khu công nghiệp Mỹ Trung (Nam Định): Địa phương phải 'ngậm quả đắng' đến bao giờ?

Khu công nghiệp Mỹ Trung (Nam Định): Địa phương phải ‘ngậm quả đắng’ đến bao giờ?

Hơn 10 năm trước, chính quyền tỉnh Nam Định dành ra một khu “đất vàng” vốn là đất nông nghiệp thu hồi của nông dân để cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Trung. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không những không làm được như kỳ vọng, tỉnh Nam Định còn đang phải chịu nhiều hệ lụy từ dự án này…

Nhiều năm nay, đất KCN Mỹ Trung được người dân tận dụng để chăn thả trâu.

Đất vàng bỏ hoang

Từ nhiều năm nay, người dân Nam Định rất quen thuộc với hình ảnh ngày ngày một đàn trâu thong dong gặm cỏ trên khu đất rộng mênh mông nằm sát Quốc lộ 10, liền kề TP Nam Định – nơi được gọi là KCN Mỹ Trung…

Sự việc bắt đầu vào năm 2006, UBND tỉnh Nam Định có quyết định giao Công ty CP Công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh (trước đây thuộc Tập đoàn Vinasin, nay thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) làm chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Trung (rộng hơn 150 ha, thuộc địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc). Tổng mức đăng ký đầu tư của Công ty Hoàng Anh là gần 359 tỷ đồng.

Để có đất giao cho doanh nghiệp, chính quyền tỉnh Nam Định đã thu hồi đất nông nghiệp của nhiều hộ nông dân địa phương.

Với vị trí đắc địa, khi đó chính quyền tỉnh Nam Định định hướng và kỳ vọng KCN Mỹ Trung sẽ được xây dựng trở thành KCN hiện đại, tập trung thu hút các dự án sản xuất bằng công nghệ cao, tạo sự bứt phá về thu ngân sách cho tỉnh…

Sau khi được cấp phép, giao đất, Công ty Hoàng Anh đã tiến hành san lấp mặt bằng, xây tường bao, đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước. Một số đơn vị của tỉnh thực hiện được việc cấp điện, nước, hạ tầng thông tin liên lạc.

Tuy nhiên sau đó, với hàng loạt sai phạm, thua lỗ dẫn tới việc Tập đoàn Vinasin bị sụp đổ. Hàng loạt dự án đầu tư của Tập đoàn, trong đó có dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Trung (thông qua công ty con là Hoàng Anh Vinasin) bị đình trệ.

Với nhiều sai phạm về kinh tế, ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Hoàng Anh phải nhận mấy án phạt tù. Trên thực tế, từ năm 2010 đến nay, Công ty Hoàng Anh đã dừng hẳn việc đầu tư, khiến hạ tầng KCN Mỹ Trung trong tình trạng hạ tầng đầu tư dang dở.

Do hạ tầng dang dở, hiệu quả thu hút các nhà đầu tư thứ cấp của KCN rất thấp. Theo đó, mới chỉ có vẻn vẹn 13 nhà đầu tư vào thuê đất, xây dựng nhà máy trên diện tích hơn 26 ha; hơn 83 ha đất thương mại còn lại của KCN nhiều năm nay bị bỏ hoang…

Vẫn phải trông chờ vào… trên

Sau “thảm họa Vinasin”, nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Nam Định đã có nhiều động thái nhằm phá “thế kẹt” ở KCN Mỹ Trung, như đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan và Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cho phép tỉnh thu hồi lại hơn 150 ha đất đã giao cho Công ty Hoàng Anh; tìm kiếm nhà đầu tư mới thay thế Công ty Hoàng Anh; mời cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính định giá tài sản Công ty Hoàng Anh đã đầu tư trên đất KCN Mỹ Trung. Tuy nhiên, những nỗ lực trên của chính quyền tỉnh Nam Định đến nay đều chưa có kết quả.

