Khó tin: Người phụ nữ 29 tuổi sinh 8 người con ở Hà Nội

Khó tin: Người phụ nữ 29 tuổi sinh 8 người con ở Hà Nội

Sau bốn lần đẻ con gái, đến lần đẻ thứ năm thì chị Hồng sinh được con trai. Những lần tiếp theo, dù đi siêu âm là con gái, chị vẫn để đẻ. Sau 12 năm, chị lần lượt sinh 8 người con.

Bữa cơm chiều của chị Hồng và các con.

Ngày nay, chuyện sinh nhiều con tưởng chừng chỉ xuất hiện ở miền núi, nhưng ngay giữa Thủ đô Hà Nội có cặp vợ chồng trẻ sinh 8 đứa con trong vòng 12 năm khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đó là vợ chồng anh Đỗ Công Trường (SN 1984) và chị Đỗ Thị Hồng (SN 1988) ở thôn Phú Hạ, xã Tân Phú (huyện Quốc Oai, Hà Nội).

“Người khác giàu tiền bạc, mình giàu con cái”

Ghé thăm gia đình đình đông con nhất huyện Quốc Oai vào cuối giờ chiều, đúng lúc cả gia đình quây quần bên mâm cơm. Trong ánh sáng chập choạng tối, chúng tôi thấy những đứa trẻ có độ tuổi khác nhau, ngồi kín cả mâm cơm và một người phụ nữ trẻ đang xới cơm cho những đứa trẻ ăn.

Nhìn những đứa trẻ vây kín mâm cơm như ở nhà trẻ mẫu giáo, chúng tôi rất ngạc nhiên, hỏi người phụ nữ trẻ, chị cho biết: “Tất cả chúng là con của tôi, do chủ quan nên vỡ kế hoạch”.

Chị là Nguyễn Thị Hồng, người phụ nữ “đẻ giỏi” nhất huyện mà ai cũng biết. Dù mới 29 tuổi nhưng người phụ nữ này có tới 8 đứa con, đứa con thứ 7 của chị không may đã qua đời từ lúc được 21 ngày tuổi. Hiện giờ hai vợ chồng chị đang có 7 đứa con, đứa lớn nhất 12 tuổi, đứa nhỏ nhất mới chưa đầy 1 tháng tuổi. Tính ra 1,5 năm chị Hồng đẻ một lần.

Việc sinh đẻ của chị Hồng cũng rất dễ dàng, thuận lợi. Chỉ có một bé chị Hồng đẻ ở nhà đúng đêm mùng 1 Tết, còn 7 bé còn lại đều đẻ ở trạm y tế của xã bằng biện pháp sinh thường.

Hai vợ chồng sinh 8 người con, đứa lớn nhất 12 tuổi, đứa bé nhất chưa tròn 1 tháng.

Chị Hồng kể: “Khi mang bầu, bụng tôi rất bé, chỉ to lên một chút, không có cảm giác nghén ngẩm hay mệt mỏi gì cả. Có đứa được 5-6 tháng, có đứa 7-8 tháng, tôi mới biết là mình có thai. Hàng xóm cũng ngạc nhiên, đến khi tôi đi sinh họ mới biết”.

Dù đẻ nhiều, gia đình lại khó khăn nhưng chị Hồng cứ có chửa là để đẻ chứ không bỏ đi đứa nào. Chị quan niệm: “người khác giàu tiền, giàu bạc còn mình thì giàu con cái”.

“Có người thấy nhà tôi đông con họ đến xin nhưng vợ chồng tôi không bao giờ cho bởi mình đẻ chúng ra mình phải có trách nhiệm nuôi chúng. Nếu cho đi sau này nó lớn lên nó lại trách bố mẹ sinh ra mà lại không nuôi nên hai vợ chồng cố gắng lo ăn từng bữa cho chúng”, chị Hồng tâm sự.

Kể về việc sinh nhiều con, chị Hồng cho biết, hai vợ chồng chị cưới đầu năm 2005. Sau khi sinh đứa đầu tiên, hai vợ chồng chị bảo nhau thư thư rồi tính tiếp nhưng lần nào cũng vậy, đang trong thời gian ở cữ thì lại lỡ có bầu nên đành để đẻ.

