Trực Ninh: Bi kịch người phụ nữ ‘tố’ bị em ruột bạo hành, phải sống ở chợ

Trực Ninh: Bi kịch người phụ nữ ‘tố’ bị em ruột bạo hành, phải sống ở chợ

Được bố mẹ quyết định di chúc chia cho một phần tài sản nhưng đến khi họ mất đi, người phụ nữ đã “tố” bị em ruột xích, đuổi ra khỏi nhà phải dựng tạm túp lều ở chợ sống qua ngày.
Người phụ nữ “tố” bị em ruột xích, đuổi ra khỏi nhà

Từ lá đơn kêu cứu của bà Ninh Thị Núi (SN 1955), trú tại đình chợ thôn Nam Lạng, xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh, Nam Định gửi đến tòa soạn “tố” việc bà bị em ruột bạo hành, đuổi ra khỏi nhà. Cùng đó là bản án giải quyết tranh chấp đất ở của bà đã có hiệu lực pháp luật mà 9 năm qua vẫn chưa được thi hành.

Trao đổi với PV, bà Núi cho biết: “Tôi lớn lên và đi công nhân, rồi về ở với bố mẹ từ năm 1990. Năm 2002 thì bố tôi mất.

Sau khi bố mất đi thì mâu thuẫn về tài sản xảy ra. Trong khi đất đang tranh chấp thì em trai tôi là Ninh Văn Trí làm nhà và đuổi tôi ra khỏi nhà. Đồng thời tháo hết giường chiếu của tôi đưa ra ngoài.
Sự việc này có văn bản của địa phương. Đến 12 giờ trưa ngày 28/5/2013 thì xích tôi bằng dây xích chó. Việc xích này có sự tham gia của Ninh Văn Tuệ, Vũ Thị H. (PV – vợ của Trí)”.

Bà Ninh Thị Núi kể lại sự việc.

Bà Ninh Thị Núi kể lại sự việc.


Suốt cả buổi trưa hôm đó 2 người họ xích bà Núi, lấy điện thoại để không cho bà Núi liên lạc với người khác cầu cứu. Họ dùng xích trói bà Núi đến tận 5h chiều. Lúc này, người dân xung quanh thấy vậy nên đã thông báo cho con bà Núi là Lê Trọng Nhân.

“Khi con tôi về đến nhà thì ông Mai Văn Thiều – Trưởng công an xã Trực Tuấn có khuyên con tôi là bình tĩnh, chuyện này để người lớn giải quyết. Tuy nhiên, đến ngày 29/5/2013 họ cũng không cho tôi vào nhà. Vì biết không thể chung sống được cùng với họ nữa nên tôi đã mang theo đồ đạc ra chợ đình để sinh sống suốt những năm qua”, bà Núi kể lại trong uẩn ức.

Cũng để chứng minh cho những thông tin mình vừa nói là chính xác, bà Núi đã đưa ra công văn số 03/CV-UBND, của UBND xã Trực Tuấn về trả lời đơn đề nghị của công dân.

Trong văn bản ghi rõ, trưa ngày 28/5/2013 sau khi bà Núi đến UBND xã báo cáo việc bị anh chị em hành xích và đuổi ra khỏi nhà, UBND xã đã chỉ đạo cho Trưởng công an, Công an viên thường trực xã xuống tại gia đình kiểm tra, xem xét sự việc.

Khi đến kiểm tra, các thành viên trong gia đình báo cáo là thu xếp đồ, quét dọn nhà của để vợ chồng anh Trí về ở cùng nhà của bố mẹ với chị Núi. Nhưng tại hiện trường, một số đồ dùng như giường, tủ, một số vật dụng khác của mẹ con chị Núi đưa ra ngoài để.

Trước sự việc trên đồng chí trưởng công an đã tiến hành cho công an viên lập biên bản, giao trách nhệm cho các thành viên trong gia đình.

