Tu bổ, tôn tạo di tích đền Hưng Thịnh, tỉnh Nam Định

Tu bổ, tôn tạo di tích đền Hưng Thịnh, tỉnh Nam Định

Bộ VHTTDL đã có văn bản số 2728/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Nam Định về việc thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đền Hưng Thịnh thuộc xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Theo đó, Bộ VHTTDL thỏa thuận Báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu, tôn tạo di tích đền Hưng Thịnh, gồm các nội dung: Đảo ngói; vệ sinh, quét lại màu tường và các cột trụ (đối với nội dung tu bổ Tiền đường); Hạ giải tòa đệ nhị và chính tẩm hiện trạng để tôn tạo theo kiểu dạng kiến trúc truyền thống (đối với nội dung tôn tạo tòa đệ nhị và chính tẩm).

Đồng thời, Bộ VHTTDL cũng lưu ý: Bổ sung phương án bảo quản hiện vật, đồ thờ trong quá trình thi công; Đề xuất phương án tái sử dụng ngói cũ, cổ của tòa Tiền đường; Không sử dụng đèn Compact treo thả dưới thượng lương tại các hạng mục của đền.

Bộ VHTTDL có ý kiến, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, thông báo rộng rãi nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước Nhân dân để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.

—————————————————

Từ Nam Định qua cầu Đò Quan, xuôi theo đường 55 khoảng 29 km là tới di tích đền và chùa Hưng Thịnh, xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng. Khu di tích nằm trong khuôn viên rộng rãi ở phía tây bắc của làng.

Theo “Hưng Thịnh lương chí” thì chùa Hưng Thịnh được xây dựng vào niên hiệu Thuận Thiên thứ 3 (1431) do các ông tổ cùng các dòng họ hưng công khi công việc khẩn hoang đã giành nhiều kết quả, đời sống dân cư ở Hưng Thịnh ngày một ổn định.

Chùa được xây dựng kiểu theo chữ đinh gồm tiền đường 3 gian rộng, tam bảo 4 gian. Đời vua Thành Thái năm thứ 11 (1899) chùa được tu sửa theo phong cách cổ truyền, còn bảo tồn được một vì chạm khắc phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII với các đề tài hổ phù ở giáp nóc và long chầu nguyệt, mẫu long giáo tử, ly chạy nhảy đùa vui ở mảng giữa cùng hoa lá, rồng đao mác nhiều lớp ở mảng phía bắc. Mảng chạm gian phía nam còn thêm họa tiết trúc hóa long, trên có hình ảnh tiên cưỡi rồng.

Trước cửa tam bảo cũng được chạm khắc tứ linh đan xen với họa tiết hoa lá cách điệu thể hiện trình độ cao của những nghệ nhân xưa.

Chùa Hưng Thịnh còn có hệ thống tượng pháp phong phú, tiêu biểu là pho Tam thế, Adiđà, Phật bà Quan âm, Tuyết Sơn được tạo dáng cân đối, họa tiết trang trí, nhấn tỉa tinh xảo.

Phía nam chùa là đền Hưng Thịnh, nơi thờ những ông tổ có công trong việc khẩn hoang, lấn biển đầu thế kỷ XV.

Đặc biệt đền Hưng Thịnh còn thờ hai vị đại khoa thời Lê là Phạm Đạo Bảo và Phạm Đạo Phú. Đây là những người có tài văn võ đã từng gắn bó với quê hương. Phạm Đạo Bảo còn có tên là Phạm Nguyên Bảo, sinh năm 1456, là con của ông Phạm Đạo Võ và bà Nguyễn Thị Dong. Quê của ông ở ấp Hoàng Xá nay là thôn Phạm Xá, Yên Nhân, Ý Yên. Sau này ông chuyển về tân ấp Cô Bần, thôn Hưng Thịnh, xã Hoàng Nam. Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18 (1487) đời vua Lê Thánh Tông, giữ chức Phó đô Ngự sử.

Đền – Chùa Hưng Thịnh, xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng.

Năm Hồng Đức thứ 24 (1493), Phạm Đạo Bảo chỉ huy 2 vạn quân tiễu trừ phiến loạn tại đồn Hưng Hóa, Nghệ An. Sau chiến công này ông được phong: Phó đô Ngự sử, Võ huân tướng quân tả hiệu điểm, trấn thủ tại Nghệ An. Năm 1497, Phạm Đạo Bảo hộ giá vua Lê Thánh Tông đi đánh dẹp Chiêm Thành. Sang đất Chiêm Thành ông đã bị bệnh nặng và mất vào ngày 27 tháng giêng năm 1497. Linh cữu ông được đưa về tân ấp Cô Bần để an táng.

