Mối tình đẹp của nhạc sĩ đoản mệnh người Nam Định và hai tuyệt phẩm

Mối tình đẹp của nhạc sĩ đoản mệnh người Nam Định và hai tuyệt phẩm

Những người yêu âm nhạc không ai không biết hai bài hát cực kỳ nổi tiếng đã ba phần tư thế kỷ qua in hằn sâu đậm trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng. Hai bài của cùng một người sáng tác. Và tác giả này là một nhạc sỹ hết sức đặc biệt do có tài năng thiên bẩm quý hiếm nhưng lại vụt tắt rất nhanh do cuộc đời kết thúc quá sớm, lúc mới ở tuổi 24. Đó là nhạc sỹ Đặng Thế Phong với hai ca khúc bất hủ “Con thuyền không bến” và “Giọt mưa thu”.

Cuộc đời người nhạc sỹ tài hoa nhưng bạc mệnh này tuy ngắn ngủi nhưng đã có quá nhiều thăng trầm và những khúc quanh không nhiều người biết. Nhưng ai đã rõ thì lại càng thấy bài hát có sức cuốn hút hơn bởi sự ra đời của nó được thôi thúc từ một trái tim luôn run rẩy và bùng cháy yêu thương.

Đặng Thế Phong sinh ngày 5-4-1918 ở thành phố Nam Định. Nhạc sỹ là con thứ hai trong một gia đình có 6 anh chị em. Bố ông là một công chức nhưng có máu văn nghệ, sống phóng túng nên cuộc sống cả nhà rất đạm bạc.

Khi cậu bé Phong học đến năm thứ hai bậc thành chung (tương đương lớp 7 bây giờ) thì người cha qua đời. Một mình người mẹ buôn thúng bán mẹt không thể nuôi nổi 6 người con nên cậu phải bỏ học, lên Hà Nội kiếm sống. Do có năng khiếu về họa nên cậu xin vẽ tranh minh họa cho một tờ báo và học hình thức dự thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cậu tham gia một kỳ thi vẽ do nhà trường tổ chức bằng bức họa một cái cây rất đẹp nhưng chỉ có lá với mấy chiếc cành mà không có ngọn, tức cây cụt.

Nhạc sỹ Đặng Thế Phong.

Vị giáo sư người Pháp tên là Tardieu rất khen tác phẩm của cậu nhưng phán: “Tranh em vẽ đẹp nhưng báo hiệu rằng em không sống được lâu đâu”. Không hiểu ông thầy có phép thần gì mà đã phán đúng về số phận của Đặng Thế Phong.

Vẽ minh họa cho tờ báo kia chẳng được lâu, Phong lại long đong lận đận kiếm sống bằng đủ mọi nghề. Ông cùng người chú họ phiêu bạt vào Sài Gòn rồi sang Campuchia, mở lớp dạy nhạc tại Phnôm Pênh. Đến tháng 8-1941 lại trở về Sài Gòn rồi ra Hà Nội.

Cuộc sống ngày càng khó khăn. Do phải lăn lộn kiếm sống mà sức khỏe của chàng thanh niên Đặng Thế Phong ngày càng sa sút, dẫn đến bị bệnh lao. Không có tiền chạy chữa, biết mình khó qua khỏi, ông nói người chú đưa về Nam Định để gần mẹ và các anh chị em và đến năm 1942, ông qua đời trên một căn gác tại số 9 phố Hàng Đồng, TP Nam Định.

Vậy là cuộc đời quá ngắn ngủi. Nhưng Đặng Thế Phong đã kịp để lại hai bài hát nổi tiếng như đã nói. Mỗi bài đều được ra đời từ những nguyên cớ cụ thể nhưng có một xuất phát điểm chung. Đó là hình bóng một người con gái đã chiếm trọn trái tim nhạc sỹ. Là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, có nước da trắng và môi đỏ như con gái, tính tình điềm đạm, nhẹ nhàng, lại đàn ngọt, hát hay nên Phong dễ được các cô gái để ý.

