Phí BOT giảm hàng loạt, dân vẫn “sợ” đường lớn

Phí BOT giảm hàng loạt, dân vẫn “sợ” đường lớn

Nỗ lực giảm vé BOT đường bộ đã được hiện thực hóa trong năm 2017 khi hàng loạt trạm trên toàn quốc đã công bố và thực thi chính sách miễn, giảm. Tuy nhiên, trên một số tuyến, người dân vẫn e ngại khi ra đường vì giá vẫn “chát”.

Miễn, giảm nhưng tiền phí vẫn gần bằng tiền xăng

Con số do Vụ Đối tác công – tư (PPP – Bộ GTVT) công bố cho thấy, cả nước hiện có 88 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm. Trong 73 trạm thì có 56 trạm đang thu, 17 trạm chưa thu. 15 trạm BOT còn lại (sau khi trừ đi 73 trạm do Bộ GTVT quản lý) thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các tỉnh thì có 11 trạm đang thu và 4 trạm chưa thu.

Trong số 56 trạm đang thu do Bộ GTVT quản lý có 2 trạm áp dụng mức thu 15.000 đồng/lượt; 4 trạm có mức thu 20.000 đồng/lượt; 4 trạm có mức thu 25.000 đồng/lượt; 3 trạm có mức thu 30.000 đồng/lượt; 40 trạm có mức thu 35.000 đồng/lượt; 3 trạm có mức thu 40.000 đồng/lượt.

Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã miễn, giảm giá cho các phương tiện khu vực trạm thu phí tại 13 trạm gồm: trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ, trạm Đại Yên QL18, Trạm QL6, trạm Bến Thủy, trạm Cầu Rác, trạm QL32, trạm cầu Hạc Trì, trạm QL3, trạm Km1064 (QL1 tỉnh Quảng Ngãi), trạm Quán Hàu, trạm Cai Lậy, trạm QL91 và trạm tuyến tránh TP Biên Hòa (Đồng Nai).

4 trạm BOT với hơn 300.000 đồng tiền vé cho chặng khứ hồi Hà Nội – Tiền Hải (Thái Bình). Ảnh TG

Động thái miễn, giảm vé BOT nêu trên phần nào xoa dịu được dư luận.

Tuy nhiên, trên một số tuyến việc xuất hiện quá nhiều trạm BOT trên một cung đường ngắn thì việc giảm phí vẫn chưa mang đến niềm vui cho người dân. Đơn cử, tuyến Hà Nội đi Tiền Hải (Thái Bình) là một ví dụ điển hình, nếu dùng xe con “làm một vòng” theo lộ trình khứ hồi Hà Nội – Tiền Hải – Hà Nội thì với chỉ hơn 260km đường, lái xe đã phải chi trên 300.000 đồng tiền vé.

Cụ thể, vé sử dụng cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình đến điểm rẽ đi Nam Định, Thái Bình ở Hà Nam là 130.000 đồng/2 lượt; Vé trạm thu phí Mỹ Lộc và Tân Đệ là 140.000 đồng/2 lượt; Vé phí BOT QL39 đi Tiền Hải là 60.000 đồng 2 lượt. Như vậy, tổng cộng lái xe phải chi đến 330.000 đồng cho chặng khứ hồi Hà Nội – Tiền Hải – Hà Nội. Với mức phí cao như trên, việc ra đường để tham gia lộ trình đi về Hà Nội – Tiền Hải của người dân vẫn là nỗi “ám ảnh” chưa có hồi kết. Tiền phí lộ trình này xấp xỉ tiền xăng của những dòng xe dung tích nhỏ.

Chiêu “trị tiền lẻ” của chủ đầu tư BOT

Bắt đầu phát sinh từ một số trạm thu phí ở khu vực miền Nam, “phong trào” đổi tiền lẻ mệnh giá thấp để trả vé BOT đã lan ra trên phạm vi nhiều tuyến trên toàn quốc. Tình trạng này có lúc trở thành điểm nóng gây ùn tắc nghiêm trọng trên một số tuyến nơi có trạm BOT đặt.

