Nam Định áp đảo cả nước, có 574 bài thi Ngữ văn đạt từ 8 điểm trở lên

Nam Định áp đảo cả nước, có 574 bài thi Ngữ văn đạt từ 8 điểm trở lên

Ở môn Ngữ văn, Nam Định vẫn là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về số lượng bài thi có điểm cao (từ điểm 8 trở lên) và số lượng có bài thi đạt điểm cao nhất trong toàn quốc.

Thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho biết, toàn bộ bài thi của thí sinh Nam Định dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại tỉnh này đã được chấm xong.

Trong đó, ở môn Ngữ văn, Nam Định vẫn là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về số lượng bài thi có điểm cao (từ điểm 8 trở lên) và số lượng có bài thi đạt điểm cao nhất trong toàn quốc. Cụ thể, Nam Định có tới 574 bài thi Ngữ văn đạt từ 8 điểm trở lên và có 22 bài thi Ngữ Văn đạt điểm từ 9 trở lên. Trong đó, có 8/9 bài đạt được mức điểm cao nhất hiện nay của cả nước là 9,25 điểm.

Nam Định cũng có số bài thi môn Ngữ văn đạt điểm từ trung bình trở lên chiếm tỷ lệ cao (89,6%). Tuy nhiên, tại Nam Định cũng phát hiện có 18 bài thi Ngữ văn bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống).

Nam Định đã thực hiện “giám sát đặc biệt” đối với việc chấm thi tự luận môn Ngữ văn. Theo đó, tỉnh này đã thực hiện chấm kiểm tra lại trên 30% trong số 18.039 bài thi môn Ngữ văn.

Sở GD-ĐT Nam Định cho biết, việc chấm thi THPT Quốc gia năm nay tại Nam Định được thực hiện chặt chẽ nhất từ trước tới nay với việc tỉnh này quy định giáo viên không chấm bài thi học sinh khu vực mình; giám khảo khu vực này chấm bài thi học sinh khu vực khác.

Với bài thi trắc nghiệm, Nam Định yêu cầu các trường đại học tham gia chấm thi phải chọn người chấm không phải quê Nam Định. Thành lập tổ chấm kiểm tra với yêu cầu phải chấm kiểm tra ít nhất 5% tổng số bài thi.

Đối với các môn còn lại, Sở GD- ĐT Nam Định cho biết, điểm thi các môn còn lại đều được niêm phong, đợi công bố theo quy định của Bộ GD- ĐT.

Danh sách Ban Chấm thi tự luận của Sở GD&ĐT Nam Định gồm 1 trưởng ban là ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; 5 Phó trưởng ban, trong đó có 1 đại diện từ trường ĐH phối hợp; 10 ủy viên chia thành 3 tổ chấm; 4 công an; 21 bảo vệ, y tế, phục vụ. Số cán bộ chấm thi được huy động là 137 người.

Trước khi chấm, Sở GD&ĐT yêu cầu tổ chức cho cán bộ chấm thi môn Ngữ văn thảo luận, nắm vững hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm. Trong quá trình chấm thi, thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm. Thay đổi hoặc đình chỉ chấm thi đối với những cán bộ chấm thi thiếu trách nhiệm, vi phạm quy chế thi hoặc chấm thi sai sót nhiều.

Với các tỉnh thành khác, ông Nguyễn Viết Hiển – giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình – cho biết hội đồng chấm tự luận ở đây hoàn thành xong hai vòng chấm và chốt điểm bài thi từ ngày 5-7. Các tỉnh thành Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Nội cũng xác nhận chấm xong vào ngày 6-7 và đang tiến hành việc ghép điểm.

Hội đồng chấm thi tự luận năm nay cũng được lựa chọn, kiểm soát rất chặt. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều địa phương bố trí hòm giữ điện thoại của giám khảo, trưởng ban chấm thi. Việc ra vào khu vực chấm thi đều có an ninh kiểm tra. Vì thế việc kết quả chấm thi lọt ra ngoài ít hơn so với năm trước ở thời điểm này.

Theo các giám khảo chấm thi tại Lai Châu, Lào Cai, Thái Bình, Thanh Hóa, các bài thi đạt điểm 5-6 chiếm đa số. “Trong hơn 150 bài thi tôi chấm ở cả hai vòng thì số bài điểm 7 chưa đến 10 bài, nhiều nhất là điểm 5-6” – một giám khảo ở Thái Bình chia sẻ. Tại Hòa Bình, Sơn La, hai tỉnh từng là “điểm nóng” năm trước, các lãnh đạo sở GD-ĐT đều cho biết “điểm thi tự luận không cao”.

Theo các giám khảo, trưởng ban chấm thi ở một số địa phương tiết lộ trong quá trình chấm thì điểm 8-10 môn ngữ văn năm nay không nhiều. Phổ điểm tập trung ở khoảng 5-7 điểm.

Tại Thừa Thiên Huế, theo ông Nguyễn Tân – phó giám đốc Sở GD-ĐT, chỉ có vài bài thi đạt điểm 8,5-9. Số điểm 7 chiếm khoảng 20%, số bài thi đạt điểm 5 đến dưới 7 khoảng 50%. Tại TP.HCM và Hà Nội, điểm 8-9 bài thi ngữ văn cũng rất ít.


TOP