Tuy đã lên Hà Nội nhưng thi thoảng, chàng Phong vẫn về nhà ở Nam Định. Một cô gái có tên Tuyết bán chăn ở chợ Rồng rất duyên dáng đã lọt vào mắt xanh của chàng. Nhưng vốn bản tính nhút nhát, Phong không biết xoay xỏa làm quen cô như thế nào. Chàng bèn nghĩ ra một kế là viết sẵn lá thư rồi giả vờ vào hỏi mua chăn, mới nhét nhanh lá thư vào tay cô. Không biết thư Phong viết gì mà sau đó, cô đã khước từ lời cầu hôn của một anh chàng thông phán trẻ con nhà giàu có làm việc ở Tòa Đốc lý Nam Định.

Thế là từ đó, hai người chính thức có quan hệ gắn bó. Lúc thì Phong về Nam Định, khi thì Tuyết lên Hà Nội. Những cuộc hò hẹn rồi mong chờ trong sự bồi hồi nhung nhớ đã khiến trái tim chàng trai luôn rung lên những âm thanh kỳ diệu nhất để sau đó tuôn ra thành tác phẩm.

Một lần, Đặng Thế Phong cùng một nhóm bạn lên tỉnh Bắc Giang chơi. Đến đêm, mọi người tổ chức du thuyền trên sông Thương. Cuộc ngao du gần như thâu đêm, chẳng ai buồn ngủ. Đến khuya, Phong nhận tin người tình ở Nam Định bị ốm. Lòng dạ chàng bồn chồn. Thương, nhớ và lo lắng cho Tuyết, chàng ôm đàn vào trong khoang ngồi một mình viết nên bài “Con thuyền không bến” (“Đêm nay thu sang cùng heo may/ Đêm nay sương lam mờ chân mây/ Thuyền ai lờ lững trôi theo dòng/ Như nhớ thương ai chùng tơ lòng…”).

Nghe giai điệu có phần bằng phẳng với tiết tấu chậm rãi, dàn trải, ta thấy nổi rõ hình tượng dòng sông lững lờ trôi trong khung cảnh êm ả, thanh bình giữa ban đêm nhưng mang nặng tâm trạng buồn, nhớ, có chút gì đó u ẩn của tác giả. Thấy Phong ôm đàn âm ư trong khoang thuyền, các bạn biết anh đang sáng tác. Sau đó, họ yêu cầu Phong hát cho nghe.

Nghe xong, họ nói: “Hay đấy. Nhưng sao buồn thế? Có thất tình đâu. Đang được đấy chứ. Nhớ người yêu nhưng phải vui lên chứ”. Đặng Thế Phong hát đi hát lại để cố sửa cho bớt buồn theo lời các bạn góp. Phạm Duy – một nhạc sỹ cũng rất nổi tiếng cùng thời với Đặng Thế Phong có lần cho biết: Lúc đầu, bài hát này còn buồn nữa. Bài ta biết bây giờ là sau khi tác giả đã sửa lại, cắt bớt một số câu và đẩy tốc độ nhanh hơn chút ít.

Ảnh bìa nhạc phẩm “Giọt mưa thu” lúc mới ra đời.

Ngay sáng hôm sau, nhạc sỹ lao về Nam Định với Tuyết và hát cho nàng nghe. Gặp người tình, được chàng quan tâm chăm sóc, lại được nghe bài hát chàng viết từ mình, giành cho mình, Tuyết nhanh chóng bình phục. Sau đó, vì bài hát quá hay nên đã nhanh chóng lan tỏa; được trình diễn lần đầu ở Sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội với sự thể hiện của nữ ca sỹ Vũ Thị Hiển. Từ TP Nam Định, Tuyết đã bỏ một ngày chợ để cùng lên Hà Nội, vào Nhà hát lớn, ngồi hàng ghế đầu bên cạnh Đặng Thế Phong nghe bài hát “người ấy viết về mình”. Sau lần này, mối tình giữa hai người càng thêm gắn bó keo sơn.

