Nam Định: Xây công trình... để bỏ hoang

Nam Định: Xây công trình… để bỏ hoang

Nhằm xử lý triệt để nguồn nước thải từ làng nghề luyện kim thôn Vân Chàng (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), các cơ quan chức năng trong tỉnh đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng công trình xử lý nước thải. Sau khi hoàn thành, công trình chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi bị bỏ hoang. Vì thế, nước thải từ làng nghề vẫn “vô tư” xả thẳng ra môi trường.

Làng Vân Chàng với nghề truyền thống chuyên tái chế, đúc, mạ nhôm, sắt, cán kéo kim loại… góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo việc làm cho người dân nơi đây. Thế nhưng, do áp dụng công nghệ lạc hậu, chủ yếu vẫn theo phương thức thủ công, nên nước thải từ làng nghề gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng.

Khu xử lý nước thải thôn Vân Chàng (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) bị bỏ hoang.

Năm 2008, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định phối hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng tổ hợp bể lắng xử lý nước thải cho làng nghề tại thôn Vân Chàng. Theo thiết kế, công trình gồm hai hồ chứa, một khu nhà lưu trữ chất thải rắn và một bể lắng nước thải với công suất hàng trăm mét khối nước thải mỗi ngày đêm. Những tưởng sau khi hoàn thành, công trình sẽ giảm được nguồn nước thải chảy ra môi trường, thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, công trình bị bỏ hoang và đến nay đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Chính vì vậy, các cơ sở sản xuất trên địa bàn vẫn “vô tư” xả nước thải trực tiếp ra cống và sông Vân Chàng khiến môi trường, nguồn nước nơi đây ngày càng bị ô nhiễm. Ngoài ra, xỉ than, gỉ thép của các cơ sở vứt bừa bãi, mùi a-xít, mùi khét từ các cơ sở sản xuất tỏa ra khắp làng, gây tác động xấu đến cuộc sống của người dân địa phương.

Bà Trần Thị Nguyệt, người dân thôn Vân Chàng cho biết: “Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, chất thải của các cơ sở còn làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Nước thải sau khi đổ ra cống, hệ thống thủy lợi, nhiều khi chảy ngược vào ruộng, khiến nhiều diện tích trồng hoa màu không thể canh tác được”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, do bị bỏ hoang nhiều năm, nên hiện nay khu xử lý nước thải thôn Vân Chàng cỏ dại mọc um tùm, nước thải chảy lênh láng, ngập cả đường vào. Còn khu nhà xử lý chất thải rắn do không được sử dụng nên địa phương đã chuyển công năng thành nhà phục vụ tang lễ.

Ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Vân Chàng cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì và môi trường ngày càng ô nhiễm”.

Ông Bình đưa chúng tôi đi quanh thôn Vân Chàng. Trên đường đi, chúng tôi nhận thấy, nước thải chưa qua xử lý từ làng nghề thải ra khiến sông Vân Chàng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước sông chuyển màu, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đã thế, khi đường ống bị tắc, nước thải dềnh lên, tràn vào khu dân cư. Mùi hóa chất, mùi xú uế khiến mọi người khó thở, nhất là người già và trẻ nhỏ thường xuyên bị mắc các bệnh đường hô hấp.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Duy Hưng, Phó chủ tịch UBND thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực cho biết: “Công trình tổ hợp bể lắng xử lý nước thải cho làng nghề tại thôn Vân Chàng được Thụy Sĩ tài trợ xây dựng từ năm 2008. Sau khi hoàn thành, đưa vào vận hành, do chưa xác định rõ bộ phận nào trực tiếp quản lý, nên công trình chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi bị bỏ hoang, xuống cấp”. Cũng theo ông Phó chủ tịch UBND xã, một nguyên nhân nữa là sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng không có đường ống dẫn nước thải kết nối từ các cơ sở sản xuất ra khu xử lý. Vì thế, các cơ sở vẫn xả trực tiếp nước thải ra sông.

Một công trình xử lý nước thải với mức đầu tư hàng tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả và bỏ hoang gần 10 năm nay, trong khi người dân lại phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường vì nguồn nước thải từ các cơ sở sản xuất gây ra. Rất mong các cơ quan chức năng huyện Nam Trực và tỉnh Nam Định sớm có giải pháp để đưa khu xử lý nước thải thôn Vân Chàng hoạt động trở lại.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH – VĂN THI – Qdnd.vn


TOP