Vụ nước sinh hoạt đen như nước cống ở Nam Định: "Người thừa nhận, kẻ đổ lỗi"

Vụ nước sinh hoạt đen như nước cống ở Nam Định: “Người thừa nhận, kẻ đổ lỗi”

Nguồn nước thô để sản xuất nước sạch được lấy từ sông Sắt (giáp địa phận Ý Yên) đang bị ô nhiễm do xả thải sinh hoạt của người dân, nước thải từ các làng nghề làm gỗ, mây tre đan và đúc đồng…

Sau khi báo Người tiêu dùng phản ánh về việc người dân huyện Vụ Bản liên tục dùng nước bẩn trong khi mất tiền túi mua nước sạch, nhóm PV đã liên hệ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để nắm bắt thêm sự việc.

Tiếp phóng viên, ông Nguyễn Văn Bài – Phó chủ tịch UBND xã Tam Thanh (huyện Vụ Bản) xác nhận tình trạng nước sạch nhiễm bẩn nêu trên và cho biết: “Về vấn đề nước sạch, tại UBND xã cũng đã nhận được nhiều kiến nghị của bà con nhân dân. Hầu như trong kỳ họp nào chúng tôi cũng nhận được ý kiến của người dân. Hiện tại, Tỉnh đã chỉ đạo cho thay thế nước nguồn từ sông Sắt chuyển sang sông Đào… Nguồn nước hiện tại đang cấp cho công ty nước sạch Vụ Bản lấy từ sông Sắt thực tế không đảm bảo chất lượng”.

Trụ sở UBND xã Tam Thanh.

Theo thông tin được biết, trước nhà máy cung cấp nước sạch cho 5 xã của Vụ Bản gồm: Liên Minh, Vĩnh Hào, Kim Thái, Cộng Hoà, Tam Thanh và thị trấn Gôi, hiện tại nhà máy nâng công suất hoạt động, do vậy cung cấp nước sạch sang một số xã thuộc huyện Ý Yên tỉnh Nam Định.

Cũng theo vị phó chủ tịch xã, nguồn nước tại sông Sắt đang bị ô nhiễm. Nguyên nhân chủ yếu do bà con phun thuốc trừ sâu, xả thải sinh hoạt, đặc biệt, các làng nghề truyền thống của Ý Yên như đúc đồng, làm gỗ, mây tre đan xả ra khiến nước sông nhiễm bẩn. Vì thế, trên địa bàn xã gần đây, hiện tượng nước vẩn đục và có màu vàng thường xuyên xảy ra. Sau khi nhận được phản ánh, phía xã đã báo cáo lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét xử lý tình trạng này.

Tuy nhiên, đối lập với Tam Thanh, tại xã Kim Thái (huyện Vụ Bản) – địa bàn có người dân phản ánh về tình trạng nước sạch nhiễm bẩn, dường như khi làm việc với đại diện UBND xã, nước sạch nơi đây lại đảm bảo đến mức chưa bao giờ có vấn đề gì xảy ra.

Ông Trần Văn Dư – Chủ tịch UBND xã Kim Thái cho hay: “Chất lượng nước lúc trước có phần kém do rò rỉ đường ống nhưng không lớn, sau khi nhà máy nâng cấp thì hiện tại chất lượng đã tốt lên. Thực sự, nước ở đây là tốt, người dân thì đôi khi rảnh rỗi quá, người ta có ý kiến lên đây thì rất trân trọng họ nhưng hiện tại, ở xã hầu như không nhận được ý kiến phản ánh nào của dân liên quan đến chất lượng nước sạch…”. Trong khi đó, một số hộ dân cho rằng, họ đã ý kiến lên cán bộ trưởng thôn nhưng chỉ nhận được những giải thích không đâu nên không biết kêu cứu đến ai. Phải chăng, chỉ có người dân mới bị chịu thiệt, mất tiền mua nước nhưng nước sạch không thấy đâu mà chỉ toàn cặn bẩn!?

Hình ảnh nước bẩn do người dân cung cấp.

Trước đó, phản ánh tới báo Người tiêu dùng, nhiều người dân tại xã Tam Thanh, Kim Thái luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ về việc sử dụng nước sạch khi nước liên tục có vấn đề về màu sắc, cặn đục và con bọ xuất hiện với tần suất liên tục. E ngại về tình trạng trên, chính những người dân – những khách hàng của công ty cấp nước Nam Định đang đặt ra nghi ngờ về chất lượng nước sạch cũng như việc quyền lợi của mình bị xâm phạm khi bỏ tiền mua nước.

Theo ý kiến của chính quyền địa phương cũng như ý kiến đã phản ánh của người dân, nguồn nước đầu vào để sản xuất nước sạch đang là vấn đề đáng lo ngại. Khi nguồn nước bị ô nhiễm, liệu quá trình thanh lọc, khử trùng của phía nhà máy cấp nước có đảm bảo quy trình cũng như loại bỏ được hết các độc tố và kim loại nặng hay không!? Để xảy ra hiện tượng nước đục bẩn đến tay người tiêu dùng, phía công ty cấp nước Nam Định đã có động thái và biện pháp khắc phục như thế nào cũng như trách nhiệm quản lý về nước sạch của cơ quan chức năng ra sao, báo Người tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

nguoitieudung.com.vn


TOP