Đó là sự ra đời của bài “Con thuyền không bến”. Còn ca khúc “Giọt mưa thu” lại được xuất hiện trong hoàn cảnh khác cũng khá đặc biệt. Lúc Đặng Thế Phong từ Campuchia trở về Sài Gòn rồi ra Hà Nội, tiền bạc kiệt quệ, cuộc sống trở lại điệp khúc nghèo khó. Lúc này, Phong đã có quan hệ tình cảm khá mặn nồng với Tuyết. Vì nghèo khó nên chàng rất ngại về Nam Định, mặc dù rất nhớ người yêu. Tuyết nói sẽ gửi tiền giúp nhưng chàng nhất định không nhận.

Xa người tình, chàng vô cùng buồn và nhớ. Giữa tháng 7 mưa Ngâu rả rích, nhiều ngày liền ngồi thu lu trong nhà không đi đâu, Đặng Thế Phong đã viết nên bài “Giọt mưa thu” cũng với phong cách quen thuộc là buồn, sâu lắng. Âm nhạc bài này nổi rõ hình tượng những giọt mưa thánh thót rơi ngoài hiên phụ họa cho cõi lòng con người buồn đến tái tê: “Ngoài hiên, giọt mưa thu thánh thót rơi/ Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi/ Nghe gió thoảng mơ hồ, ai khóc ai than hờ/ Vài con chim non chiêm chiếp bay trên cành/ Như nhủ trời xanh…”.

Khi căn bệnh lao của Đặng Thế Phong trở nên nặng, Tuyết đã hết mình chăm sóc người yêu. Cô âm thầm tìm mua thuốc ở nhiều nơi để mong chàng qua khỏi. Ngày nay, căn bệnh này không còn là nan y, có thể dễ dàng cứu chữa. Nhưng ngày trước là căn bênh rất nặng, phải chữa rất tốn kém mà khả năng khỏi không nhiều.

Tuyết đã không quản vất vả, tốn kém và bị lây bệnh để suốt ngày ở bên Phong, chăm sóc chàng. Khi Phong qua đời, có rất nhiều bạn bè, người quen thân đưa tiễn. Người ta thấy Tuyết mặc áo xô trắng để tang Phong như một người vợ chính thức. Tại Nam Định, rất nhiều năm sau, người ta vẫn còn trầm trồ khen ngợi mối tình đẹp của đôi trai tài gái sắc, đặc biệt là tình chung thủy, son sắt, cao cả của cô gái bán chăn ở chợ Rồng giành cho người yêu.

Ngoài hai bài trên, Đặng Thế Phong còn một bài nữa viết trước đó là “Đêm thu” (1940) dành cho học sinh Hà Nội sinh hoạt lửa trại và chừng dăm bảy bài về các đề tài khác nhưng hai bài nhắc đến ở trên là xuất sắc hơn cả. Đó là hai viên ngọc quý trong nền tân nhạc Việt Nam.

Có thể nói, Đặng Thế Phong nằm trong số những nhạc sỹ tiêu biểu nhất cho dòng nhạc ta vẫn gọi là tiền chiến. Ông qua đời quá sớm là mất mát rất đáng tiếc, bởi chúng ta mất đi một tài năng lớn trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc với rất nhiều hứa hẹn. Nếu ông không vội vàng ra đi và đồng hành cùng toàn dân tộc qua những chặng đường lịch sử sau này, chúng ta sẽ có thêm một nhạc sỹ tài ba và rất có thể thêm cả một họa sỹ cũng không kém phần xuất sắc như những Văn Cao, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Hà …– những nhạc sỹ kiêm cả họa sỹ.

Nguyễn Đình San( công an nhân dân)


TOP