Ngày 25.7, bão giật cấp 10, cách vùng biển Nam Định - Hà Tĩnh khoảng 330km về phía Đông Nam

Ngày 25.7, bão giật cấp 10, cách vùng biển Nam Định – Hà Tĩnh khoảng 330km về phía Đông Nam

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong 6 giờ qua, áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển. Hồi 10 giờ ngày 23.7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 150km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9.

Vị trí, hướng đi của bão số 4 do Trung tâm DBKTTV T.Ư cập nhật lúc 14h30 ngày 23.7.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh lên thành bão số 4. Đến 10 giờ ngày 24.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật cấp 8-9, biển động mạnh) từ vĩ tuyến 16,50N đến 20,50N; phía Tây kinh tuyến 113,00E. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 10 giờ ngày 25.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Định – Hà Tĩnh khoảng 330km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, sau mạnh lên thành bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Ảnh mây vệ tinh lúc 14h30 ngày 23.7.2017

Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có mưa rào và dông, gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Để đối phó với bão, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 32.150 phương tiện/152.680 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới và bão số 3 để chủ động di chuyển phòng tránh hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm, trong đó: 2.397 tàu/12.298 lao động đang hoạt động trong khu vực từ 16,5-20,5 độ vĩ Bắc (ngoài phạm vi ảnh hưởng của ATNĐ); 22.945 phương tiện/89.466 lao động neo đậu tại bến và 6.808 tàu/50.916 lao động đang hoạt động tại các khu vực khác…

Trưa 23.7, bão Roke đã đi vào đất liền Hồng Kông (Trung Quốc)

Hồi 10 giờ (23/07), vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,5 độ vĩ Bắc; 114,2 độ kinh Đông, ngay trên khu vực Hồng Kông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão Roke di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong 12 giờ tới, vùng nguy hiểm do bão số 3 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, biển động rất mạnh): Phía Bắc vĩ tuyến 21,0 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Theo: Kh.V – Laodong.com.vn


TOP