Lộ Hải Thanh, phủ Ứng Phong - Vùng đất Nam Định thời Lý

Lộ Hải Thanh, phủ Ứng Phong – Vùng đất Nam Định thời Lý

Cùng với sự chuyển mình của cả nước, Nam Định vốn từng là vùng đất căn bản dưới thời Ngô, Đinh và Tiền Lê đã nhanh chóng trở thành một vùng trọng yếu của quốc gia Đại Việt thời Lý. Nằm trong lộ Hải Thanh, phủ Ứng Phong, vùng đất này tương đương với đất của các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực và một phần của hai huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng hiện nay.

Phủ Ứng Phong có hai cửa biển quan trọng là Ba Lạt và Đại An. Ba Lạt là nơi sông Hồng đổ ra biển. Thời kỳ đó cửa biển này ở vào khoảng ngã ba sông nơi tiếp giáp hai huyện Trực Ninh và Xuân Trường.

Vùng đất từ Quán Các ra tới cửa Ba Lạt mà trung tâm là khu vực chùa Cổ Lễ, khi ấy có tên Nôm là Keo, tên chữ là Giao Thuỷ (có nghĩa là vùng nước ngọt và nước mặn giao nhau khi triều lên), còn cùng chung nhịp thở với biển, nhanh chóng biến thành một dải giao thoa văn hoá. Đây là nơi neo đậu cư trú của những cư dân đánh cá sau những ngày đi biển. Họ sống tụ cư thành các vạn chài. Xung quanh những điểm tụ cư này thường diễn ra các hoạt động trao đổi buôn bán. Cảnh trên bến dưới thuyền đã tạo nên sự năng động trong đời sống kinh tế và sự đa dạng, phong phú trong diện mạo văn hoá.

Tại chùa Nghĩa Xá (Viên Quang tự), xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường hiện còn lưu giữ được một tấm bia thời Lý có tên Viên Quang tự bi minh tính tự. Theo nhân dân địa phương và ý kiến các chuyên gia nghiên cứu, chùa vốn ở vạn Giao Thuỷ, sau nhiều lần di dời chùa mới được chuyển về vị trí như hiện nay. Vị trí ban đầu của vạn Giao Thuỷ thời Lý ở gần bờ sông Hồng, trong khoảng từ xã Nam Thắng đến xã Nam Hồng, huyện Nam Trực hiện nay. Điều này phù hợp với nội dung một tấm bia khác của chùa được dựng muộn hơn vào năm Đồng Khánh thứ 2 (1887). Theo tấm bia này, dưới thời Lý đây là ngôi chùa lớn có tới 36 toà, hàng trăm gian. Khi sông đổi dòng, chùa có nguy cơ bị lở nên đã được dời về Bát Dương (xã Vũ Phong, Vũ Hợp, huyện Vũ Thư), sau mới chuyển về vị trí hiện nay. Bát Dương là vùng đất nằm ở bên kia sông Hồng, ngang với Quán Các. Sự chuyển dời qua các thời kỳ lịch sử của chùa Viên Quang mà tấm bia thời Lý còn sót lại là một minh chứng rất đáng tin cậy cũng rất giống với sự chuyển dịch của chùa Keo. Tên chữ của chùa là Thần Quang tự hiện được đặt cho ba ngôi chùa lớn ở vùng hạ lưu sông Hồng. Đó là chùa Keo Hành Thiện, chùa Keo Dũng Nhuệ (Thái Bình) và chùa Cổ Lễ. Sự dịch chuyển này liên quan tới sự chuyển đổi dòng chảy của sông Hồng và quá trình mở rộng của vùng đất hạ lưu.

Thời Lý, cùng với sự phục hưng toàn diện của đất nước, nghề đúc đồng có một bước phát triển nhảy vọt. Sản phẩm tiêu biểu của nghề đúc đồng thời kỳ này là những quả chuông chùa, những pho tượng Phật có kích thước lớn. Sự hưng thịnh của nghề đúc đồng thời Lý được gắn với tên tuổi của Thiền sư Không Lộ. Sự tích và công lao của ông đã in sâu trong ký ức của nhân dân địa phương.

Chùa Cổ Lễ hiệu “Thần Quang Tự” , xây dựng từ thế kỷ 12 thời Lý Thần Tôn, thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không.

Chùa Cổ Lễ hiệu “Thần Quang Tự” , xây dựng từ thế kỷ 12 thời Lý Thần Tôn, thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không.

Chùa Cổ Lễ hiệu “Thần Quang Tự” , xây dựng từ thế kỷ 12 thời Lý Thần Tôn, thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không.
Vùng đất Nam Định từ thời Lý đã có những trung tâm chế tác đồng nổi tiếng mà tiêu biểu là làng Tống Xá (nay thuộc xã Yên Xá, huyện Ý Yên). Tại chùa Phổ Minh, Nam Định từng có một vạc đồng được xếp vào hạng đại khí, tương truyền đều do Không Lộ chế ra, chắc hẳn đã có sự đóng góp công sức và tài năng của các nghệ nhân đúc địa phương.

Dưới thời Lý, Phật giáo có vai trò đặc biệt quan trọng. Sự hưng thịnh của Phật giáo có quan hệ mật thiết đến chính sự, đời sống kinh tế – xã hội và phát triển văn hoá. Các sư tăng là tầng lớp trí thức được triều đình trọng đãi. Sự hiện diện những ngôi chùa lớn ở vùng đất giao thoa từ Quán Các đến Cổ Lễ và toà bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện được xây dựng trên núi Chương Sơn (nay thuộc xã Yên Lợi, huyện Ý Yên) năm 1117 mà vua Lý Nhân Tông đích thân tới làm lễ khánh thành, chứng tỏ đây là một vùng đất có vị trí trung tâm.

Nam Định không những là một cửa ngõ của cả vùng châu thổ sông Hồng mà còn là một trung tâm kinh tế quan trọng. Các vua Lý đã dành sự quan tâm đặc biệt cho vùng đất này. Trên đất Nam Định xưa, nhà Lý đã cho xây ít nhất hai hành cung làm nơi cho vua dừng chân nghỉ lại trong những lần đi kinh lý vùng đất này.

Xét về mặt địa hình và mạng lưới giao thông, ở thời Lý, không có hệ thống giao thông nào thuận tiện và an toàn hơn là các con sông. Từ Thăng Long đi về phía nam ra biển lúc đó có hai tuyến chính là sông Hồng và sông Đáy. Nhiều tư liệu lịch sử và địa lý cho thấy vào thời kỳ này, sông Đáy có vai trò quan trọng hơn sông Hồng. Đối với xứ Nam, trong đó có phủ Ứng Phong, các con sông nhỏ nối hai con sông này giữ vị trí cực kỳ quan trọng. Đó là các con sông Châu Giang, Ninh Giang, Ba Sắt (Sông Sắt) và sông Đào.

Trong suốt thời Lý, phủ Ứng Phong luôn là một địa bàn có vị trí chiến lược về cả phương diện quân sự, kinh tế và văn hoá, là cửa ngõ phía nam của kinh thành Thăng Long thời bấy giờ. Trong quan hệ với Champa, vùng đất này giữ vai trò một địa bàn trọng yếu.
Nguồn tin: Địa chí Nam Định


TOP