Sau động thái này của cánh tài xế, nhiều trạm BOT đã phải công bố mức giảm vé BOT để hài hòa. Thậm chí cư dân hai đầu quanh trạm được miễn phí vé BOT. Và để hy vọng lập lại trật tự, từ ngày hôm nay 30/11, có nhà đầu tư sẽ áp dụng biện pháp mới để “trị tiền lẻ” chống ùn tắc khi qua trạm. Cụ thể, ngày 30/11, trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) sẽ chính thức hoạt động trở lại từ 9h sáng và mở thêm bãi riêng cho xe muốn trả bằng tiền lẻ.

Đại diện đơn vị quản lý trạm BOT Cai Lậy cho biết đã đầu tư hai khu vực cho xe trả phí bằng tiền lẻ và một khu vực riêng cho báo chí tác nghiệp. Hai khu vực này có diện tích khoảng 800m2 với sức chứa 20 – 25 xe/bãi được trạm làm theo mô hình của Đồng Nai. Tại đây, những lái xe đưa tiền lẻ không được đậu tại làn thu phí mà sẽ được lực lượng chức năng mời vào bãi này giải quyết, tránh ùn ứ giao thông.

Trước đó, đại diện Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang, đơn vị quản lý trạm BOT Cai Lậy cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, trạm thu phí BOT Cai Lậy đã hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý để chính thức thu phí trở lại. Bộ GTVT cùng liên danh nhà đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng BOT thống nhất giảm giá dịch vụ khoảng 30% cho tất cả phương tiện.

Theo đó, mức thu qua trạm BOT Cai Lậy thấp nhất là 25.000 đồng/lượt (mức cũ 35.000 đồng) cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn; cao nhất 140.000 đồng/lượt (mức cũ 180.000 đồng) cho xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container trên 40 fit; vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt.

Về diễn biến giao thông tại các trạm BOT nói chung, đại diện Tổng cục Đường bộ VN cho biết, thời gian qua, tại một số trạm BOT, có hiện tượng chủ phương tiện sinh sống xung quanh trạm tổ chức các đoàn xe mang biểu ngữ phản đối thu, trả tiền lẻ tại các trạm gây ùn tắc giao thông. Bên cạnh việc chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đối thoại với nhà đầu tư để chốt mức giảm giá thì đại diện Tổng cục Đường bộ cho rằng, không thể giảm giá chung đồng loạt cho các trạm BOT. Nguyên nhân là do trong số 56 trạm BOT đang khai thác có đến 11 dự án có lưu lượng xe thấp hơn dự kiến. Nếu giảm giá sẽ phá vỡ phương án tài chính của dự án.

Cũng theo Tổng cục Đường bộ, việc giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ thực tế được triển khai sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Bộ GTVT và nhà đầu tư đã đàm phán, thống nhất giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ của nhiều dự án và đề xuất với Bộ Tài chính ban hành thông tư điều chỉnh giảm tại các trạm, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải.

Cũng liên quan đến giảm giá vé BOT, Tổng cục Đường bộ VN vừa đề xuất Bộ GTVT về giảm mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu giá Km1212+550 QL1 thuộc dự án mở rộng QL1 đoạn Km1125-Km1153, tỉnh Bình Định theo hình thức BOT sau khi đạt được sự thống nhất với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Theo đó, mức giá cho phương tiện loại 1 là 30.000 đồng. Sau khi áp dụng mức giá đề xuất (Loại 1: 30.000 đồng; Loại 2: 45.000 đồng; Loại 3: 70.000 đồng; Loại 4: 115.000 đồng; Loại 5: 175.000 đồng), thời gian hoàn vốn của dự án là 28 năm 5 tháng.

Theo Minh Anh( giadinh.net.vn)


TOP