Tục lệ 'thắp lửa' cầu may đêm giao thừa hàng ngàn năm của người dân Nam Định

Tục lệ ‘thắp lửa’ cầu may đêm giao thừa hàng ngàn năm của người dân Nam Định

Hoạt động thường lệ của người dân tại xã Yên Tiến, Nam Định vào đêm giao thừa như một sự cầu chúc may mắn, sung túc cho năm mới.

Một canh giờ trước thời khắc chuyển giao từ năm mới sang năm cũ, nhiều người dân tại làng Trang, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã tập trung tại đình làng để thực hiện nghi lễ ‘rước lửa’. Mỗi người đều cầm trên tay một cây đuốc tẩm dầu hỏa, chuẩn bị ‘chia lửa’ từ cây đuốc chính được thắp trong trung tâm đình. Người phát lửa là một người cao tuổi, có uy tín và thâm niên sống tại làng Trang. Tục lệ này đã được duy trì hàng ngàn năm tại xã Yên Tiến, ăn sâu vào tiềm thức và trở thành nét văn hóa đẹp đẽ của người dân nơi đây.
Ngọn lửa được chia từ tay cụ cao niên tại sân đình tượng trưng cho sự may mắn, mang màu đỏ với sự ấm nóng đại diện cho sự nảy nở, sinh sôi của con người trong thời khắc chuyển giao sang năm mới. Ngọn lửa được đốt ngay giữa đình làng – nơi thờ ông Vương Tư Đồ, người đã khai sinh lập địa nơi đây.

Cụ cao niên phát lửa tại đình làng Trang Tết Mậu Tuất 2018.

Đình làng Trang là nơi quy tụ mọi người vào đêm giao thừa hàng năm, bà con, hàng xóm có dịp gặp mặt vừa là dịp quây quần, chia sẻ những điều đã làm được trong năm qua. Mặt khác, mọi người đến cầu may mắn, đem ngọn lửa về thắp nén hương cho ban thờ tổ tiên, thổi ngọn lửa bếp – nơi sinh hoạt, ăn uống của gia đình.

Những người đi rước lửa đều là thanh niên khỏe mạnh, tuấn tú, học hành giỏi giang bởi văn hóa ‘chọn người chọn tuổi’ đẹp đầu năm mới trong tín ngưỡng nhiều thế hệ người Việt. Từ ngọn đuốc chính từ đình làng, đại diện làng sẽ chia lửa vào các ngọn đuốc, từng nhà liên tiếp truyền lại lửa cho nhau tạo nên khung cảnh rực sáng đêm Tết.

Ông Phạm Trọng Tuấn (65 tuổi, nguyên chủ tịch xã Yên Tiến) chia sẻ: ‘Tục lệ đã có từ hàng ngàn năm nay, người dân trong làng đều nô nức nhau đi rước lửa. Đêm đến, người đi bộ, người thì đi xe máy chở nhau mang lửa về nhà làm không khí trong làng tập nập, rộn ràng hẳn lên’.

Lửa mang về nhà sẽ được dùng để thắp hương bàn thờ gia tiên, cúng trời đất và thổi vào bếp để mong cho năm mới làm ăn phát tài, phát lộc, mùa màng bội thu.

Bên cạnh việc rước lửa mang về nhà, việc múa lân rước quan lên đình cùng nhiều hoạt động tín ngưỡng, tâm linh khác được diễn ra tại đình làng Trang ngay khoảnh khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.

Nhiều người trẻ thay vì đi xem pháo hoa đã tập trung tại đình làng Trang tham gia lễ hội rước lửa đêm giao thừa. Hoạt động vừa mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng, vừa là nét đẹp văn hóa cổ truyền của người dân Việt Nam trong thời khắc chuyển giao từ năm mới sang năm cũ.


Đức Nguyễn
Baodatviet.vn


TOP