Nam Định: Người đàn bà khép lại từng giấc mơ đời thường

Nam Định: Người đàn bà khép lại từng giấc mơ đời thường

Con lớn bị liệt, con thứ 2 đang có dấu hiệu không đi lại được, chồng bị suy thận độ 5, cả gia đình rơi vào cảnh túng bẫn. Chỉ còn người vợ với đôi vai gầy phải gánh lên tất cả gánh nặng ấy…

Con đường quanh xóm nhỏ dẫn vào ngôi nhà tuềnh toàng. Nắng dàn đều trên khoảng sân trống huơ trông hoác, đôi tay yếu ớt của bà cụ gần 90 tuổi đang vặt chùm lạc để phơi.

Cách đó vài bậc thềm nhà, đứa cháu trai của bà nằm nghe chương trình ti vi đang phát sóng. Người đàn ông sinh năm 1991 đó đã gắn mình trên chiếc giường góc nhà từ 8 năm nay.

Khoảng sân và căn nhà đó, đã nhiều năm rồi không được lấp đầy bằng sự đi lại náo nhiệt trong cuộc sống gia đình thường ngày gồm 5 người.

Biến cố liên tiếp ập đến

Căn nhà mái bằng đó được vợ chồng anh Phạm Văn Sơn (xóm Phong Vinh, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) chắt chiu từng đồng một trong nhiều năm trời để xây dựng với mong ước có nơi ở đàng hoàng.

Thế nhưng, chẳng ai ngờ được, biến cố liên tiếp ấp đến, khiến gia đình anh Sơn rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, các thành viên trong gia đình lao đao với bệnh tật.

Mẹ đẻ và 2 vợ chồng anh Phạm Văn Sơn ngậm ngùi khi chia sẻ câu chuyện của gia đình mình.


Năm 2009, sau ngày đổ mái, bố đẻ của anh Sơn đột ngột qua đời.

Bố đẻ anh Sơn nằm xuống tròn 49 ngày, con trai lớn nhập viện vì không thể cử động được đôi chân của mình. Con trai anh, Phạm Văn Ngân bị liệt đã 8 năm.

2 năm sau, con trai thứ 2 của anh Sơn bị khớp. Phạm Văn Hựu đi lại tập tễnh và khó khăn trong việc ngồi xổm.

Năm 2015, anh Sơn đi khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị suy thận. Từ một người là trụ cột kinh tế của cả gia đình với nghề xây, anh Sơn mất sức lao động. Trước đó, anh Sơn bị suy tim và tràn dịch màng phổi.

Anh Sơn bị suy thận độ 5, mỗi tuần phải đi viện chạy thận 3 lần.


Nhà có 5 người, 4 người đã không thể làm ra của cải vật chất, cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, mỗi người mỗi góc. Nguồn thu nhập chính của gia đình anh Sơn hiện tại chỉ dựa vào mẫu ruộng với sản lượng bấp bênh.

Đôi vai người vợ Vũ Thị Phượng oằn lên chống đỡ với đủ mọi chi phí, từ sinh hoạt hằng ngày tới chữa trị cho các thành viên trong gia đình. Chưa kể tới khoản nợ hơn 100 triệu đồng với tiền lãi hơn 1 triệu đồng mỗi tháng.

Chị Phượng nghẹn ngào khi nhớ lại những tháng đầu con trai bị liệt.

‘Giá kể bố bị bệnh, con khoẻ mạnh thì còn đỡ. Nhà tôi lại cả bố cả con đều bệnh nặng’, giọng chị Phượng khản đặc.

Liên tiếp đưa tay những giọt nước mắt đang chạy dài trên má, tiếng chị Phượng sụt sùi trong tình thương con thương chồng bệnh tật.

Đang học lớp 9, Ngân ôm đầu gối kêu khóc với mẹ của mình ‘Chân con đau lắm’ rồi bỏ ngang đi học nghề chạm trổ gỗ.

Hai năm Ngân đi học, một tháng về nhà một lần có lẽ là những tháng ngày cả gia đình vui vẻ nhất khi mà tương lai hứa hẹn Ngân sắp ra nghề, kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Đôi chân của Ngân không duỗi ra được, các ngón tay dần bị co lại, không cử động được.

