Tác phẩm dự thi Giải báo chí "Búa liềm vàng": Gần 40 năm tình nguyện giữ rừng ngập mặn

Tác phẩm dự thi Giải báo chí “Búa liềm vàng”: Gần 40 năm tình nguyện giữ rừng ngập mặn

Gần 40 năm tình nguyện giữ rừng ngập mặn Xuân Thủy, ông Nguyễn Văn Bổng, xóm trưởng xóm 18, xã Giao An (Giao Thủy) đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã ghi nhận thành tích bảo vệ rừng trước những nguy cơ xâm hại của con người và thiên nhiên, sáng lập tổ tự quản rừng và làm tốt công tác vận động mọi người tham gia công cuộc tái tạo rừng ngập mặn.


Ông Nguyễn Văn Bổng, xóm 18, xã Giao An chăm sóc cây sú, vẹt tại Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Ông Nguyễn Văn Bổng, xóm 18, xã Giao An chăm sóc cây sú, vẹt tại Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Sinh ra tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Thủy, từ lúc còn chập chững, theo cha mẹ đi biển, vào rừng ngập mặn kiếm sống đã dạy cho ông cách khai thác biển để làm kế sinh nhai. Gắn bó với rừng, với biển từ nhỏ, qua những lời dạy của cha mẹ, ông Bổng sớm hiểu được quy luật khai thác gắn với bảo tồn, tái tạo nguồn sinh cảnh biển nên ý nghĩ phải bảo vệ rừng nhen nhóm trong ông từ đó. Khác với hàng trăm hộ dân ở các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy vào rừng khai thác thủy hải sản, ông Bổng chỉ tập trung khai thác tại một khu vực nhất định, đồng thời làm sạch cỏ rác, cắt tỉa cành khô, trồng mới cây sú, vẹt ở lạch nước trống…
Cây sú vẹt

Cây sú vẹt

Tạo cảnh quan khu vực mình khai thác. Bất ngờ ông phát hiện thấy nơi dọn cỏ rác, trồng cây đến đâu, tôm, cá, cua, cáy tìm đến trú ngụ nhiều hơn so với những vụng khác. Đặc biệt sau nhiều năm mải mê trồng rừng, ông nhận thấy mỗi năm nền đất khu vực rừng ngập mặn ông trồng dày lên khoảng mươi cm do lá sú vẹt và phù sa sông Hồng bồi đắp.
Ông nghe cán bộ kỹ sư quản lý rừng cho biết điều này mang lại lợi ích vô cùng lớn bởi đây không chỉ là môi trường lý tưởng cho cá tôm trú ngụ, điều hòa không khí, ngăn ngừa sóng dữ lúc mưa bão, triều cường mà điều quan trọng hơn đây còn là cơ sở cho việc lấn biển giữ rừng ứng phó với biến đổi khí hậu, ngăn nước biển dâng, xâm ngập mặn.
Đây chính là động lực giúp ông Bổng kiên trì gắn bó với trồng rừng, bảo vệ rừng ngập mặn trong điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn khắc nghiệt. Nhìn cánh rừng mênh mông, ông trăn trở một mình giữ rừng, bảo vệ rừng thì chưa đủ bởi trong tổng số hơn 1.000ha khu vực vùng đệm, cây sú, vẹt mới chỉ phủ được mươi phần. Hơn nữa ý thức bảo vệ rừng phòng hộ của người dân còn hạn chế. Bà con lấn rừng để mở rộng diện tích nuôi hải sản; chặt phá cây rừng để làm củi đốt lò, dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm… nên rừng ngày càng bị thu hẹp. Trong khi đó trồng rừng ngập mặn lại rất khó bởi trong những năm đầu cây vừa bén rễ lập tức bị con hà tấn công, cây lớn đến đâu, hà bám đến đó, hà hút nhựa cây, vít ngọn xuống bùn khiến cây không phát triển được.

Thêm vào đó, khu vực vùng đệm lại nằm ở cửa sông nên việc giữ được rừng rất khó khăn. Nhiều khi buổi chiều cắm cây vẹt thành hàng, sáng hôm sau, cây đã nổi lềnh bềnh…

Thật may đến năm 1986, khi Vườn quốc gia Xuân Thủy được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, các cấp, các ngành, các tổ chức trong và ngoài nước đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các địa phương ven biển trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ rừng. Lúc này, ông Bổng được chính quyền địa phương tin tưởng giao làm tổ phó tổ bảo vệ rừng.

Được giao nhiệm vụ đúng ý nguyện, được trang bị đồng phục, hỗ trợ phương tiện đi lại…, ông Bổng càng dốc lòng, dốc sức cho công việc của mình. Một mình gương mẫu đảm nhận khai thác, bảo vệ và trồng mới 36ha rừng ngập mặn, đồng thời vận động thêm được 9 hộ dân khác trong xóm tham gia cam kết bảo vệ rừng. Đến nay tổ bảo vệ rừng của ông có 14 người, đảm nhiệm trông coi trên 600ha rừng ngập mặn thuộc địa phận xã. Nhiệm vụ của tổ bảo vệ rừng là phối hợp thực hiện các chương trình trồng mới rừng ngập mặn; bảo vệ trông coi, kịp thời phát hiện những hành vi khai thác rừng bừa bãi, xâm hại, chặt phá rừng; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ rừng ngập mặn cho các cá nhân khai thác thủy hải sản trong rừng ngập mặn.

Choáng ngợp trước không gian rộng lớn, trong lành của vùng rừng ngập mặn.