Mới đây, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng một số bộ ngành với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nam Định, liên quan đến những vướng mắc tại KCN Mỹ Trung, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Công, người cũng đang đảm nhiệm vai trò phụ trách Hội đồng thành viên Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cho biết: trên cả nước hiện có tới 30 dự án do các công ty “con” của Tập đoàn Vinasin trước đây, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam ngày nay làm chủ đầu tư đang trong tình trạng tương tự như dự án đầu tư KCN Mỹ Trung.

Riêng về Công ty Hoàng Anh và những vướng mắc tại KCN Mỹ Trung, ông Công cho biết: Hiện công ty này đang nợ các tổ chức tín dụng khoảng 20 triệu USD, phần lớn trong số này có nguồn gốc từ nguồn Trái phiếu quốc tế do Chính phủ phát hành. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất KCN Mỹ Trung từ lâu đã được Công ty Hoàng Anh mang đi thế chấp để vay vốn.

“Quá trình làm việc với Tổng công ty, các chủ nợ khác đều đã thống nhất sẽ giảm nợ, xóa nợ cho Công ty Hoàng Anh. Riêng phần vốn vay từ nguồn Trái phiếu quốc tế thì không thể xóa được” – ông Công cho biết vướng mắc.

Về giải pháp tuyên bố phá sản Công ty Hoàng Anh, ông Công cho rằng với giải pháp này thì theo luật, chính quyền tỉnh Nam Định có thể thu hồi lại đất KCN Mỹ Trung. Tuy nhiên, phần tài sản trên đất Công ty Hoàng Anh đã đầu tư sau đó mang đấu giá sẽ không được bao nhiêu, chỉ vài chục tỷ đồng.

“Như vậy, nếu không xóa nợ thì các chủ nợ (bao gồm cả Chính phủ với phần nợ có nguồn trái phiếu quốc tế) cũng sẽ mất” -ông Công nhìn nhận.

Từ đó, ông Công ủng hộ đề xuất của tỉnh Nam Định đó là tìm kiếm nhà đầu tư mới. Qua định giá, cơ quan thẩm định giá của Bộ Tài chính đã định giá phần giá trị Công ty Hoàng Anh đã đầu tư vào KCN Mỹ Trung là 250 tỷ đồng.

Như vậy, nhà đầu tư nào thay thế Công ty Hoàng Anh tiếp tục đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Trung sẽ phải thanh toán lại cho Công ty Hoàng Anh số tiền này.

“Theo phương án này phần Nhà nước thu hồi lại được sẽ nhiều hơn phương án phá sản Công ty Hoàng Anh” – ông Công nhìn nhận.

Tuy nhiên, kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đến nay ở Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam còn rất nhiều công ty, dự án tương tự như Công ty Hoàng Anh, tương tự Dự án KCN Mỹ Trung.

Do vậy, để giải quyết căn cơ vấn đề này không thể bằng việc giải quyết riêng lẻ vấn đề tại KCN Mỹ Trung mà phải là giải pháp tái cấu trúc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy. Mà theo hướng này thì Chính phủ cần phải có đề án, trình xin ý kiến kiến Bộ Chính trị.

Từ đó, một mặt Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì với các bộ liên quan tiếp tục thực hiện văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết những vướng mắc tại KCN Mỹ Trung (sau khi UBND tỉnh Nam Định có văn bản xin ý kiến xử lý).

Mặt khác, Phó Thủ tướng giao Bộ GT-VT rà soát, bổ sung vấn đề của Công ty Hoàng Anh và các công ty trực thuộc khác trong tình trạng tương tự trên cả nước vào đề án tái cấu trúc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy, để Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét.

Như vậy, chưa biết đến bao giờ tỉnh Nam Định mới thoát được “thế kẹt” tại Dự án KCN Mỹ Trung.

Trần Duy Hưng
( đại đoàn kết)


TOP