Nam Định: Đến bao giờ các công trình vi phạm mới… hoàn nguyên?

Nam Định: Đến bao giờ các công trình vi phạm mới… hoàn nguyên?

Lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều, dòng chảy,… hay xả thải đe dọa môi trường là hiện trạng đang xảy ra trên nhiều địa bàn tại tỉnh Nam Định, thế nhưng, chính quyền địa phương đang “quên” nhiệm vụ…

Thời gian vừa qua, dư luận liên tục ồn ào bởi hiện trạng vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra tại tỉnh Nam Định, đáng nói, đây đều là những vi phạm tồn tại nhiều năm qua nhưng chính quyền địa phương chỉ tiến hành “phạt cho tồn tại” thay vì xử lý dứt điểm, hoàn nguyên hiện trạng ban đầu. Đặc biệt, nhiều trong số đó là các công trình “khủng” trên diện tích hàng nghìn m2, hay nhức nhối đe dọa trực tiếp môi trường,… thế nhưng, với địa phương này, hiện trạng đã nêu đều trở thành “đặc sản”.

Hiện trạng phạt cho tồn tại có đang trở thành “đặc sản” của tỉnh Nam Định khi các sai phạm xảy ra? – Ảnh: Gia Nguyễn/DĐDN

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Phòng, chống Thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho thấy, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh Nam Định xảy ra 17 vụ vi phạm pháp luật về đê điều mới phát sinh, tuy nhiên, chỉ xử lý được 1 vụ, còn 16 vụ đang tồn đọng chưa thể xử lý… con số này, không chỉ thế hiện tình hình “nóng” của hiện vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra trên địa bàn tỉnh, mà còn thể hiện sự “buông lỏng quản lý”, thiếu quyết liệt trong thực hiện thẩm quyền chức năng.

Đáng nói, điều khiến dư luận vô cùng quan ngại, thực trạng vi phạm tại Nam Định không nhỏ như cái kim, tìm không thấy mà là cả công trình, quần thể rộng hàng nghìn m2 nhưng địa phương chỉ có thể phát hiện sau khi cơ quan báo chí phản ánh, và mất gần 1 năm thực hiện thanh tra liên ngành mới có kết quả để xử phạt Công ty vi phạm 140 triệu đồng, liệu có thỏa đáng không?

Công trình vi phạm khu sinh thái Lưu Gia Trang là một ví dụ điển hình cho công tác quản lý trên địa bàn tỉnh Nam Định, trong kết luận thanh tra chỉ rõ, sai phạm về lĩnh vực đất đai, Công ty Trường Thoa được UBND tỉnh Nam Định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 6.923,1m2, tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế Công ty đang sử dụng 7.127,5m2, tăng 204,3m2 mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép.

Mặc dù không phải cái kim, sợi chỉ, thế nhưng, nhiều năm sau khi vi phạm xảy ra, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Nam Định mới hay biết, liệu có thỏa đáng? – Ảnh: Gia Nguyễn/DĐDN

Trong đó, vi phạm về lĩnh vực đê điều khi xây dựng hạng mục cổng và một đoạn tường bao trên hành lang bảo vệ đê điều; vi phạm về lĩnh vực xây dựng, với tổng diện tích 480,8m2, gồm: nhà kho, nhà vui chơi trẻ em, nhà chuẩn bị đồ, lán chuẩn bị đồ, nhà điều hành lễ tân; 728,3m2 các hạng mục công trình không có trong Quy hoạch tổng mặt bằng và không có Giấy phép xây dựng như: nhà chuẩn bị đồ, nhà bơm nước, nhà ăn, nhà vệ sinh, cổng khu nhà gỗ, cổng khu nhà văn phòng, công trình tạm bao gồm làn chuẩn bị đồ, lán bán hàng, lán lợp tôn..

Ngoài ra, các hạng mục công trình xây dựng có trong Quy hoạch tổng mặt bằng và giấy phép xây dựng được cấp nhưng hiện trạng xây dựng bị thay đổi vị trí, diện tích, chiều cao, số tầng, gồm: khu nhà gỗ và giới thiệu sản phẩm truyền thống, nhà tập Yoga, lầu vọng cảnh, hạng mục cổng chính (lối ra vào…). Tổng diện tích xây dựng là 1.094,5m2.

Vậy, vai trò quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý ở đâu? Con voi “chui lọt lỗ kim” bằng cách nào? Tại sao trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn như Sở NN&PTNT; Sở Xây dựng; UBND TP. Nam Định… lại không được nhắc tới?

Công ty than Nam Vang từng là bài học nhãn tiền về phương pháp xử lý sai phạm tại tỉnh Nam Định đối với sai phạm trên địa bàn – Ảnh: Gia Nguyễn/DĐDN

Bên cạnh đó, tại khu vực bãi Sông Ninh Cơ, xã Việt Hùng (tương ứng từ K8+825 – K9+100), Công ty Cổ phần đóng tàu Đức Việt – Công ty TNHH nhựa Trực Ninh cũng ngang nhiên xây dựng trái phép 2 nhà xưởng với diện tích 3.360m2 gây cản trở thoát lũ, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đê điều.

Thế nhưng, theo thống kê từ năm 2018 đến nay, các cấp chính quyền tỉnh Nam Định đã hơn 10 lần ra văn bản làm việc, xử phạt, cưỡng chế đối với doanh nghiệp này với những hành vi như: không có kế hoạch bảo vệ môi trường; xả thải vượt quy chuẩn cho phép; vi phạm pháp luật về đê điều; vi phạm tài nguyên nước và khoáng sản;… với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng sai phạm vẫn hoàn sai phạm.

Trước đó, cũng liên quan đến tình trạng tương tự tại xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh với vi phạm của Công ty than Nam Vang trên phần diện tích của Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Tiến cho thuê lại, mặc dù là điểm “nóng” nhức nhối trong vi phạm môi trường, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều, mỗi lần cơ quan báo chí vào cuộc, địa phương lại ban hành văn bản xử lý triệt để nhưng kéo dài nhiều năm, mới có thể hoàn nguyên lại hiện trạng.

Vậy, nguyên nhân từ đâu? Tại sao hình thành xây dựng, vi phạm nhanh chóng nhưng xử lý hoàn nguyên hiện trạng lại bị “ngâm tôm”? Phạt cho tồn tại có phải “đặc sản” của Nam Định hay không? Điệp khúc sai phạm, sai phạm,… sẽ tồn tại đến bao giờ?

Tags:

TOP