Để thuận lợi trong công việc tổ bảo vệ rừng soạn thảo quy chế khai thác, bảo tồn rừng ngập mặn như không mang dụng cụ chặt phá, gây nổ vào rừng; không sử dụng thiết bị hủy diệt khi khai thác thủy hải sản; không bẻ cành, dẫm đạp lên cây non mới trồng; không săn bắn các loài chim di trú trong rừng… Ngày ngày trên chiếc thuyền gỗ vừa làm phương tiện di chuyển, chuyên chở hàng hóa, vừa để ăn, nghỉ và cũng sẵn lòng đón khách muốn tham quan thắng cảnh rừng ngập mặn, ông luồn lách mọi khe nước vừa đi kiểm tra tình hình, vừa tuyên truyền, động viên bà con khai thác rừng tuân thủ quy định chung để bảo vệ kế sinh nhai bền vững của mình. Rồi tổ chức hái quả sú, vẹt, ươm cây non để cứ thấy đất cứ bồi đến đâu lại cấy các loại cây đước, bần, trang đến trồng để lấn biển, giữ rừng và đa dạng hóa thảm thực vật của vườn. Thời gian qua, cá nhân ông đã phát hiện nhiều vụ phá rừng tập thể và báo cáo với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm có biện pháp can thiệp kịp thời.

Chính vì vậy, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng các phương tiện hủy diệt không diễn ra; hạn chế tối đa tình trạng chặt phá rừng, xâm lấn diện tích rừng để nuôi thủy sản. Toàn bộ diện tích rừng 600ha rừng ngập mặn do xã quản lý đã khép tán. Hỏi về một kỷ niệm trong quá trình bảo vệ rừng, ông Bổng nhớ lại: “Năm 2013, giữa lúc đêm khuya thanh vắng, tôi đi tuần rừng về vừa nghỉ ngơi được một lúc thì nghe có tiếng động lạ như tiếng của cưa máy, dao đốn chặt cây rừng, tôi vội vã định vị khu vực bị chặt phá rừng và báo với lực lượng công an xã và kiểm lâm tổ chức lực lượng đến bắt quả tang tại chỗ. Tại hiện trường, khoảng 1.000m2 rừng sú vẹt lâu năm đã bị đốn hạ. Lực lượng chức năng đã tịch thu toàn bộ tang vật, xử lý”.

Cùng với việc trông giữ, tái tạo rừng, ông Bổng còn cần mẫn, sáng tạo trong việc khai thác lợi thế của rừng ngập mặn như làm đăng đánh bắt cá tôm, cắm cọc giữ hàu để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Đến nay, trung bình mỗi năm ông Bổng có nguồn lợi từ rừng ngập mặn vài chục triệu đồng nhờ khai thác cá, tôm và hàu. Kinh nghiệm này được ông chia sẻ cho hầu hết các anh em trong tổ quản lý, bảo vệ rừng để cùng tạo kế sinh nhai bền vững. Do đó, mọi người sẵn sàng “từ chối” phần thù lao bảo vệ rừng do chính quyền địa phương, các tổ chức hỗ trợ. Đồng chí Trần Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Giao An cho biết: ước tính mỗi năm sẽ phát sinh 30 đến 40 tỷ đồng chi trả thù lao trông giữ rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy mà có khi không hiệu quả bằng việc chính những người dân bản địa tự ý thức quản lý, bảo vệ rừng. Do đó tinh thần trách nhiệm tiên phong bảo vệ rừng mà không đòi hỏi bất cứ khoản thù lao nào của ông Bổng là tấm gương sáng cho cán bộ và người dân địa phương. Từ cách làm của ông Bổng và tổ bảo vệ rừng đã giúp khắc phục mâu thuẫn giữa phát triển rừng bền vững với nhu cầu sống của cư dân bản địa thường thấy ở các khu rừng ngập mặn. Đồng quản lý rừng, người dân đang giàu lên nhờ giữ rừng, nguồn kinh phí tài trợ cho công tác bảo vệ rừng được dành để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh của người dân khu vực vùng đệm Vườn quốc gia.

Gần 40 năm gắn bó với rừng ngập mặn, ngày hai chiều, tối thả thuyền vào rừng lo canh rừng giữ nước, sáng sớm lại tất tả về nhà lo việc làng, việc xã. Ông tâm sự: “Ngoài tuổi 50, việc mò mẫm đêm hôm tuần rừng với bao tình huống bất thường không còn phù hợp nữa, trong gia đình, con cháu lo ngại về mặt sức khỏe của tôi, mong muốn tôi nghỉ ngơi, chỉ lo việc trong nội đồng. Bản thân tôi đôi lúc cũng phải đấu tranh về mặt tư tưởng giữa việc ngừng trông giữ rừng, giao lại cho người trẻ. Nhưng nhớ rừng và nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu trong lần nói chuyện với nhân dân tỉnh Thái Bình ngày 1-1-1967 rằng: Việc trồng cây nên dựa vào lực lượng các phụ lão và nhi đồng. Các cụ vừa có kinh nghiệm trồng cây, vừa cẩn thận tỉ mỉ chăm sóc cây cối”… Do đó tôi có thêm động lực, phấn chấn tiếp tục tham gia công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và coi đây là cơ hội để trả ơn rừng, biển đã nuôi sống chúng tôi, tiếp tục duy trì phong trào tự nguyện tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng ở địa phương. Quyết không để mất rừng coi rừng bị tàn phá cũng như mất vàng, mất của quý của Nhà nước, của nhân dân./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương – Baonamdinh.vn


TOP