Con trai không dám cưới vợ vì nhà là túp lều dựng tạm ngoài chợ

Liên quan đến vụ việc của mình, bà Ninh Thị Núi trình bày: “Dù bản án dân sự phúc thẩm số 49/2007/PTDS ngày 21/9/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định xét xử có hiệu lực pháp luật đã 9 năm nay nhưng vẫn chưa được thi hành. Mặc dù Tòa án nhân dân tối cáo đã có công văn số 405/TANDTC – DS ngày 11/5/2015 chỉ đạo và hướng dẫn thi hành bản án nói trên. Vì vậy, nhiều năm qua tôi phải sống ở chợ tạm này do không có “chốn rung thân””.

Nhiều năm qua bà Núi phải sinh sống ở chợ.

Nhiều năm qua bà Núi phải sinh sống ở chợ.


Bà Ninh Thị Liên (SN 1956, em gái của bà Núi) cho biết, nhiều lần cũng đến khuyên giải anh và em trai ruột để cho chị gái mình (PV – bà Núi) có nơi nương náu. Thế nhưng đều vô ích, không những vậy còn bị anh và em trai ruột mắng chửi đuổi về.

“Tôi đâu có nghĩ, chuyện tồi tệ ấy lại xảy ra ngay trong gia đình tôi. Trong di chúc bố tôi đã phân chia rõ ràng rồi, vì thương chị ấy (PV – bà Núi) chuyện gia đình không được yên phận, ở nhà chăm lo cho cha mẹ già nên bố mẹ tôi đã để lại cho chị một phần đất ở để cho chị có nơi sinh sống tránh mưa, tránh nắng.

Tôi đâu có ngờ, lại bị chính anh em trong nhà tranh giành. Đau đớn hơn là đuổi chị tôi ra khỏi nhà. Gần chục năm qua hai chị em tôi đã có đơn thư gõ cửa khắp nơi để mong đòi lại công lý cho chị. Cũng đã có rất nhiêu đơn thư phản hồi từ các cơ quan chức năng về vụ việc này nhưng bản án đã có hiệu lực vẫn không được thi hành”.

Chia sẻ thêm về việc này bà Núi nói: “Con trai tôi giờ cũng đã khôn lớn, cháu nó đi làm xa và cũng đã có bạn gái. Tuy nhiên, chỉ vì không có nhà cửa đàng hoàng nên cũng chẳng dám đưa bạn về nhà. Giờ nếu có lấy vợ thì cũng không biết lấy chỗ nào để tổ chức đám cưới, sinh sống sau này”.

Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Trần Văn Cương, chủ tịch UBND xã Trực Tuấn cho biết: “Sự việc này ở địa phương xảy ra từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa thi hành xong. Lý do chưa thi hành án được là do quyết định của tòa án và diện tích đất phân chia thực tế là chưa khớp, do vậy bên thi hành án đã không thi hành bản án nữa”.

Chính quyền địa phương xã Trực Tuấn cho rằng đã làm hết sức

Chính quyền địa phương xã Trực Tuấn cho rằng đã làm hết sức


Về việc bà Núi nói bị các em bạo hành, ông Cương cho biết: “Do có khúc mắc với mấy anh chị em trong nhà, bà Núi nói là bị các các em đánh đập và đuổi không cho ở nên mới ra dựng túp lều ngoài chợ ở tạm.

Chúng tôi cũng đã tìm hiểu thông tin này từ những người có liên quan thì được biết không có việc các em bà đánh và đuổi bà ra khỏi nhà. Khi xảy ra vụ việc này mẹ bà vẫn còn sống. Tuy nhiên, mẹ bà đã mất cách đây hai năm.

Chúng tôi cũng đã phối hợp với các ban nghành ở địa phương tổ chức một buổi hòa giải giữa các thành viên trong gia đình họ nhưng không thành. Ở góc độ địa phương chúng tôi cũng đã làm hết sức nhưng nó còn phụ thuộc vào các cơ quan cấp trên”.

Nguyên Mạnh – Đào Sơn – Người Đưa Tin


TOP