Sinh con đối với chị Hồng quá dễ nhưng lần sinh thứ 7 thì lại đem lại nỗi đau thương đến tận bây giờ. Nhà nghèo, không có tiền siêu âm, hai vợ chồng chỉ tính nhẩm ngày đẻ, rạng sáng mùng 1 Tết năm 2016, chị đau đẻ, trở dạ sinh con ngay trên giường, do không chuẩn bị kịp nên chồng chị – anh Nguyễn Công Trường trở thành “ông đỡ” bất đắc dĩ.

“Tôi thấy đầu cháu và lấy tay đỡ, nó cứ ra tới đâu tôi đỡ tới đó, xong bế cháu đặt lên bụng mẹ nó. Đêm tối rét, nhưng tôi vẫn phải dùng xe bò đưa hai mẹ con lên trạm y tết của xã để sơ cứu, cắt dây rốn, nhưng 21 ngày sau cháu mất. Đến bây giờ hai vợ chồng cũng không hiểu vì sao cháu mất, chỉ biết lúc đó, môi cháu thâm tím và lịm dần đi”, anh Trường cho biết.

Quyết tâm sinh con trai nên vỡ kế hoạch

Sau bốn lần đẻ con gái, dù kinh tế khó khăn nhưng vợ chồng chị Hồng quyết tâm đẻ được con trai để nối dõi. Bé Đỗ Công Anh ra đời năm 2013 trong niềm vui của cả gia đình.

Anh Trường cho biết, mình là con trưởng nên phải có con trai nối dõi. Khi sinh được một cháu trai, ai cũng chúc mừng, hai vợ chồng anh quyết tâm dừng lại nhưng do chủ quan nên vợ sinh liền 3 con gái tiếp theo.

Hiện tại, anh Trường ở nhà chăm sóc con thay vợ.

“Cũng do vợ mình mắn đẻ lại không đặt được vòng. Uống thuốc tránh thai thì chóng mặt. Thậm chí, vợ tôi bị bệnh, phải cắt một bên buồng trứng. Hai vợ chồng cứ đinh ninh là không thể có thai tiếp nên chủ quan”, anh Trường nói.

Kể về hoàn cảnh gia đình, anh Trường cho biết, nhà anh thuộc diện nghèo nhất xã. Bản thân anh chỉ học hết lớp 4, sau này lớn lên làm thợ xây thu nhập bấp bênh. Những lúc không có việc ở nhà đi bẫy chim còn chị Hồng làm công nhân dọn vệ sinh ở công trường, tháng được khoảng hơn 3 triệu nhưng lại phải lo cho bố bị bệnh thoái hóa khớp không thể đi lại.

“Khổ nhất là thời điểm vợ tôi sinh con thứ 6, lúc đó cô ấy bị u nang buồng trứng phải nằm ở Bệnh viện Bạch Mai một tuần, con mới sinh nằm ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Do vợ tôi uống thuốc tránh thai nhiều quá, lại làm việc nặng nhọc nên bị viêm gan E, máu loãng”, anh Tường chia sẻ.

Một mình chạy đi chạy lại vất vả lại không có tiền, họ hàng hai bên đều nghèo, anh Tường phải bán 2 chiếc xe máy được hơn 20 triệu và vay bên ngoài thêm 100 triệu, lo chữa bệnh cho vợ. Đến bây giờ, mỗi tháng, gia đình anh phải trả lãi 1 triệu/tháng.

Nói về người vợ, anh Trường cho biết, vợ tôi rất khỏe, có lần trong tháng đẻ rồi mà vẫn đi xe máy lên Hòa Bình chở chuối về đây bán. Cũng do hoàn cảnh khó khăn nên cô ấy sinh xong mấy ngày đã đi làm ngay, đến nỗi dù sinh đẻ liên tiếp nhưng những người làm cùng cũng không hay biết.

Cuộc sống dù khó khăn nhưng anh chị luôn động viên nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn, quyết nuôi con nên người.

Chị Hồng dễ đẻ đến nỗi, mỗi lần lên trạm xá y tế xã để sinh con, chị thường đẻ rơi ngay trước khi lên bàn đẻ. Đẻ xong mới đi gọi y tế đến cắt rốn cho em bé.

Theo Hồng Phú (Dân Việt)


TOP