Chân đau quá, Ngân cùng bố mẹ đi khám, bác sĩ tiên lượng xấu, phải nhập viện luôn. Trong suy nghĩ của Ngân và vợ chồng anh Sơn khi đó, chỉ nghĩ con bị đau chân đơn thuần chứ không ngờ chàng trai sinh năm 1991 này sẽ bị liệt.

Nằm một chỗ, bệnh vẩy nến hoành hành, tinh thần Ngân và cả gia đình xuống dốc không phanh.

Những tháng đầu Ngân nằm ở bệnh viện Bạch Mai, vợ chồng anh Sơn thay nhau chăm con. Có những đợt bệnh nặng, toàn thân tróc vẩy, hở mỗi hai đôi mắt, Ngân thu mình lại không tiếp xúc với ai. Bạn bè đến chơi, Ngân quay mặt vào tường.

Thời gian đó, thương anh và bố mẹ, Hựu tự ý bỏ học khi còn mấy tháng nữa là tốt nghiệp cấp hai. Bất ngờ, chân Hựu cũng có những dấu hiệu bệnh như anh trai mình.

Vậy là, Hựu chỉ hằng ngày ở nhà quanh quẩn bên giường anh trai, trực chờ sự nhờ vả từ người anh này.

Hựu lo sợ tương lai mình cũng sẽ không duỗi được chân và các ngón tay dần co lại, không cử động được, giống người anh của mình.

Một tuần ba lần, chị Phượng chở chồng tới bệnh viện cách nhà khoảng 20 cây số để chạy thận. Những hôm đó, nhà chỉ còn bà và Hựu.

Hai bà cháu thay chị Phượng chăm Ngân, nếu có việc gì nặng như giúp Ngân đi vệ sinh thì hai bà cháu lại gọi sự giúp đỡ từ hàng xóm.

Đã 8 năm không được ngồi ăn cơm cùng nhau

Giờ ăn cơm nào cũng được mở ra bằng hình ảnh chị Phượng bê một cơm, một bát thức ăn tới đặt cạnh nơi Ngân nằm.

Một miếng cơm, một miếng canh khoai tây, chị Phượng kiên nhẫn thổi phù phù đến khi đồ ăn nguội, xúc cho Ngân.

Chị Phượng là người luôn ở bên chăm sóc cho con trai, từ những điều đơn giản nhất.

Trong nhà, ngoài bà nội, mẹ và bác gái, Ngân không khiến ai xúc cơm cho mình cả. Chị Phượng cho biết, từ ngày Ngân bị bệnh, tính nết đã thay đổi nhiều, hay cáu bẳn, không còn vui tươi như trước nữa.

Ngày 3 bữa như vậy, xúc cho Ngân ăn khoảng 15 phút, cả gia đình mới trải chiếu cạnh giường Ngân. Đã gần chục năm, nhà 5 người không được quây quần ngồi chung mâm cơm với nhau.

Bữa cơm đạm bạc với cơm và canh khoai tây.

Chừng ấy năm, từ việc mặc cảm, bất mãn với cuộc đời, dần dần Ngân đã hiền hoà hơn với bố mẹ hơn. Cậu trai suốt ngày kêu trong nỗi sợ hãi ‘Mẹ ơi con bị liệt mất’, ‘Mẹ bị liệt xem mẹ có xấu hổ không?’, Ngân đã trở nên im lặng trong sự chấp nhận bệnh tật.

Khi Ngân nguôi ngoai nỗi đau, cậu quay sang động viên lại bố mẹ của mình, ‘Số phận mình đã nghiệt ngã như vậy rồi thì phải chấp nhận thôi chứ cũng không còn cách nào khác’.

‘Số phận mình đã nghiệt ngã như vậy rồi thì phải chấp nhận thôi chứ cũng không còn cách nào khác’

Mong muốn trở thành người thợ chạm trổ khéo léo của Ngân đã khép lại từ 8 năm trước. Vợ chồng anh Sơn chỉ biết nhìn con, khóc thầm trong sự bất lực.

Cuộc sống gia đình cứ lẳng lặng trôi qua cũng đã được 8 năm. Những đợt nắng hanh vẫn rọi thẳng vào từng gian nhà nguyên một màu xi măng nhưng không đủ để xua đi màu xám xịt như chính tương lai của cả gia đình.

Tú Anh – Phạm Tùng – Giadinhmoi.vn


TOP