Nuôi toàn con đặc sản, lão nông Nam Định bỏ túi hàng trăm triệu đồng/năm

Nuôi toàn con đặc sản, lão nông Nam Định bỏ túi hàng trăm triệu đồng/năm

Trang trại nuôi con đặc sản của ông nông dân Ninh Văn Tài (51 tuổi) ở xóm 2, xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) nổi tiếng trong giới nuôi con đặc sản. Nhờ nuôi con đặc sản, mỗi năm gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng.

Bỏ thành phố về quê nuôi bạt ngàn ba ba và ếch.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về ao hồ, nguồn nước, lão nông Ninh Văn Tài (ở xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại nuôi con đặc sản và nhân giống các con đặc sản theo quy mô lớn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Trang trại nuôi con đặc sản của ông Tài rộng hàng ngàn m2, đang nhân nuôi chủ yếu hai loại là ếch và ba ba. Doanh thu mỗi năm từ nuôi hai loại đặc sản này lên đến hàng tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí gia đình ông lãi khoảng 400 triệu đồng.

Ông Ninh Văn Tài ở xóm 2, xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) thành công với mô hình nuôi con đặc sản của mình.

Dẫn phóng viên đi thăm quan mô hình nuôi con đặc sản, ông Tài cho biết, trước kia ông làm điện nước trên Hà Nội, lúc nào cũng mượn cả chục người làm. Thời gian đầu công việc suôn sẻ nhưng càng về sau công việc kém đi và thu nhập giảm dần.

Chán nản, công việc không ổn định và thu nhập bấp bênh nên ông quyết định về quê làm trang trại nuôi con đặc sản. Đầu năm 2004, ông đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo lại ao, xây bể và bờ bao để nuôi ba ba và ếch.

Sau khi cải tạo xong, ông mua một ít ba ba và ếch giống để về nuôi thử nghiệm. Vì mới chân ướt chân ráo vào nghề, cộng với chưa có kinh nghiệm nên khởi đầu gặp nhiều khó khăn.

Mỗi năm trung bình ông Tài (xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) bán ra trên 400kg ba ba thương phẩm, thu về một số tiền lớn.

Nhưng bằng sự chịu khó và ham học hỏi của mình, dần dần ông cũng làm chủ được kĩ thuật và hoàn thiện được quy trình nuôi sao cho hiệu quả nhất.

“Sau một thời gian loay hoay thì cuối cùng tôi cũng có sản phẩm để bán, ba ba thì được khoảng 1 tấn và khoảng 5 tấn ếch thương phẩm gì đó.

Sau khi trừ hết chi phí, vụ đầu tiên tôi lãi đứt gần 200 triệu đồng, thời điểm đó số tiền đó nó lớn lắm, đến trong mơ còn chẳng dám nghĩ đến, thế mà nuôi ba ba và ếch lại được”- ông Tài nhớ lại.

Thu nhập từ nuôi ba ba thương phẩm và baba sinh sản lên đến hơn 200 triệu đồng/năm.

Thu nhập gần nửa tỷ đồng/năm nhờ con đặc sản

Trong những năm tiếp theo, nhờ nắm vững được kỹ thuật nuôi và lại khá am hiểu tập tính của hai loại vật nuôi này, ông Tài tự tin mở rộng quy mô để nuôi với số lượng lớn hơn.

Ngoài nuôi thương phẩm, ông Tài còn nuôi sinh sản để cung cấp giống cho bà con trong vùng có nhu cầu. Không những vừa chủ động được nguồn con giống mà lại có thêm nguồn thu nhập.

Dưới bàn tay chăm sóc của ông, đàn ếch đẻ sòn sòn ra tiền cho gia đình ông Tài.

Ông Tài cho biết, ông nuôi hai con đặc sản này đã mười mấy năm nay và chúng cho thu nhập tương đối ổn định. Trung bình mỗi năm ông xuất bán hơn 8.000 con ba ba giống và hơn 400 kg ba ba thương phẩm.

Đối với ếch, nhờ mát tay nuôi ếch đẻ sòn sòn, năm nào ông cũng bán ra gần 40 vạn con ếch giống, nhiều tấn ếch thương phẩm đem về khoản thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

“Nhờ nuôi ếch và ba ba mà nhiều năm nay gia đình tôi có thu nhập ổn định, mỗi năm lên tới trên 400 triệu đồng, một mức thu nhập tương đối cao ở vùng quê thuần nông”- ông Tài cười nói.

Chia sẻ với báo chí cách nuôi con đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao, ông Tài tiết lộ, nuôi ba ba và ếch lãi hơn những loại vật nuôi khác mà tỷ lệ rủi ro lại ít hơn, hơn nữa cũng không mất quá nhiều công chăm sóc. Mỗi ngày, chỉ cần cho ăn 1 lần vào buổi sáng đối với ba ba, với ếch là hai lần/ngày.

Nhiều năm qua, cơ sở sản xuất ếch và ba ba giống của ông Tài trở thành địa chỉ uy tín, chuyên cung cấp con giống chất lượng cho các hộ nuôi ếch trong và ngoài tỉnh.

Điều quan trọng khi nuôi là phải đảm bảo nguồn nước sạch, nếu có nước ra vào thường xuyên thì rất tốt. Ba ba và ếch thường hay bị bệnh theo mùa, nhất là thời điểm giao mùa, mưa nhiều, chủ yếu mắc các bệnh như nấm, ghẻ và các bệnh đường ruột.

Khi đó, người nuôi cần phải xử lý để đảm bảo nguồn nước sạch cho ba ba về ếch. Bên cạnh đó, kết hợp cho chúng ăn kháng sinh và sử dụng chế phẩm sinh học để khử khuẩn nước./.

Tags:

TOP