Phạm Đạo Phú là anh con bác ruột Phạm Đạo Bảo. Ông thi đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa thi Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490). Khoa thi này do đích thân vua Lê Thánh Tông ra đề. Năm 1491 ông hộ giá vua Lê Thánh Tông về thăm Lam Kinh (Thanh Hóa). Trong chuyến đi này vua tôi cùng xướng họa thơ ca, chép lại thành tập: “Văn minh cổ xúy”. Phạm Đạo Phú có 6 bài thơ trong tập này.

Năm 1494, Phạm Đạo Phú được gia nhập hội: “Tao Đàn nhị thập bát tú” gồm 28 người ứng với 28 vì sao do vua Lê Thánh Tông đứng đầu. Một trong những sáng tác của hội là tập: “Quỳnh Uyển cửu ca”. Trong tập thơ này Phạm Đạo Phú có 9 bài thơ họa.

Năm 1495, Phạm Đạo Phú giữ chức Hàn lâm viện kiểm thảo trong Hàn lâm viện. Sau này ông được thăng chức Hình bộ tả Thị lang.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Phạm Đạo Phú là người rất trung thành với nhà Lê nên đã treo ấn từ quan về sống tại tân ấp Cô Bần. Tại đây ông đã xây dựng văn chỉ, tạo đường, thông ngòi giúp đỡ nhân dân. Ông mất vào ngày 2 tháng 8 năm Nguyên Hòa thứ 7 (1539). Vua Lê Thế Tông (1573 -1599) sắc phong truy tặng là Tham tri trung ý Trung đẳng thần.

Sự nghiệp và tài năng của hai ông không chỉ là tấm gương sáng cho con cháu tôn thờ mà còn được sử sách ca ngợi đồng thời nhiều bậc danh nhân, chí sĩ tôn kính đề thơ, câu đối ca ngợi công đức:

“Thắng triều quế phả song hoàn tiết
Cố địa linh từ lưỡng chủ nhân “.

(Khí tiết vẹn tròn ghi sử nước
Đền thiêng hai vị đại khoa tại quê hương).

Đền Hưng Thịnh là một công trình bề thế, với lối kiến trúc có bố cục chặt chẽ theo kiểu tiền nhất hậu đinh gồm tiền đường 3 gian rộng, tòa đệ nhị 3 gian và chính tẩm 2 gian.

Cũng như chùa Hưng Thịnh các cấu kiện kiến trúc của đình Hưng Thịnh như cột, xà, bẩy, kẻ đều chạm kênh bong rất tinh xảo, mềm mại. Gian phía bắc chạm mặt hổ phù, long mã, những con ly chạy ở đầu dư, cánh lá lật hóa long trên các con rường… Gian phía nam chạm khắc nhiều cảnh như cá hóa long, sen quy, long chầu rất tinh xảo điêu luyện.

Đền Hưng Thịnh còn lưu giữ đựơc một số đồ thờ có giá trị nghệ thuật cao như hương án dài lm80, cao lm35, rộng 0,90m có chữ ghi “Song đại khoa miếu” tức là đền thờ hai vị đại khoa. Hương án đựơc tạo dáng đẹp, phân chia từng phần, từng khuông, trang trí cân xứng, phía trên viền thành mặt chạy băng họa tiết cánh sen nghiêng đều đặn.

Chân hương án cùng xà ngang, xà dọc đều chạm khắc hoa văn hoa cúc, hoa mai, triện tàu lá dắt mềm mại, sinh động. Trong các khuông, các mảng trang trí cảnh rùa ẩn mình trong sen, cảnh sóng nước hoa lá, cảnh rồng bay phượng múa, long mã chầu rất tinh xảo.

Đền chùa Hưng Thịnh xã Hoàng Nam là một công trình kiến trúc thể hiện sức sáng tạo của những người dân lao động ở một vùng quê đầy sóng gió. Ngày nay đền chùa Hưng Thịnh là di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng, luôn được nhân dân địa phương ra sức tôn tạo giữ gìn, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Tags:

TOP