Thủy sản Nam Định tái cơ cấu để phát triển kinh tế biển

Thủy sản Nam Định tái cơ cấu để phát triển kinh tế biển

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành thủy sản Nam Định cần quan tâm đến khai thác, nuôi trồng, chế biến, đóng tàu, sửa chữa, logictics, du lịch… để phát triển kinh tế biển.

Ngày 12/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã làm việc với UBND tỉnh Nam Định về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, tổng sản lượng thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 66.117 tấn, đạt 37,7% kế hoạch năm, tăng 1,23% so với cùng kỳ năm 2020.

Các vùng nuôi trồng thủy sản đã đẩy nhanh cải tạo ao đầm, chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết cho vụ nuôi mới và thu hoạch các đối tượng nuôi đạt kích cỡ thương phẩm. Đến nay, diện tích cải tạo các vùng nuôi tập trung đạt trên 98%; tiến hành nuôi thả khoảng hơn 2.200 ha tôm sú, 550 ha tôm thẻ chân trắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng Nam Định cần phải rà soát lại để tìm hướng cơ cấu, phát triển giống thủy sản. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước tính đạt 44.050 tấn, đạt 38% kế hoạch năm và tăng 1,05% so với cùng kỳ năm 2020.

Các cơ sở sản xuất giống nước ngọt đã cho đẻ các loại cá truyền thống. Các cơ sở sản xuất giống mặn – lợ đã tiến hành sản xuất giống tôm sú, cua biển, hầu, cá bống bớp, ngao.

Lượng con giống sản xuất được đến thời điểm này đạt 350 triệu cá nước ngọt, hơn 57.000 chùm hàu giống (khoảng trên 200 triệu con), 100 triệu post tôm sú, 23 triệu cua biển, 11 triệu cá bống bớp, 3.500 triệu ngao giống.

Lượng con giống nhập về tỉnh khoảng 180 triệu giống tôm sú, 700 triệu giống tôm thẻ chân trắng. Con giống nhập tỉnh phục vụ cho người dân trong tỉnh và cả cung cấp sang tỉnh lân cận như Thái Bình, Ninh Bình.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, Nam Định đã cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực cho 20 cơ sở, tổng số giấy xác nhận đã cấp được đến nay là 486/1.710 cơ sở nuôi thủy sản chủ lực; cấp được 5 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống.

Bên cạnh đó, sản lượng khai thác thủy sản được 22.067 tấn, đạt 38,5% kế hoạch năm, tăng 1,7 % so với cùng kỳ 2020. Trong đó khai thác biển là 19.042 tấn, khai thác nội đồng 576 tấn.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh Nam Định vẫn còn vướng mắc nhiều khó khăn như việc hạ tầng đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất vẫn còn phải lấy nước qua để nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh đã cơ bản cung cấp được giống thủy sản cho nhu cầu của người dân và một số tỉnh duyên hải Bắc bộ nhưng còn một số giống thủy sản có giá trị kinh tế chưa sản xuất được tại địa phương như tôm thẻ chân trắng và cá song.

Bên cạnh đó, hạ tầng cảng cá khu neo đậu hiện chưa đáp ứng được nhu cầu người dân. Tàu cá vẫn phải chui qua cống tưới tiêu vào trong khi có bão.

Công tác triển khai Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cùng với triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), khối lượng công việc rất lớn. Trong khi đó, sự chấp hành pháp luật của ngư dân còn rất hạn chế, sự vào cuộc của một số địa phương chưa thực sự quyết liệt nên việc triển khai còn nhiều khó khăn.

Nắm bắt cơ hội trong dịch bệnh
Theo đánh giá của Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản – Bộ NN-PTNT), Nam Định là địa phương có tiềm năng, đa dạng về các loại hình cũng như đã làm tốt công tác tổ chức, quản lý nuôi trồng thủy sản. 2 sản phẩm nổi bật của thủy sản Nam Định là nghêu và tôm. Nam Định có sản lượng nghêu lớn nhất phía Bắc, khoảng 40.000 tấn.

Dịch bệnh Covid-19 chính là cơ hội mà Nam Định cần nắm bắt để phát triển ngành thủy sản bền vững hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Diện tích nuôi trồng tôm chân trắng của tỉnh khoảng 1.000 ha, sản lượng khoảng 4.200 tấn. Nam Định đã tiến đến những mô hình thâm canh sản xuất tôm phù hợp với điều kiện thời tiết mùa đông của phía Bắc, cung ứng cho các thành phố lớn.

Ngoài ra, Nam Định có 112 cơ sở sản xuất giống thủy sản, đáp ứng cơ bản được nhu cầu sản xuất.

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, nhận định: Thị trường Trung Quốc rất gần với Việt Nam. Hiện nay Trung Quốc đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, bắt đầu khôi phục sản xuất phục vụ nội địa nên nhu cầu thủy sản của người dân Trung Quốc đã tăng trở lại.

Vì vậy, ngành thủy sản nên tận dụng cơ hội này, khuyến khích những mô hình phát triển nuôi tôm để có nguồn cung đảm bảo cho xuất khẩu. Trong mùa dịch Covid-19, việc nuôi trồng thủy sản cũng cần có những giải pháp để kết nối sản xuất, ổn định cung cầu, đáp ứng thị trường.

Cũng theo ông Cẩn, để có thể phát triển sản xuất thủy sản lâu dài, bền vững, Nam Định cần thực hiện việc đăng ký mã số những đối tượng chủ lực tại địa phương, cụ thể là tôm chân trắng. Việc này sẽ phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu từ thịt trường.

Nam Định cần kiểm soát chặt chẽ những giống thủy sản nói chung và giống tôm nói riêng. Tỉnh không có những cơ sở sản xuất giống tôm tại địa bàn mà chủ yếu nhập từ những tỉnh khác nên công tác kiểm soát, kiểm dịch, chất lượng tôm giống, kiểm soát thức ăn, xử lý môi trường cần được coi trọng để có thể đảm bảo hiệu quả sản xuất.

“Đối tượng nghêu tại Nam Định được nuôi ở bãi triều nên công tác quan trắc, cảnh báo, hỗ trợ người dân, đặc biệt trong mùa nắng nóng, cần được chỉ đạo sát sao để nâng cao hiệu quả, năng suất, sản lượng”, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản khuyến cáo.

Tags:

TOP